Người dân, doanh nghiệp và nhà nước cùng phối hợp để bảo vệ tài nguyên nước

Đăng ngày: 06-02-2018 | Lượt xem: 945
(TN&MT) – Sáng 6/2, tại Hà Nội, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu quản trị tài nguyên nước tại Việt Nam: Thách thức, cơ...

BĐKH – Thách thức lớn của tài nguyên nước

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết: Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú với 3450 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên, phân bố ở 108 lưu vực sông. Tuy nhiên, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài. Gần 2/3 lượng nước của Việt Nam là từ nước ngoài chảy vào.

Theo Thứ trưởng, thực tế hiện nay cho thấy, nguồn tài nguyên nước và việc quản lý và khai thác tài nguyên nước đã, đang phải chịu nhiều sức ép lớn và đối mặt với một số vấn đề khó khăn và thách thức lớn. Cụ thể là nhu cẩu về nước gia tăng phục vụ cho các mục đích phát triển kinh tế xã hội trong khi nguồn nước đang tiếp tục bị suy giảm về số lượng và chất lượng. Một số lưu vực sông đã bị khai thác quá mức, đặc biệt là trong mùa khô. Việc cạnh tranh, mâu thuẫn trong sử dụng tài nguyên nước đã xảy ra và ngày càng gia tăng.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại Hội thảo

“Hoạt động khai thác tài nguyên nước phía thượng nguồn ở phạm vi ngoài Việt Nam phục vụ cho các mục đích phát triển năng lượng thủy điện, thủy lợi phục vụ cho công nghiệp, nông nghiệp, v.v đã có những tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến quốc gia phía hạ nguồn, đặc biệt là vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL những năm qua” – Thứ trưởng nhấn mạnh. 

Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết: “Ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô, nhiều nơi có nước nhưng không thể sử dụng do nguồn nước bị ô nhiễm. Nguồn nước mặt ở hầu hết các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề đều đã bị ô nhiễm, một số nơi tình trạng ô nhiễm đã ở mức nghiêm trọng như lưu vực sông Nhuệ Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai – Sài Gòn”.

Ông Achim Fock, Giám đốc điều phối danh mục và Hoạt động dự án của WB cho biết: Tài nguyên nước của Việt Nam là nguồn tài nguyên quý giá nhất nhưng không phải vô hạn. Với lượng mưa trung bình gần 2.000 mm/năm và gần 2.500 con sông ở 16 lưu vực lớn, Việt Nam là một quốc gia giàu tài nguyên nước. Tuy nhiên, hai phần ba nguồn tài nguyên nước của Việt Nam được đổ vào từ các nước láng giềng ở thượng nguồn, và nguồn tài nguyên nước đều có thời vụ và phân bố không đồng đều trên cả nước. Kết quả là, Việt Nam xếp hạng khá thấp trong khu vực về lượng nước sẵn có - 4.200 m³/người so với mức trung bình 4.900 m³/người trong khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Achim Fock, thách thức trong quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam là việc quản lý toàn bộ chu trình nước để đạt được lợi ích tối đa, đảm bảo chất lượng nước, quản lý mức độ rủi ro cao và gia tăng, đảm bảo đủ nước sạch cho vùng nông thôn cũng như hệ động, thực vật của Việt Nam.

Ông Achim Fock, Giám đốc điều phối danh mục và Hoạt động dự án của WB phát biểu

Một trong những thách thức được các đại biểu nhấn mạnh là BĐKH và nước biển dâng, xâm nhập mặn. “Hiện tượng bất thường của khí hậu, thời tiết đã xảy ra liên tục. Mực nước biển dâng cao dẫn tới ngập lụt vùng ven biển; gia tăng tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông, đồng bằng ven biển; gây xói lở, sa bồi làm đảo lộn cân bằng tự nhiên và sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng ven bờ; gia tăng ngập lụt vùng đồng bằng, hàng triệu ha vùng ven biển có thể bị chìm ngập, hàng trăm ha rừng ngập mặn có thể bị mất, các hệ sinh thái đất ngập nước ven bờ bị tác động sâu sắc” - bà Nguyễn Thu Phương, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết.

Bà Nguyễn Thu Phương, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho rằng BĐKH là một trong những thách thức lớn đối với tài nguyên nước

Ông Lê Hùng Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước và nước sạch Nông nghiệp (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT) cho rằng BĐKH ngày càng rõ nét, thiên tai có diễn biến cực đoan và phức tạp. Cạn kiệt, thiếu hụt nguồn nước trên các hệ thống sông trong mùa kiệt đang làm suy giảm năng lực của hệ thống thủy lợi, nhất là các hệ thống xây dựng trong các giai đoạn trước; hạ thấp mực nước trên dòng chính các sông khiến một số trạm bơm, cống lấy nước lớn có khả năng phải dừng hoạt động dẫn đến phải bổ sung công trình thay thế làm tăng thêm chi phí đầu tư, chi phí sản xuất.

Quản lý nước hợp nhất

Để tăng cường quản trị tài nguyên nước dưới đất, ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT) cho biết cần thực hiện các giải pháp quản lý. Cụ thể, hoàn thành chính sách pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước; chủ động thích ứng với diễn biến thời tiết cực đoan và việc phụ thuộc vào các quốc gia sử dụng nước ở thượng nguồn; đẩy mạnh công tác quan trắc, giám sát và bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước liên quốc gia; ứng dụng khoa học – công nghệ và các nguồn lực hợp tác quốc tế trong điều tra, đánh giá và quản lý tài nguyên nước; nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.

Theo ông Achim Fock, Việt Nam đã trải qua nhiều thế kỷ phát triển và sử dụng tài nguyên nước vì lợi ích của nhân dân. Với hơn 7.500 đập và hồ chứa và 4 triệu ha diện tích tưới tiêu, thủy lợi đem lại sinh kế cho một phần hai lực lượng lao động và gia đình, tạo ra gần một phần năm thu nhập của quốc gia. Thủy điện chiếm 42% tổng sản lượng phát điện. Việc tăng cường đầu tư đã mang lại nước sạch cho hầu hết các hộ gia đình.

Quang cảnh Hội thảo

Tuy nhiên, ông Achim Fock cho rằng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác trong nước. Nông nghiệp sử dụng 90% lượng nước của quốc gia và có thể thu được nhiều giá trị hơn. Cũng có nhiều kế hoạch đầy tham vọng để phát triển thủy điện, đồng thời có những cơ hội để có được sản lượng và doanh thu từ các đập hiện có bằng cách tối ưu hóa các thác thủy điện.
 
Ông Achim Fock cho rằng Việt Nam cần quản lý nước hợp nhất. Cụ thể, người dân, doanh nghiệp, cơ quan và chính quyền trung ương và địa phương cần phối hợp để thu được những giá trị về nước tốt nhất trong suốt chu kỳ và bảo vệ tài nguyên nước cho thế hệ tương lai.

“Trong nhiều năm, Việt Nam đã bắt tay vào việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước - áp dụng phương pháp tiếp cận toàn bộ lưu vực để lập kế hoạch, đầu tư và quản lý nước và lồng ghép các hành động trong các lưu vực giữa các ngành và các bộ ngành và giữa trung ương và địa phương. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về nước cũng như những rủi ro ngày càng tăng, Việt Nam cần quản lý tài nguyên nước tốt hơn” – ông Achim Fock nhấn mạnh.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: