Ngày nước thế giới 2023 - Thúc đẩy sự thay đổi

Đăng ngày: 22-03-2023 | Lượt xem: 4786
Với chủ đề “Be the change” - Thúc đẩy sự thay đổi, Ngày Nước Thế giới năm 2023 nhằm kêu gọi tất cả mọi người cùng hành động, thay đổi lối sống để hướng đến khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước trong tương lai.

Ủng hộ chủ đề Ngày nước thế giới năm 2023, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres chia sẻ trên Twitter: “Thật đáng tiếc, thế giới đang đi chệch hướng để đạt được mục tiêu về nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030. Hiện, hàng tỷ người vẫn chưa có nước sạch và nhà vệ sinh, do đó tất cả chúng ta đều có thể làm điều gì đó để thúc đẩy nhanh sự thay đổi”.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, hàng tỷ người và vô số trường học, doanh nghiệp, trung tâm chăm sóc sức khỏe, trang trại và nhà máy đang bị cản trở bởi sự thiếu hụt nguồn hợp vệ sinh. Dữ liệu mới nhất cho thấy, chính phủ các nước phải làm việc nhanh hơn trung bình gấp 4 lần để đáp ứng Mục tiêu Phát triển Bền vững 6 (SDG 6) đúng hạn, nhưng đây không phải là vấn đề của riêng cá nhân hay bất kỳ một tổ chức đơn lẻ nào cũng có thể giải quyết được. Bởi nước ảnh hưởng đến tất cả mọi người, vì vậy rất cần mọi người hành động. Nhiều chuyên gia cho rằng năm 2023 là một năm đặc biệt cho các cam kết liên quan đến việc sử dụng nước và vệ sinh môi trường.

Lễ kỷ niệm Ngày Nước Thế giới năm nay trùng với thời điểm bắt đầu Hội nghị về Nước năm 2023 của Liên Hợp Quốc được tổ chức từ ngày 22 đến ngày 24/3 tại New York (Mỹ). Hội nghị do Chính phủ Tajikistan và Vương quốc Hà Lan đồng đăng cai tổ chức. Hội nghị là cơ hội ngàn năm có một để các quốc gia trên thế giới đoàn kết giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh đã được quốc tế thông qua giai đoạn 2018-2028. Hội nghị bao gồm một phiên khai mạc và bế mạc, 6 phiên họp toàn thể và 5 phiên đối thoại tương tác cùng các sự kiện bên lề. Kết quả của Hội nghị sẽ được tổng hợp trong một bản báo cáo tóm tắt và sẽ được Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc trình bày trong phiên họp năm 2023 của Diễn đàn Chính trị cấp cao về Phát triển bền vững tại Liên hợp quốc (HLPF).

Theo thống kê sơ bộ trên toàn quốc, nguồn nước ở Việt Nam hiện đang được khai thác phục vụ cho các mục đích sử dụng khoảng 84 tỷ m3/năm, trong đó nước dưới đất khoảng 3,8 tỷ m3/năm (tương đương 10,5 triệu m3/ngày), nước mặt khai thác sử dụng khoảng 80,6 tỷ m3/năm (221 triệu m3/ngày). Việc khai thác, sử dụng tập trung chủ yếu vào 7 - 9 tháng mùa khô; trong đó trên 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm) và cơ cấu sử dụng nước đang có xu hướng tăng dần cho công nghiệp, thủy sản và sinh hoạt. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu nước khoảng 122 tỷ m3/năm, tăng 1,5 lần so với hiện nay, tình trạng thiếu nước diễn ra nghiêm trọng nếu không được kiểm soát.

Việt Nam luôn xác định “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước” và vì vậy, Hiến pháp quy định “nước là tài sản”. Trong thời gian qua, Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và kiện toàn, ban hành nhiều thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Điển hình, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ cũng tăng cường công tác triển khai các hoạt động hướng đến đảm bảo an ninh nguồn nước; cải tạo, phục hồi các dòng sông suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm; khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước phải phù hợp với chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước. Trong đó, mới đây nhất là việc Chính phủ ban hành Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long, … Các Quy hoạch được phê duyệt, nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông; tích trữ, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, triển khai chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao Bộ TN&MT tập trung nguồn lực xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét và thông qua trong năm 2023. Dự thảo Luật được xây dựng với việc sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quy định quan trọng sẽ giúp Nhà nước quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước, đồng bộ giữa các ngành, các địa phương.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế, để thay đổi nhận thức và hành động trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước thì giải pháp đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân trong việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả cũng rất quan trọng. Hàng năm, các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới trên quy mô quốc gia đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thành hoạt động thường niên. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn tài nguyên nước bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực.

Năm 1992, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro (Brazil), Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 22-3 hằng năm là ngày Nước thế giới và ngày 22-3-1993 là ngày Nước thế giới đầu tiên. Từ đó đến nay ngày này được tổ chức hằng năm. Mỗi năm, Ngày Nước Thế giới có một chủ đề. Ngày nước thế giới ra đời với mục tiêu hướng người dân trên toàn thế giới đến việc tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước, khuyến khích người dân nâng cao nhận thức về giá trị của nước trong cuộc sống hàng ngày của con người cũng như bảo vệ môi trường sống quý giá của nhiều loài sinh vật cùng chung sống trên hành tinh Trái Đất. Vì vậy, Chính phủ các quốc gia và các bên liên quan từ mọi tầng lớp xã hội cần nhanh chóng hợp tác để đưa ra các cam kết tự nguyện nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện SDG 6 cũng như các mục tiêu và chỉ tiêu khác liên quan đến nước đã được quốc tế thống nhất. Những cam kết tự nguyện này sẽ hình thành Chương trình hành động vì nước, được thiết kế để mang lại sự thay đổi nhanh chóng, mang tính biến đổi trong phần còn lại của thập kỷ này.

Tạp chí KTTV tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: