Lũ về chậm, mặn đến sớm

Đăng ngày: 26-08-2019 | Lượt xem: 1415
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, do nước lũ về chậm, lưu lượng nước thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ít nên ĐBSCL đứng trước nguy cơ xâm nhập mặn đến sớm và gay gắt hơn mọi năm

Người dân miền Tây thường nói "Tháng bảy (âm lịch) nước nhảy lên bờ/ Sắm rớ, sắm đáy đợi chờ làm ăn". Thế nhưng, đến thời điểm này, nước lũ vẫn chưa về.

Ảnh hưởng sinh kế

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện nhiều cánh đồng ven biên giới với Campuchia thuộc các huyện như Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, thị xã Tân Châu và TP Châu Đốc của tỉnh An Giang vẫn chưa có lũ. Nông dân sống bằng nghề đóng đáy, câu lưới, đặt đú... tỏ ra lo lắng vì có khả năng mất kế sinh nhai mùa lũ.

Ông Võ Văn Bên (ngụ khóm Vĩnh Tây 2, phường Núi Sam, TP Châu Đốc) cho biết với người dân miền Tây, mùa nước lũ là "mùa kiếm cơm". Ông chi 25 triệu đồng sửa lại những chiếc đú hư, mua thêm 75 cái đú mới với hy vọng bắt bộn cua, cá. Nhưng rốt cuộc nước lũ vẫn chưa về, gần cả trăm cái đú phải treo giàn. "Ở đây, bà con sống bằng nghề đặt dớn, đặt đú như gia đình tôi. Nhà nào cũng sẵn sàng cho mùa tôm cá nhưng nước lớn chưa về. Giờ này năm ngoái, nước đã tràn qua khỏi bờ kênh, ngập sâu hơn 1 m..." - ông Bên rầu rĩ.

Ông Lê Văn Xíu (ngụ ấp Tà Ngáo, xã An Phú, huyện Tịnh Biên) cùng với 5 hộ là con cái trong gia đình hùn hạp cả trăm triệu đồng để sắm dớn đặt cá với số lượng lớn. Tuy nhiên, do lũ chưa về, giàn dớn gần 2 km lưới này buộc phải xếp xó, ghe thuyền cùng những ngư cụ khác bỏ giữa bờ kinh.

Các cánh đồng ở Cần Thơ cũng khá vắng lặng, người ra đồng đặt dớn, đặt đú ít hẳn so với mọi năm. Không chỉ nông dân mà ngay cả những người buôn bán ngư cụ cũng mòn mỏi chờ nước lũ về. "Thời điểm này mọi năm, khách hàng khắp nơi trong khu vực ĐBSCL và kể cả tận bên Campuchia cũng tấp nập đến mua lưới. Còn hiện tại, các tiệm bán ngư cụ ở đây vắng hoe" - bà Nguyễn Thị Ba, chủ một cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ ở làng lưới Thơm Rơm (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), than thở.

Lũ về chậm, mặn đến sớm - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Xíu bên đống ngư cụ phơi nắng trên bờ kênh. Ảnh: THỐT NỐT

Hệ sinh thái bị tác động

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu mực nước tăng nên lũ về ĐBSCL chưa có gì đáng kể. Thậm chí, mực nước vào 7 giờ ngày 21-8 ở trạm Luang Prabang (Bắc Lào) là 9,5 m, giảm so với mức 11 m vào ngày 5-8; dự báo đến ngày 26-8 cũng chỉ tăng đến 10,46 m. Tại trạm Vientiane là 4,55 m, giảm so với mức 5,4 m trong ngày 7-8. Tại Tân Châu, mực nước hiện chỉ đạt 0,62 m, dự kiến đến ngày 26-8 tăng lên 1,21 m, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 1992 là 3,03 m. "Ở Tân Châu, mực nước vẫn còn ảnh hưởng mạnh của thủy triều biển Đông, chứng tỏ nước lũ đổ về rất yếu, chưa làm mờ ảnh hưởng triều như mọi năm. Dự báo, những ngày tới vẫn không có biến động mực nước đáng kể" - ông Thiện nhận định.

Trong khi đó, ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, cũng nhận định mùa lũ năm nay đến muộn so với mọi năm. Hiện mực nước đo được tại các trạm từ khu vực trung đến hạ lưu sông Mê Kông ở mức thấp hơn mức trung bình các năm trước từ 3-6 m và đang có xu hướng xuống thấp hơn nữa. Dự báo, đỉnh lũ cao nhất năm nay tại Tân Châu (3,5 m) và Châu Đốc (3 m) có khả năng ở mức thấp hơn báo động 1. Khu vực nội đồng vùng Tứ giác Long Xuyên cũng được dự báo là thấp hơn báo động 1.

"Thời gian xuất hiện đỉnh lũ sẽ rơi vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Đỉnh lũ năm nay dự báo ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về khu vực ĐBSCL thiếu hụt lớn so với mức trung bình nhiều năm qua. Nước lũ về chậm, ít thì khả năng xâm nhập mặn càng đến sớm, ở mức cao hơn, gay gắt hơn nhiều. Các địa phương cần sớm có biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020" - ông Khanh khuyến cáo.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng nguyên nhân cốt lõi dẫn đến mực nước sông Mê Kông xuống thấp gây ra hiện tượng lũ về chậm hơn so với nhiều năm qua là do tác động của con người. Đó là các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông giữ nước lại bằng các đập thủy điện khiến nước không chảy xuống vùng Hạ Lào, Biển Hồ (Campuchia) và ĐBSCL.

Theo ông Tuấn, thông thường, cuối tháng 7, Biển Hồ sẽ tràn nước nhưng hiện tại, lưu lượng nước tại đây không cao, dẫn đến lũ đổ về ĐBSCL rất ít. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng đến mưu sinh mùa lũ của một bộ phận nông dân mà nó tác động trên diện rộng đến hệ sinh thái của cả vùng ĐBSCL. 

Lũ năm nay sẽ rất nhỏ

Qua đo đạc của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho thấy lưu lượng dòng chảy qua trạm Kratie (Campuchia) hiện chỉ hơn 13.765 m3/giây, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước, kể cả năm 2005 - năm có lũ nhỏ nhất. Lũy tích dòng chảy lũ đến hiện nay qua trạm Kratie mới khoảng 60 tỉ m3, thấp hơn 17 tỉ m3 so với năm lũ nhỏ năm 2015. Biển Hồ (Tonle Sap) có lưu lượng dòng chảy thấp kỷ lục và chỉ khoảng 5 tỉ m3, thấp hơn 17 tỉ m3 so với năm 2015.

Cũng theo cơ quan trên, dự báo năm 2019 lũ rất nhỏ, mực nước lũ lớn nhất tại Tân Châu chỉ ở mức 3,0-3,5 m. Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ lớn nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu. Song song đó, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 có khả năng xuất hiện sớm so với năm 2018-2019 khoảng 10-30 ngày và sớm hơn so với trung bình các năm khoảng 1-2 tháng (tùy vùng). Từ tháng 12-2019, mặn có khả năng ảnh hưởng các cống lấy nước phạm vi cách biển từ 30-35 km. Sang tháng 1 và tháng 2-2020, ranh mặn 4 g/lít có khả năng lấn sâu vào nội địa 45-55 km (tùy cửa sông).

Theo nld.com.vn 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: