Hợp tác phát triển bền vững tài nguyên nước

Đăng ngày: 04-03-2018 | Lượt xem: 1071
(TN&MT) – Đó là chủ đề của Tuần lễ Nước quốc tế Việt Nam (VACI 2018) do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT) tổ chức vào sáng 4/3, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ...

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết: Là một quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới với đường bờ biển dài và địa hình đồng bằng thấp, từ xa xưa, Việt Nam đã phải chống chọi với rất nhiều thách thức liên quan đến nước. Những thách thức về nước ở Việt Nam sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai khi tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa, tăng dân số của Việt Nam được xếp vào mức nhanh trên thế giới. Cùng với đó, Việt Nam được dự báo là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do BĐKH và nước biển dâng.

Nhận thức được điều này, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm và xác định nước là tài nguyên chiến lược đảm bảo phát triển bền vững quốc gia. Bảo đảm tài nguyên nước được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh là một trong những chính sách của Nhà nước Việt Nam về tài nguyên nước, được quy định tại Luật Tài nguyên nước.

“Quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp và toàn diện đã trở thành quan điểm nhất quán của Việt Nam và đã được thể hiện xuyên suốt trong Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước: “Quản lý tài nguyên nước phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp và thống nhất trên cơ sở lưu vực sông. Cơ cấu sử dụng nước phải phù hợp với sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Tài nguyên nước phải được phát triển bền vững; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu. Phải coi sản phẩm nước là hàng hóa; sớm xóa bỏ cơ chế bao cấp, thực hiện xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước”. Đồng thời, phương thức quản lý này cũng được thể hiện thống nhất trong các nghị định, quyết định, thông tư cũng như trong việc triển khai chính sách quản lý tài nguyên nước ở các cấp” – Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh.

Ông Hak Soo Lee, Chủ tịch Hội đồng Nước Châu Á (AWC) và Tuần lễ Nước Châu Á cho biết: Theo một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dự đoán hơn 40% dân số toàn cầu (gần 4 tỷ người) sẽ sống trong tình trạng khắc nghiệt về nước vào năm 2050. Vào năm 2070, dân số sẽ phải chịu rủi ro lũ lụt ở bờ biển tăng gấp ba lần, từ 40 triệu người đến 120 triệu người. Cụ thể, khu vực châu Á chiếm 30% diện tích đất toàn cầu có 60% dân số toàn cầu. Như vậy, các vấn đề về nước như hạn hán, lũ lụt sẽ trầm trọng hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới.

Ông Hak Soo Lee, Chủ tịch Hội đồng Nước Châu Á (AWC) và Tuần lễ Nước Châu Á phát biểu

Để cải thiện tình hình này, các giải pháp về nước phải được bảo đảm. Đã đến lúc các nước châu Á cam kết cùng hợp tác cho sự tốt đẹp hơn của nhân loại và các nước có mặt ở đây ngày hôm nay cùng với AWC cải thiện an ninh về nước và cung cấp nước ổn định cho tất cả mọi người.

“Việc giải quyết các vấn đề về nước không chỉ giới hạn ở một khu vực hoặc một quốc gia, cách tiếp cận tổng thể là bắt buộc. Thông qua sự hợp tác chung của AWC và VACI, chúng ta sẽ mở ra một diễn đàn lớn hơn và hiệu quả hơn, từ đó, đề xuất một tầm nhìn bền vững để quản lý tài nguyên nước quý giá trên toàn cầu, không chỉ ở khu vực châu Á” – ông Hak Soo Lee mong muốn.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: Nước đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam, không chỉ trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và công nghiệp mà còn hỗ trợ cho sinh kế, sức khoẻ và phúc lợi của người dân. Phát triển kinh tế và tăng trưởng dân số, cùng với BĐKH càng gây áp lực liên quan đến nước. Nhu cầu sử dụng nước tiếp tục gia tăng, trong hệ thống sản xuất và cho người dân là một nguyên nhân gây ô nhiễm do xả nước thải. Mặc dù 91% người dân Việt Nam được sử dụng nước sạch, nhưng vẫn còn hơn 4,5 triệu người ở Việt Nam không được tiếp cận trực tiếp với nguồn nước sạch.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu

Do đó, LHQ đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam và các công ty cấp nước xây dựng kế hoạch xử lý nước, lưu trữ và đảm bảo nước an toàn, nhằm mục đích tạo ra hệ thống phân phối chức năng đầy đủ giúp toàn bộ người dân Việt Nam có thể tiếp cận với nguồn nước an toàn. Tuy nhiên, nền kinh tế của Việt Nam đang dẫn đến sự mất mát và suy thoái liên tục của các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là các khu rừng, dòng chảy tự do và đất ngập nước tự nhiên đang chịu ảnh hưởng bởi nông nghiệp thương mại và nuôi trồng thủy sản, khu công nghiệp và đô thị hóa.

Theo ông Kamal Malhotra, bằng cách đẩy mạnh cơ sở hạ tầng tự nhiên của đất nước, sử dụng các giải pháp dựa trên thiên nhiên, các dịch vụ có lợi và quan trọng đối với người dân có thể được duy trì.

“LHQ tại Việt Nam vẫn cam kết giúp đỡ Việt Nam tăng cường phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thông qua việc thích ứng với các giải pháp phù hợp để sử dụng bền vững và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học có giá trị, vì lợi ích của tất cả công dân và môi trường. Bằng cách thúc đẩy bảo tồn, sử dụng bền vững và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, LHQ có thể giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu của người dân về nguồn nước đáng tin cậy về chất lượng, đồng thời hỗ trợ bảo vệ môi trường” – ông Kamal Malhotra nhấn mạnh.

Các diễn giả tại tọa đàm với chủ đề “Hợp tác phát triển bền vững tài nguyên nước”

Tại hội thảo, còn diễn ra Tọa đàm cùng các chuyên gia về chủ đề “Hợp tác phát triển bền vững tài nguyên nước”. Các chuyên gia tập trung thảo luận về vai trò và tầm quan trọng của công tác quy hoạch và điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với phát triển bền vững ở Việt Nam; những cơ hội và thách thức chính để đảm bảo sự phát triển bền vững về nước và vệ sinh môi trường thông qua các phương pháp, công nghệ đổi mới; các tiềm năng và hạn chế chính của việc chính thức hóa các hoạt động dựa vào cộng đồng và việc mở rộng quy mô của chúng; các ưu tiên chính mà Việt Nam cần phải giải quyết trong lĩnh vực bảo vệ các vùng biển và ven biển cũng như nước và đất ngập nước; phát triển kinh tế theo định hướng vừa có thể đảm bảo bảo vệ môi trường vừa khuyến khích các sáng kiến kinh doanh, những công cụ sáng tạo đảm bảo sự hòa giải của hai khía cạnh đó…

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: