Hội thảo Khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Đăng ngày: 28-06-2022 | Lượt xem: 2649
Chiều 28/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo Khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan đã và đang triển khai xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, kể từ khi Luật được ban hành đã phát huy hiệu lực, hiệu quả về nhiều mặt, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên phạm vi cả nước góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, tài nguyên nước Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn và cần thiết phải được bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội, trong bối cảnh tài nguyên nước chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những tồn tại, bất cập của Luật Tài nguyên nước năm 2012 như vấn đề về thể chế, khung pháp lý, trong 10 năm trở lại đây việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nước còn tồn tại một số thách thức và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Có thể kể đến việc phát triển kinh tế-xã hội với quy mô dân số nhanh (gần 100 triệu người) kéo theo nhu cầu sử dụng nước lớn; mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước giữa các địa phương, các ngành, lĩnh vực trên lưu vực sông ngày càng lớn, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển ngành nước còn hạn chế, chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, thiếu cơ chế chính sách thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân.

Mặt khác, hiệu quả khai thác, sử dụng nước trong các ngành còn thấp, rừng đầu nguồn suy giảm và công tác bảo vệ nguồn sinh thuỷ chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.

Từ những bất cập trong thực tiễn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất những định hướng sửa đổi Luật Tài nguyên nước.

Theo đó, xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi theo hướng quy định các nội dung bảo đảm quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo chu trình của nước, tài nguyên nước là hữu hạn, phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành triển khai thực hiện.

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ kế thừa các quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, các khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân kiến nghị trong quá trình thực thi các quy định của pháp Luật Tài nguyên nước trong thời gian qua.

Luật hoá một số quy định trong các văn bản dưới Luật đã được phát huy hiệu quả trong thực tiễn nhằm tăng giá trị pháp lý của các quy định này.

Đặc biệt, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ chú trọng đến việc bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.

Trên cơ sở cách tiếp cận và kết quả rà soát, đánh giá tình hình thực thi Luật Tài nguyên nước và các yêu cầu phát sinh trong thực tế quản lý, Cục Quản lý tài nguyên nước đề xuất chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước: Sẽ được lồng ghép trong các quy định về Quy hoạch, Điều tra cơ bản tài nguyên nước; khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; điều phối, giám sát tài nguyên nước…. bổ sung xây dựng bộ chỉ số để bảo đảm an ninh nguồn nước.

Luật sửa đổi lần này cũng đề xuất việc quy định nguyên tắc thực hiện xã hội hoá; các hoạt động ưu tiên thực hiện xã hội hoá (điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát, cải tạo, phục hồi các dòng sông; quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện…

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành nhận định, các ý tưởng, kinh nghiệm, giải pháp đã được đề xuất, kiến nghị góp phần nâng cao công tác quản lý tài nguyên nước nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước, xây dựng hệ thống chính sách pháp luật về tài nguyên nước một cách đồng bộ, tổng hợp, thống nhất, bảo đảm an ninh tài nguyên nước.

Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn các cơ quan Trung ương và địa phương, các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước sẽ tiếp tục gửi ý kiến về Bộ TN&MT để hoàn thiện Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Tạp chí KTTV tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: