Nước ngọt - giá trị và trách nhiệm

Đăng ngày: 18-02-2021 | Lượt xem: 1924
Nước là điều kiện tiên quyết không thể thiếu của sự sống và chi phối mọi hoạt động dân sinh, kinh tế của con người. Nguồn nước là tài nguyên thiên nhiên đặc biệt, đóng một vai trò vô cùng to lớn trong sự phát triển kinh tế xã hội. Mặc dù nước bao phủ ¾ diện tích bề mặt Trái đất, nhưng có đến 97% là nước mặn và chỉ 3% lượng nước ngọt có thể sử dụng; trong đó có tới ¾ lượng nước ngọt con người không sử dụng được vì nó nằm quá sâu trong lòng đất, hoặc bị đóng băng hoặc ở dạng hơi trong khí quyển, dạng tuyết trên lục địa và chỉ có 0,5% nước ngọt hiện diện trong sông, suối, ao, hồ, mạch nước ngầm l

Cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, sinh hoạt ngày càng tăng, sự gia tăng đó ngày càng lớn cùng với sự gia tăng dân số toàn cầu. Tại Việt Nam hiện nay, đa phần nguồn nước ở các sông, suối, ao, hồ đang bị ô nhiễm nặng nề từ nước thải công nghiệp, sinh hoạt, y tế. Các con sông đang bị ô nhiễm càng nhiều, nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức, nước ngọt đang dần bị mặn hóa; cùng với đó là mức độ suy giảm nguồn nước do tác động của BĐKH và con người đã làm cho nước ngọt đang ngày càng suy giảm, cạn kiệt dần. Bên cạnh đó, tính cực đoan của BĐKH làm khả năng tái tạo nước mặt, bổ cập nước ngầm và các công trình thủy lợi không đủ khả năng phân phối, luân chuyển nguồn nước là nguy cơ hiện hữu khan hiếm nước sạch trong tương lai gần.
Với vai trò đặc biệt quan trọng của nước sạch và mức độ thiếu nước diễn ra ngày càng nghiêm trọng đã đặt ra yêu cầu đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác và bảo vệ tốt tài nguyên nước. Trước hết, mỗi cá nhân cần khai thác và sử dụng hợp lý đồng thời luôn có ý thức bảo vệ nguồn nước sạch, các đơn vị cơ quan và tổ chức cần phải tuyên truyền rộng rãi ý thức sử dụng và bảo vệ nguồn nước bằng các giải pháp cụ thể công trình và phi công trình:
- Giải pháp công trình: xây dựng các hồ chứa trữ nước, khai thác nguồn nước hợp lý, tăng cường nguồn lực đầu tư cho hạ tầng về nước, nhất là nước sinh hoạt cho các vùng thường xuyên bị khô hạn. Xây dựng các dự án biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường theo các lưu vực sông, xác định hành lang bảo vệ nguồn nước; triển khai các dự án cải thiện chất lượng nước các dòng sông bị ô nhiễm; quản lý rủi ro thiên tai, dự báo khí tượng thủy văn để chủ động phương án sản xuất, cơ cấu mùa vụ để chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước trong sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghệ sinh học để trồng cây trên đất nhiễm mặn, nước lợ ven biển và cây chịu hạn.
- Giải pháp phi công trình: Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông, đặc biệt là chính sách tài chính cho người dân bảo vệ rừng ở thượng nguồn; củng cố, bổ sung mạng lưới điều tra quan trắc, kiểm kê và đánh giá tài nguyên nước thống nhất trong phạm vi cả nước bao gồm nước mặt và nước ngầm về cả lượng và chất. Trên cơ sở kiểm kê đánh giá tài nguyên nước và cân bằng kinh tế nước xây dựng chiến lược, chính sách phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia nói chung và cho các lưu vực sông nói riêng. Cần thực hiện nghiêm chỉnh Luật Tài nguyên Nước và đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Tài nguyên Nước Quốc gia và Ban quản lý lưu vực các sông
Nước là tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người, nhưng không phải là vô tận, chính vì thế tiết kiệm nước luôn rất cần thiết ngay cả ở những nơi có nguồn nước dồi dào. Mỗi cá nhân, tổ chức cần nhận thức đúng và hãy hành động thiết thực để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này cũng chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta. Đó là “Giá trị của nước” và cũng là thông điệp của ngày Nước thế giới năm nay, nhận thức được “Giá trị của nước” không những góp phần phát triển bền vững mà còn giữ cho ngôi nhà Trái Đất chung luôn xanh, sạch, đẹp.

Đài KTTV Nam Trung Bộ - Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: