Châu Á nắng nóng khốc liệt

Đăng ngày: 09-05-2023 | Lượt xem: 1513
Tháng 4 vừa qua là tháng 4 nóng nhất của châu Á, trong khi 2023 có thể là năm nóng nhất của thế giới

Chỉ mới khởi đầu mùa hè nhưng khắp các vùng phía Nam châu Á đã chứng kiến hàng loạt kỷ lục nhiệt độ cao được thiết lập. Trong ngày 7-5, Việt Nam ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất từ trước tới nay là 44,2 độ C ở tỉnh Nghệ An. Tương tự, Lào ghi nhận kỷ lục 43,5 độ C ở Luang Prabang, biến 7-5 thành ngày nóng nhất lịch sử nước này, theo hãng tin Bloomberg.

Cũng ở Đông Nam Á, chính quyền TP Quezon trong vùng thủ đô Manila - Philippines đã rút ngắn giờ học sau khi nhiệt độ chạm "vùng nguy hiểm", với sự kết hợp chết người giữa nhiệt độ và độ ẩm cao, trong đó nhiệt độ nằm trong khoảng 42 - 51 độ C.

Tại Thái Lan, nhiệt độ vẫn trên 40 độ C ở nhiều vùng phía Bắc và miền Trung trong hầu hết tuần qua, sau khi lập đỉnh 50 độ C vào tháng trước. Trong khi đó, nhiệt độ ở Myanmar đã leo lên mốc 45 độ C.

Nắng nóng dữ dội còn xảy ra ở Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh… trong những tuần gần đây.

Ít nhất 13 người thiệt mạng vì sốc nhiệt và hàng chục người phải nhập viện khi dự một sự kiện gần TP Mumbai dưới cái nóng 45 độ C vào giữa tháng 4 trong khi nhiều tờ báo địa phương đưa tin mặt đường ở thủ đô Dhaka của Bangladesh bị chảy nhựa. Còn tại Trung Quốc, hơn 100 trạm khí tượng ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ hồi tháng trước.

Trẻ em chơi đùa trong bể bơi bơm hơi giữa tiết trời nóng bức ở thủ đô Manila - Philippines vào cuối tháng 4 Ảnh: REUTERS

Trẻ em chơi đùa trong bể bơi bơm hơi giữa tiết trời nóng bức ở thủ đô Manila - Philippines vào cuối tháng 4 Ảnh: REUTERS

Trên toàn thế giới, 8 năm qua cũng là 8 năm nóng nhất từng được ghi nhận. Và tháng 4 vừa qua, theo TS Wang Jingyu, nghiên cứu về khí hậu tại Viện Giáo dục quốc gia Singapore, là "tháng 4 nóng nhất ở châu Á".

Tình hình thời tiết cực đoan này tiếp tục thử thách các chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, duy trì sản xuất và bảo đảm nhu cầu tiêu thụ điện… trong bối cảnh vẫn đang chật vật hồi phục kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

Một trong những yếu tố góp phần gây ra đợt nắng nóng hiện nay, theo giới khoa học, là hiện tượng El Nino. Sau gần 3 năm "nhường sân" cho hiện tượng đối nghịch La Nina, El Nino được Tổ chức Khí tượng thế giới dự báo sẽ quay lại vào tháng 10 năm nay, thậm chí sớm hơn - vào tháng 7.

El Nino có thể giải hạn cho nhiều khu vực của Argentina và miền Nam nước Mỹ song lại bao trùm nhiều vùng của châu Á và nước Úc với thời tiết nóng hơn, khô hơn, từ đó ảnh hưởng các vụ mùa cà phê, đường, dầu cọ, ca cao...

Chẳng hạn, sản lượng dầu cọ ở Malaysia - một trong những nhà sản xuất mặt hàng này lớn nhất thế giới - có nguy cơ đi xuống do lượng mưa tại một số khu vực của nước này có khả năng giảm tới 40%, theo hãng tin Bloomberg.

Tuy nhiên, ông Benjamin Horton, Giám đốc Đài Quan sát Trái đất của Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), nói với tờ South China Morning Post rằng không thể quy trách nhiệm cho một mình El Nino.

"Đang có chuyện gì khác nữa xảy ra. Trái đất đang nóng lên, cộng với độ ẩm gia tăng đáng kể trong khí quyển" - ông Horton nhận định. Những hoạt động của con người, bao gồm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phá rừng… cũng làm tăng tốc biến đổi khí hậu, thể hiện qua các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Ngoài những ảnh hưởng đối với sản xuất nông nghiệp, gây căng thẳng xã hội, thúc đẩy tiêu thụ năng lượng…, nắng nóng kinh hoàng còn gây hệ lụy là thiếu nước trong những tháng sắp tới tại châu Á. Ám ảnh về lần khủng hoảng nước năm 2019, khi khoảng 10.000 hộ gia đình ở vùng Manila bị cắt nước, chính phủ Philippines đang đẩy mạnh sản xuất nước sạch, bao gồm tăng cường các nhà máy xử lý nước và tái sử dụng giếng sâu.

Vào tháng trước, Thái Lan cũng ban hành quy định tiết kiệm nước trong khi Lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia đang hợp tác tạo mây gây mưa với cơ quan khí tượng nước này, mục đích là cung cấp nước cho các đập khô hạn trên đảo Penang.

Giới chức các nước Đông Nam Á đồng thời theo dõi sát nguy cơ cháy rừng và ô nhiễm khói bụi. Năm 2015, cũng với ảnh hưởng của El Nino, khu vực này chìm trong khói mù, bị xem là một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất tại đây.

Nam bán cầu tuyết giá, Bắc bán cầu cháy rừng

Theo Reuters, năm nay mùa đông đến sớm với nước Úc, với không khí lạnh kèm gió lớn, tuyết và mưa đá khắp miền Đông Nam, có thể kéo dài đến giữa tuần này. Tuyết dày đã bủa vây thị trấn Oberon của bang New South Wales, cách Sydney khoảng 120 km về phía Tây hôm 7 và 8-5 trong khi cơ quan thời tiết cảnh báo gia súc ở các vùng núi có thể chết vì lạnh và ẩm ướt.

Nhiệt độ dọc bờ biển phía Đông cũng xuống dưới 0 độ C dù đang là mùa thu - theo nhà khí tượng học cao cấp từ Cục Khí tượng Úc Dean Narramore. Thủ đô Canberra cũng phủ đầy tuyết hôm 7-5, sau đó chuyển sang sương mù khi nhiệt độ tăng trong ngày.

Ngược lại, ở bán cầu Bắc, cháy rừng ở tỉnh Alberta - Canada đang trầm trọng thêm. Theo cập nhật của AP hôm 8-5, số đám cháy đã tăng lên 108, số người sơ tán tăng lên 29.000 người, cao hơn con số 24.000 của hôm 6-5 khi tỉnh này ban bố tình trạng khẩn cấp.

Theo Giám đốc điều hành Colin Blair của Cơ quan Quản lý khẩn cấp Alberta, chưa có báo cáo thiệt hại chính xác nhưng thông tin sơ bộ cho thấy nhiều tòa nhà, một đồn cảnh sát và một cửa hàng ở thị trấn Fox Lake đã bị phá hủy. Các quan chức ở đây hy vọng có mưa nhỏ trong vài ngày tới nhưng đồng thời lo ngại thời tiết nóng và khô sẽ quay lại trong các ngày tiếp theo.

Tại phía Đông Bắc tỉnh British Columbia lân cận, các quan chức đang kêu gọi người dân sơ tán khỏi các khu vực xung quanh 2 đám cháy rừng ngoài tầm kiểm soát bùng lên ở vùng giáp ranh với Alberta. Đám cháy thứ 3 ở British Columbia, bùng lên ở vùng Teare Creek, cũng ngoài tầm kiểm soát và khiến người dân gần làng McBride phải sơ tán.

Anh Thư

HẢI NGỌC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chau-a-nang-nong-khoc-liet-20230508205107614.htm

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: