Triển khai ngay biện pháp giám sát hoạt động khai thác và sử dụng nguồn nước

Đăng ngày: 18-02-2020 | Lượt xem: 2164
Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm chất lượng nguồn nước nghiêm trọng. Cùng với đó, nhu cầu về nước ngày càng tăng dẫn đến việc khai thác sử dụng tài nguyên nước ngày càng nhiều dẫn đến suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, bởi vậy, cần triển khai ngay các biện pháp giám sát các hoạt động khai thác và sử dụng.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về vấn đề khai thác sử dụng hợp lý nguồn nước hiện nay.

Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng cho biết những bất cập trong việc bảo vệ, quản lý tài nguyên nước của nước ta hiện nay?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hiện nay, ở nước ta có 108 lưu vực sông (LVS), với khoảng 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng từ 830 tỷ m3 đến 840 tỷ m3, trong đó có hơn 60% lượng nước được bắt nguồn từ nước ngoài, chỉ có khoảng từ 310 tỷ m3 đến 320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh:  VH) 

Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm chất lượng nguồn nước nghiêm trọng, do xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, sinh hoạt và bất cập trong hệ thống quản lý nguồn nước…Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, nhưng phát triển cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, trữ lượng nguồn nước. Nhu cầu về nước ngày càng tăng dẫn đến việc khai thác sử dụng tài nguyên nước ngày càng nhiều. Nhu cầu dùng nước ở nước ta do tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa… sẽ lên đến khoảng 130-150 tỷ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ nước ta, gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỷ m3).

Ngoài ra, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Tình trạng nguồn nước mặt bị ô nhiễm từ những nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan do tác động từ phía con người đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh nguồn nước.... Bởi vậy, cần triển khai ngay các biện pháp giám sát các hoạt động khai thác và sử dụng nguồn nước hiện nay.

PVBộ trưởng cho biết các giải pháp liên quan đến đảm bảo an ninh nguồn nước và ứng phó sự cố ô nhiễm môi trường?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Để quản lý, bảo vệ và đảm bảo an ninh nguồn nước cho các mục đích sử dụng khác nhau, trong thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định cụ thể nhằm hướng dẫn thi hành Luật tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời triển khai thực hiện các quy định nhằm bảo vệ các nguồn nước.

Trong đó có Nghị định số 43/2015/NĐ-CP quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước để tạo hành lang pháp lý trong công tác bảo vệ nguồn nước nói chung. Theo đó, hành lang bảo vệ nguồn nước có chức năng bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước và phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước.

Bộ cũng đã ban hành các Thông tư: Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 09/9/2016 Quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt nhằm quy định cụ thể phạm vi bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho từng vùng, miền khác nhau; Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07/11/2017 quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân, theo đó, chất lượng nguồn nước là một trong những thông số bắt buộc phải giám sát trong quá trình khai thác.

Luật Tài nguyên nước 2012 đã đề cập đến các biện pháp kiểm soát để bảo đảm khai thác, sử dụng tổng hợp nguồn nước của các hồ chứa từ khâu quy hoạch, lập dự án đầu tư xây dựng đến vận hành hồ chứa, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cụ thể đối với quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa trong việc điều tiết nước để chống lũ, giảm lũ và cấp nước cho các đối tượng sử dụng nước trên lưu vực sông.

Bên cạnh đó, cũng đã quy định cụ thể về cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông nhằm bảo đảm tính hệ thống, thống nhất của tài nguyên nước trên lưu vực sông và đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc giải quyết những vấn đề về tài nguyên nước trong khuôn khổ lưu vực sông.

Trong thời gian qua, Bộ triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông và thành lập các tổ chức lưu vực sông nhằm triển khai có hiệu quả cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động về tài nguyên nước có tính liên ngành, liên lĩnh vực, liên địa phương trên các lưu vực sông lớn, quan trọng. Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng trong việc điều hòa, phân bổ nguồn nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các ngành trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc điều hòa, phân bổ nguồn nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích phát điện, cấp nước nông nghiệp với việc đảm bảo lợi ích của các hộ sử dụng nước phía hạ lưu các lưu vực sông, hạ lưu các hồ chứa, đặc biệt quan trọng nhất là đảm bảo nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất của người dân phía hạ du.

PVVậy còn những giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước xuyên biên giới mà Bộ đã và đang triển khai là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang làm tương đối tốt trong việc hợp tác với các nước trong  khu vực sông Mê Công, đặc biệt là Hiệp định Mê Công năm 1995, nhằm giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước hạ du sông Mê Công. Bốn nước (Lào, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia) đã hợp tác cùng nhau khai thác, chia sẻ nguồn nước sông Mê Công.

Ngoài ra năm 2014, Chủ tịch nước đã ký Quyết định về việc Việt Nam tham gia Công ước về việc sử dụng nguồn nước cho các mục đích phi giao thông thủy. Theo đó, Việt Nam là thành viên thứ 35 tham gia công ước để đảm bảo công ước có hiệu lực. Triển khai công ước này, có rất nhiều nội dung cần phải thực hiện để đảm bảo được sử dụng các nguồn nước cho mục đích phi giao thông thủy giữa các quốc gia có chung nguồn nước, đảm bảo hài hòa được lợi ích công bằng, chia sẻ giữa các nước thượng du và hạ du.

Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát, nghiên cứu, xem xét đề xuất các cấp cao hơn trong việc tham gia Công ước về bảo vệ, sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới (Công ước Helsinki 1992) và các hồ quốc tế của Ủy ban Kinh tế Châu Âu của Liên hợp quốc để chung tiếng nói, thúc đẩy việc quản lý chung và bảo tồn các hệ sinh thái của nguồn nước ngọt xuyên biên giới.

Công ước cũng yêu cầu các bên ngăn chặn, kiểm soát hoặc giảm thiểu tác động xuyên biên giới, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới theo cách hợp lý và công bằng, đảm bảo quản lý bền vững các nguồn nước này.

PVXin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo dangcongsan.vn
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: