Hậu Giang: Tập trung tích trữ nước đảm bảo sinh hoạt, sản xuất

Đăng ngày: 11-02-2019 | Lượt xem: 1061
(TN&MT) - Để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn cho sản xuất nông nghiệp và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho bà con nông dân vùng bị hạn và xâm nhập mặn, UBND tỉnh...
no1

Các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ kênh Xáng Xà No đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân

Theo đó, UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân dùng mọi biện pháp, dụng cụ tích trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn năm 2019; tập trung toàn bộ các nguồn lực, chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân ra sức phòng, chống hạn và xâm nhập mặn có hiệu quả.

Các địa phương rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng,… để có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa nhằm trữ nước ngọt, ngăn nước mặn xâm nhập lên đồng, bảo vệ tốt cho lúa Đông Xuân 2018 - 2019 và Hè Thu 2019; chuẩn bị xây dựng đập thời vụ cải tiến và đắp đập thời vụ khi độ mặn ngoài sông, kênh chính đạt mức 1,5%o, ngăn tất cả các dòng kênh vào đồng ở các khu vực bị nhiễm mặn.

Liên quan đến tình hình dịch rầy nâu đang bùng phát và gây thiệt hại không nhỏ cho diện tích lúa Đông Xuân của người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Theo thống kê nhanh từ ngành Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, tính đến ngày 10/02 (tức mùng 6 Tết), toàn tỉnh Hậu Giang đã có 1.758 ha lúa Đông Xuân bị nhiễm rầy nâu, tăng gần 1.000 ha so với thời điểm cận Tết Nguyên đán 2019.

Tại huyện Phụng Hiệp, vụ lúa Đông xuân 2018 - 2019 đã xuống giống 19.980 ha, phần lớn đang ở giai đoạn làm đòng đến trổ. Những ngày qua, toàn huyện đã ghi nhận 726 ha lúa bị nhiễm bệnh rầy nâu, sâu cuốn lá,..., trong đó rầy nâu đã gây hại trên 200 ha, tập trung ở các xã Bình Thành, Thạnh Hòa, Hòa An, Hòa Mỹ, Long Thạnh. Và bệnh cháy bìa lá, đạo ôn lá cũng khiến cho 220 ha bị nhiễm bệnh.

no2

Nông dân tỉnh Hậu Giang đang thực hiện các giải pháp phòng chống bệnh rầy nâu bảo vệ diện tích lúa Đông Xuân

Theo ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, điều đáng lo ngại là hiện trên địa bàn tỉnh có 100 ha giống lúa thơm RVT và Đài thơm 8 ở TX. Long Mỹ và huyện Vị Thủy bị nhiễm rầy với mật số khá cao, trên 3.000 con/m2. Dự báo trong thời gian tới, rầy nâu tuổi 2 - 4 tiếp tục gây hại trên các trà lúa Đông Xuân, đồng thời bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện.

Ngoài đối tượng rầy nâu thì trước tình hình thời tiết hiện nay là vào sáng sớm có nhiều sương mù, nhiệt độ cao vào ban ngày và xuống thấp ban đêm là điều kiện khá thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá, bạc lá, lem lép hạt,... phát triển và gây hại nặng cho cây lúa vào giai đoạn đẻ nhánh đến đòng - trổ, với tổng diện tích lúa đang trong giai đoạn này của toàn tỉnh là hơn 45.000 ha.

Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang đề nghị Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các địa phương trong tỉnh cần phối hợp cùng nông dân thường xuyên thăm đồng để kiểm tra tình hình sinh vật gây hại trên các trà lúa Đông Xuân của tỉnh, đồng thời hướng dẫn nông dân các biện pháp quản lý, phòng trừ sinh vật gây hại hiệu quả.

Trong đó, khi phát hiện rầy cám trên đồng ruộng ở tuổi 2 - 3 với mật số trên 3.000 con/m2 thì tiến hành phun trừ và nên chọn những loại thuốc đặc trị. Trong quá trình phun thuốc nên chú ý hạ thấp cần phun và đi chậm phun kỹ để đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, nông dân cũng cần phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt cho lúa 2 lần ở giai đoạn trước và sau khi trổ đều.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: