Tìm các giải pháp thông minh để quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

Đăng ngày: 22-03-2019 | Lượt xem: 1036
(TN&MT) – Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà tại Lễ khai mạc Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam 2019 và Hội thảo "Giải pháp nước thông minh - Không bỏ lại ai phía sau" diễn ra vào sáng 22/3 tại Hà Nội. Năm 2019 là năm thứ 7, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế tổ chức Chương trình Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam 2019
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam 2019  

Chương trình Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam năm 2019 lựa chọn chủ đề “Giải pháp nước thông minh - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là hoạt động rất thiết thực nhằm hưởng ứng Ngày Nước Thế giới 2019 tại Việt Nam.

Cùng chia sẻ ý tưởng hợp tác về tài nguyên nước

Phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong việc nghiên cứu, tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước quý giá. “Chương trình Tuần lễ nước quốc tế 2019 sẽ là cơ hội rất tốt để xây dựng, củng cố mối quan hệ hợp tác quốc tế về tài nguyên nước, cũng như để các bên liên quan gặp gỡ, chia sẻ các ý tưởng hợp tác về tài nguyên nước ở Việt Nam cũng như trên thế giới, góp phần vào thực hiện mục tiêu “Nước cho tất cả để không ai bị bỏ lại phía sau” – Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan, đơn vị uy tín trong ngành nước, các tổ chức cung cấp, sử dụng nước tăng cường trao đổi, thảo luận cùng đưa ra các ý tưởng, giải pháp thông minh về quản lý bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, đặc biệt là mang nước hợp vệ sinh, an toàn đến cho mọi miền đất nước.

Cụ thể, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và trong nước về quản trị nước thông minh. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước, hướng đến quản lý, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên nước.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần tăng cường khả năng, cơ hội hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường nước và ngành công nghiệp nước tại Việt Nam.

“Tranh thủ cơ hội quảng bá hình ảnh, thế mạnh và tiềm năng, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên nước và môi trường tại Việt Nam” – Bộ trưởng đề nghị.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Việt Nam là quốc gia có số dân đông thứ 15 trên thế giới, trong đó gần 2/3 sống dọc theo ba lưu vực sông chính là sông Hồng, sông Cửu Long và sông Đồng Nai.

Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam đã nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho cả khu vực đô thị và nông thôn, tăng cường sự tham gia của người dân và tăng cường kiến thức quản lý lưu vực sông.

Cụ thể, tăng cường công tác điều tra tài nguyên nước mặt, nước ngầm trên cả nước; đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước được đẩy mạnh nhằm phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó với biến đổi khí hậu; đề xuất và thực hiện nhiều giải pháp “thông minh” nhằm quản trị và bảo vệ nguồn nước, qua đó giúp duy trì và nâng cao hiệu quả phát triển bền vững trong ngành tài nguyên nước.

Bàn giải pháp sử dụng nước thông minh, hợp lý để phát triển bền vững

Tại phiên toàn thể của Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì tọa đàm cùng các chuyên gia về chủ đề “Giải pháp nước thông minh - Không bỏ lại ai phía sau” nhằm trao đổi, chia sẻ những quan điểm, bài học kinh nghiệm, sáng kiến vì thành tựu chung trong phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Văn Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cho biết: Nước sạch nông thôn đã trải qua 40 năm phát triển, được Nhà nước, cả hệ thống chính trí, doanh nghiệp và cả người dân cùng vào cuộc. Đến nay, có 89% người dân được tiếp cận với nước hợp vệ sinh, tuy nhiên bên cạnh những cơ hội vẫn còn tồn tại nhiều thách thức.

Về cơ hội, nước là tài nguyên cần thiết cho con người nên tất cả người dân, doanh nghiệp, địa phương và các Bộ, ngành đều quan tâm. Việt Nam cũng là nước có nhiều kinh nghiệm phát triển trong lĩnh vực tài nguyên nước. Hơn nữa, trong quá trình phát triển luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ về mặt tài chính từ các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ.

“Biến đổi khí hậu, sự can thiệp nguồn nước và ô nhiễm nguồn nước là những vấn đề chúng ta phải đối mặt trong thời gian tới. Trong khi đó, 16.300 công trình cấp nước tập trung đang xuống cấp, hư hại; một bộ phận người dân tiếp cận với nguồn nước và sử dụng nước sạch còn hạn chế, cần nâng cao nhận thức trong thời gian tới” - ông Đỗ Văn Thành chia sẻ khi nói về những thách thức mà nước ta hiện phải đối mặt.

tọa đàm cùng các chuyên gia về chủ đề “Giải pháp nước thông minh - Không bỏ lại ai phía sau”
Các chuyên gia tham dự tọa đàm về chủ đề “Giải pháp nước thông minh - Không bỏ lại ai phía sau”

Đại diện Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho rằng, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong quản lý nước, thậm chí kiềm chế nước. “Ở cấp độ chính sách, xã hội, phụ nữ đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, phụ nữ gặp phải rào cản về kiến thức và tài chính và quan trọng là thiếu vai trò của phụ nữ trong cấp độ chính sách”.

Về những sáng kiến trong đẩy mạnh bình đẳng giới, đại diện này cho biết: Hà Lan đã hỗ trợ cho Đồng bằng sông Cửu Long và các tổ chức của Hà Lan cũng hỗ trợ một số dự án. Liên quan đến vấn đề giới, cần nâng cao cơ hội cho các doanh nghiệp nữ, đặc biệt liên quan đến khu vực duyên hải. Đồng thời, tổ chức xây dựng công ty vừa sản xuất vừa để phụ nữ có vai trò tham gia vào việc hoạch định chính sách.

TS. Ali Sa-lêh, Sáng lập và Chủ tịch, Chương trình Công nghệ Lưu vực sông thế kỷ 21, Hoa Kỳ cho rằng bên cạnh khối lượng nước, chất lượng nước cũng là yếu tố cần lưu ý. Tại Việt Nam, một số vùng đất bị xói mòn nghiêm trọng, nếu mất nhiều đất như vậy, Việt Nam sẽ gặp phải vấn đề liên quan đến sản xuất lương thực, phụ thuộc vào các nước khác về sản xuất lương thực.

Nhấn mạnh vai trò của ứng dụng công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, - TS. Ali Sa-lêh cho biết: “Đối với Hoa Kỳ, khi gặp phải những vấn đề như vậy, chúng tôi sử dụng giải pháp công nghệ khoa học theo thông lệ để xử lý. Chúng tôi tìm kiếm trọng điểm để đầu tư, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của cả khối lượng và chất lượng nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu”. 

Theo các đại biểu, cần sử dụng nước đúng cách, phù hợp nhất. Bởi lẽ, không có nước chúng ta không thể tồn tại được. Về công ghệ cần sử dụng phương pháp phù hợp, sử dụng giải pháp thông minh. Muốn vậy chúng ta phải kết nối cung cấp thông tin đúng thời diểm. Về giá nước với chủ đề “không ai bị bỏ lại phía sau”, xã hội cần tiếp cận nguồn nước phù hợp với thu nhập. Cần có cách thức để mọi người tiệm cận được nguồn nước như có mức giá khác nhau cho các đối tượng sử dụng khác nhau.

Bàn về giải pháp phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các đại biểu cho rằng cần lựa chọn loại cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, nguồn nước. Đặc biệt trước thực trạng nước dưới đất bị xâm nhập mặn thì lựa chọn loại cây nào phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Các đại biểu cũng cho rằng, để tiết kiệm nước, vai trò của truyền thông, nâng cao nhận thức vô cùng quan trọng. “Chúng ta cần có ấn phẩm tuyên truyền, thông báo, nhắn tin để mọi người biết tiết kiệm nước khi uống ở nhà hàng. Dùng nước tưới tiêu cho nông nghiệp cũng phải tiết kiệm. Phải giáo dục truyền thông mang tính khoa học, chúng ta không chỉ ngồi và trao đổi với nhau mà mọi người không biết”- các đại biểu nhấn mạnh.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: