Hồ chứa nước xuống cấp là một trong những nguyên nhân gây thiếu nước trong mùa khô. Trong ảnh: Hồ chứa nước Hố Chuối, xã Bình Thanh (Bình Sơn). |
Tình trạng thiếu nước mùa khô: Cần giải pháp căn cơ
Đăng ngày: 11-05-2021 | Lượt xem: 11083
(Báo Quảng Ngãi)- Vào mùa khô, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt thường xuyên xảy ra ở các địa phương trong tỉnh, nhất là ở huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và TX.Đức Phổ. Để khắc phục tình trạng này, giải pháp căn cơ nhất chính là đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương, nhằm điều tiết nguồn nước phù hợp, tránh tình trạng “nơi thừa chỗ thiếu”.
“Đất khô, người khát”
Dung tích nước hữu ích hồ chứa nước (HCN) Liệt Sơn hiện đạt 67%, nên dự báo tình hình khô hạn trên địa bàn TX.Đức Phổ sẽ bớt căng thẳng hơn năm 2020. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài nên thời điểm này, người dân các xã, phường: Phổ Thạnh, Phổ Cường, Phổ Hòa, Phổ Khánh... vẫn chủ động các phương án ứng phó với tình trạng thiếu nước.
Trong khi đó, người dân ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh hiện cũng lo lắng năm nay sẽ tái diễn tình trạng thiếu nước vào mùa khô. Thời điểm này, tại các xã Tịnh Phong, Tịnh Hiệp, Tịnh Bắc, Tịnh Bình (Sơn Tịnh), nhiều hồ chứa và giếng nước bắt đầu cạn nước. Vì vậy, không chỉ hàng loạt diện tích lúa, hoa màu có nguy cơ bỏ hoang, mà vật nuôi, con người cũng đối diện nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Bà Nguyễn Thị Em, ở xã Tịnh Phong than thở: “Dù đã chuyển gần 3 sào lúa sang trồng bắp, nhưng nước ao, hồ dần cạn, nên tôi lo cây bắp bị chết khô, vì đào giếng sâu đến 40m nhưng cũng không có nước”.
Theo Sở NN&PTNT, tình trạng thiếu nước trong mùa khô không chỉ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, công nghiệp của người dân và doanh nghiệp, mà còn đe dọa đàn vật nuôi, làm hoang hóa nhiều diện tích đất. Như năm 2020, toàn tỉnh có 11 nghìn hộ dân ở các địa phương bị thiếu nước sinh hoạt, gần 5.200ha đất sản xuất nông nghiệp bỏ hoang...
Giải pháp căn cơ
Mùa khô năm 2020, TX.Đức Phổ đã trích gần 2,3 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương khoan 45 giếng, đặt các bồn nước tạm thời, lắp hệ thống nước sinh hoạt tập trung tại trường học, cũng như hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân vận chuyển nước sinh hoạt... “Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, vì ngoài sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ, công nghiệp cũng bị ảnh hưởng vì thiếu nước. Vì vậy, về lâu dài, phải có giải pháp điều tiết nước phù hợp giữa các công trình thủy lợi Thạch Nham, HCN Liệt Sơn và hồ Núi Ngang, đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Võ Minh Vương kiến nghị.
Đồng quan điểm trên, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 7 (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nước từ kênh Thạch Nham không thiếu, thậm chí dư thừa nên xảy ra tình trạng “đầu kênh nước chảy tràn lan, cuối kênh thì nước nhỏ giọt”. Nguyên nhân một phần do công tác điều tiết bất hợp lý, phần do công trình thủy lợi bị xuống cấp và hệ thống kênh mương hư hỏng, không đảm bảo năng lực tưới. Vì vậy, để sử dụng hiệu quả nguồn nước, góp phần chống hạn cho các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và TX.Đức Phổ, thì giải pháp căn cơ là đầu tư đồng bộ công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương. Trọng tâm là nâng cấp các HCN và kênh dẫn, sửa chữa và kiên cố hóa hệ thống kênh chính Nam, kênh cấp 1 công trình thủy lợi Thạch Nham gắn với sắp xếp, bố trí các khu vực tưới tương ứng.
Riêng TX.Đức Phổ, bài toán thiếu nước sẽ được giải quyết nếu HCN Liệt Sơn được nâng cấp, đảm bảo cung cấp nước cho các xã, phường ở phía nam; còn công trình Thạch Nham cùng với hệ thống sông Thoa, hồ Núi Ngang sẽ điều tiết cho các địa phương khu vực phía bắc.
Theo Báo Quảng Ngãi