Biến đổi khí hậu tác động đến châu Âu, nhưng sự gia tăng năng lượng tái tạo báo hiệu hy vọng cho tương lai (phần đầu)

Đăng ngày: 20-06-2023 | Lượt xem: 12254
Dublin, ngày 19 tháng 6 năm 2023 _ Biến đổi khí hậu đang gây ra những thiệt hại lớn về con người, kinh tế và môi trường ở Châu Âu, lục địa nóng lên nhanh nhất thế giới. Năm 2022 được đánh dấu bởi nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán và cháy rừng. Nhiệt độ mặt nước biển trên khắp châu Âu đạt mức cao mới, kèm theo sóng nhiệt trên biển và sông băng tan chảy nhanh chóng chưa từng có.

Báo cáo Tình trạng Khí hậu ở Châu Âu năm 2022, báo cáo thứ hai trong loạt báo cáo hàng năm, do Tổ chức Khí tượng Thế giới và Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu đồng thực hiện. Báo cáo cho thấy châu Âu đã nóng lên gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980, với những tác động sâu rộng đến kết cấu kinh tế xã hội và hệ sinh thái của khu vực. Vào năm 2022, nhiệt độ của châu Âu cao hơn khoảng 2,3°C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900) được sử dụng làm cơ sở cho Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, trong một dấu hiệu của hy vọng cho tương lai, lần đầu tiên năng lượng tái tạo tạo ra nhiều điện hơn so với khí hóa thạch gây ô nhiễm vào năm ngoái. Năng lượng gió và mặt trời tạo ra 22,3% lượng điện của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2022, vượt qua khí hóa thạch (20%).

Tổng thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas cho biết “Lần đầu tiên, nhiều điện được tạo ra từ gió và mặt trời hơn so với khí hóa thạch ở EU. Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng ít carbon là rất quan trọng để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch”. Ông nói: “Các dịch vụ khí hậu đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo khả năng phục hồi của các hệ thống năng lượng trước các cú sốc liên quan đến khí hậu, trong các hoạt động lập kế hoạch và các biện pháp để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.

Báo cáo tập trung đặc biệt vào năng lượng và nhấn mạnh thời tiết khắc nghiệt hơn, bao gồm nắng nóng gay gắt, lượng mưa lớn và hạn hán có tác động ngày càng lớn đối với cung, cầu và cơ sở hạ tầng của hệ thống năng lượng châu Âu. Báo cáo được phát hành trùng với Hội nghị thích ứng với biến đổi khí hậu châu Âu lần thứ 6 tại Dublin, Ireland và kèm theo Bản đồ mô phỏng.

“Nhiệt độ tăng kỷ lục mà người châu Âu trải qua vào năm 2022 là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những ca tử vong liên quan đến thời tiết ở châu Âu. Thật không may, điều này không phải lần đầu liên quan đến khí hậu. Sự hiểu biết hiện tại của chúng tôi về hệ thống khí hậu và sự phát triển của nó cho chúng tôi biết rằng những loại sự kiện này là một phần của mô hình sẽ khiến căng thẳng nhiệt cực đoan xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn trên toàn khu vực,” Tiến sĩ Carlo Buontempo, Giám đốc, Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus cho biết.

Dựa trên thông tin trong Cơ sở dữ liệu về các sự kiện khẩn cấp (EM-DAT), các mối nguy hiểm liên quan đến khí tượng, thủy văn và khí hậu ở Châu Âu vào năm 2022 đã dẫn đến 16.365 trường hợp tử vong được báo cáo và ảnh hưởng trực tiếp đến 156.000 người. Khoảng 67% các sự kiện có liên quan đến lũ lụt và bão, chiếm phần lớn tổng thiệt hại kinh tế khoảng 2 tỷ đô la Mỹ. Nghiêm trọng hơn nhiều, về tỷ lệ tử vong, là các đợt nắng nóng, theo báo cáo đã dẫn đến hơn 16000 ca tử vong.

“Vào năm 2022, nhiều quốc gia ở tây và tây nam châu Âu đã trải qua một năm nóng nhất được ghi nhận. Mùa hè là mùa nóng nhất từng được ghi nhận: nhiệt độ cao làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán nghiêm trọng và lan rộng, gây ra các vụ cháy rừng dữ dội dẫn đến khu vực bị cháy lớn thứ hai được ghi nhận và dẫn đến hàng nghìn ca tử vong do nhiệt quá mức,” Giáo sư Taalas cho biết.

(còn nữa)

Biên dịch: Tạp chí Khí tượng Thủy văn

Nguồn: https://public.wmo.int/en/media/press-release/climate-change-impacts-scar-europe-increase-renewables-signals-hope-future

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: