Nước và mùa khô Tây Nguyên

Đăng ngày: 02-03-2020 | Lượt xem: 33423
Hàng năm, kể từ thời điểm cuối tháng 2, mùa khô rất rõ rệt ở Tây Nguyên, kéo dài cho đến hết tháng 4. Năm 2019, lượng mưa ở Tây Nguyên trong mùa khô ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 50%. Năm nay, dự báo những tháng còn lại của mùa khô, Tây Nguyên cũng phải đương đầu với hạn hán cục bộ, do lượng mưa ít, nhiệt độ cao, nhiều ngày nắng nóng kéo dài.

Người dân đào giếng tìm nước.

Thống kê của ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, mùa khô năm nay toàn vùng có khoảng 20.000ha cây trồng bị ảnh hưởng (trong đó chủ yếu là cây lâu năm, còn lại một phần nhỏ diện tích là lúa, màu).

Nhiều năm qua, vào mùa khô, khu vực Tây Nguyên ít mưa. Nước của các con sông, dòng suối xuống thấp. Nguy cơ khô hạn luôn rình rập. Mùa khô ở các tỉnh Tây Nguyên thường kéo dài từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Cho tới tháng 5, mưa mới bắt đầu. Do đó, năm nay tình hình khô hạn vẫn diễn ra, với dự báo hạn nhẹ. Các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Kon Tum, Gia Lai; còn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng có thể bị ảnh hưởng ít hơn. Thời điểm hạn nhất có thể từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4.

Đáng chú ý, nguồn nước dự trữ tại khu vực này không dồi dào. Trước hết, do nhiều diện tích rừng đã bị phá nên việc giữ nước tự nhiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kể cả rừng đầu nguồn, hay là vùng lõi của một số cánh rừng cũng đã bị các đối tượng khai thác trái phép, nên trên thực tế độ che phủ của rừng hao hụt rất nhiều. Từ đó dẫn tới việc biến đổi khí hậu theo chiều hướng xấu. Tiếp đó, nước các dòng sông khu vực Tây Nguyên những năm qua đều ở mức thấp, kể cả trong mùa mưa. Từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên phổ biến dưới 30mm, thấp hơn trung bình nhiều năm, do đó nước các dòng sông cũng thiếu. Cùng đó, tổng dung tích trữ của các hồ chứa nước tại Tây Nguyên  cũng đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Riêng với tỉnh Gia Lai, theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, nắng nóng tiếp tục kéo dài và không có mưa. Mực nước tại các hồ chứa chỉ còn khoảng trên 60% so với dung tích thiết kế, trong đó đã có khoảng 10  hồ mực nước rất thấp. Dự báo đến cuối mùa khô, các huyện Ea Kar, Krông Bông, Krông Pác, Cư M’gar, Buôn Ðôn, Ea Súp, Krông A Na có thể xuất hiện hạn hán trên diện rộng.

Năm nay, tuy dự báo khô hạn sẽ không quá gay gắt nhưng “bài học” của năm trước thì vẫn còn đó. Đó là nhiều diện tích cây trồng chết khát trong khi khi nhiều khu vực ngập lụt.

Điển hình là đối với tỉnh Đắk Lắk. Trong khi nhiều địa phương tại tỉnh này như Ea Súp, Buôn Đôn, Buôn Ma Thuột, Cư M’gar… bị ngập lụt, thì tại huyện M’Đrắk lại khô hạn suốt 4 tháng, làm hơn 1.000 ha cây trông chết khô. Đáng chú ý, tình hình lại diễn ra trong những tháng mùa mưa. Điều đó cho thấy, việc biến đổi khí hậu, khí hậu thất thường, cực đoan ở khu vực này là rất nặng nề. Ngay trong mùa mưa, (bắt đầu từ tháng 5, nhiều nơi trong huyện M’Đrắk không có mưa.  Ngay cả đợt áp thấp nhiệt đới đầu tháng 8/2019 khiến nhiều địa phương trong tỉnh chìm trong mưa lũ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản thì huyện này vẫn khô khát. Vào thời điểm đó, hồ thủy lợi Ea Kpal cung cấp nước sản xuất cho diện tích lúa của xã Krông Jing và thị trấn M’Đrắk gần như trơ đáy. Hơn 80ha lúa của người dân đang trong giai đoạn làm đòng có thể nói cũng gần như chết cháy.

Trong khi đó, việc điều tiết nước rất khó khăn vì hạn hán rộng trong toàn vùng. Người dân phải  “tìm nước” bằng cách đào giếng khoan, rất tốn kém, vất vả, đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Được biết, huyện M’Đrắk có hơn 60 công trình thủy lợi đáp ứng 70% diện tích có nhu cầu tưới; nhưng nắng nóng và gió lớn làm cho nước ở các công trình thủy lợi bốc hơi nhanh. Ngoài ra, các hồ chứa và công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đều bị bồi lắng dẫn đến khả năng tích nước theo thiết kế không đảm bảo, nhiều diện tích cây trồng không có nước để tưới.

Nước và mùa khô Tây Nguyên - 1

Cây cà phê cần nhiều nước, nhất là mùa nắng nóng.

Cũng vào mùa khô năm trước, nhiều hộ dân đồng bào M’Nông tỉnh Đắk Nông “khát” do khô hạn kéo dài. Đó là bà con con buôn Bu Prăng 2 (xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức), với hơn 60 hộ dân. Bà con M’Nông bắt đầu trở về định cư, định canh ở vùng đất này vào những năm 2009 – 2010. Đến năm 2012, bon Bu Prăng 2 được tái lập (cùng với bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực). Nhìn chung cuộc sống của bà con nhanh chóng ổn định, nhiều gia đình M’Nông sau khi lập gia đình cho con cái đã tách khẩu đến đây định cư. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt tại buôn Bu Prăng 2 khá khó khăn do ảnh hưởng của tình trạng khô hạn kéo dài. Nguồn nước ngầm từ giếng khoan tại công trình cấp nước tập trung của buôn làng cũng sụt giảm nhanh chóng. Thêm nữa, do cấu tạo địa chất, nhiều giếng khoan tại đây chỉ sử dụng được vài năm là phải bỏ hoang (đáy giếng bị sụt lún, không bơm được nước). Năm ngoái, vào mùa khô, người dân buôn Bu Prăng rất vất vả, năm nay cũng đã xuất hiện tình trạng thiếu nước. Đáng nói nữa, xung quanh buôn Bu Prăng chưa có hồ đập nào đủ lớn để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng vào mùa khô, trong khi bà con trồng các loại cây công nghiệp chủ yếu dựa vào nước mưa nên năng suất thấp, từ đó hộ nghèo nhiều.

Chính vì thế,  với Tây Nguyên nói chung và từng buôn làng khu vực này nói riêng, cần có chính sách dài hơi trong việc bảo đảm nguồn nước, trước sự biến đổi khí hậu ngày một dữ dội, cũng như mùa khô hàng năm đều rơi vào tình trạng khô hạn.

Mà điều đó thì không một buôn làng nào, một huyện nào, kể cả một tỉnh nào trong vùng Tây Nguyên tự mình làm được. Mà điều đó cần có sự đầu tư của Nhà nước cho toàn vùng một cách bài bản hơn. Những khuyến cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào mùa khô, như các địa phương tăng cường theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn; tiếp tục thực hiện việc dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước ở các vùng/lưu vực sông, kịp thời cảnh báo cho người dân; hoặc các địa phương và người dân trong vùng chủ động sử dụng các vùng trũng, thấp để tích trữ nước; tổ chức nạo vét, đào ao, khoan giếng, ưu tiên dành nước tưới cho các giai đoạn cần thiết cho sự sinh trưởng của cây trồng và tăng cường sử dụng các biện pháp nông nghiệp để phòng, chống hạn hán... là cần thiết, nhưng dẫu sao cũng chỉ là giải pháp tình thế. Trong khi, nước đối với Tây Nguyên cần giải pháp lâu dài, căn cơ hơn rất nhiều.

Theo daidoanket.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: