Hàng loạt thủy điện cạn kiệt nước, EVN khẩn cấp huy động nhiều nhà máy chạy dầu

Đăng ngày: 23-07-2019 | Lượt xem: 1660
Theo kế hoạch ước tính từ đầu năm, để đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế, EVN sẽ phải huy động khoảng 2,4 tỷ kWh trong năm 2019. Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết bất thường thời gian qua khiến nhiều hồ thủy điện cạn nước, dự kiến EVN sẽ phải huy động tới 3 tỷ kWh điện dầu. Chỉ tính riêng số điện dầu phải huy động thêm này, chi phí của EVN đội thêm khoảng 3.000 tỷ đồng.

Hàng loạt thủy điện cạn kiệt nước, EVN khẩn cấp huy động nhiều nhà máy chạy dầu

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề buổi công bố kết quả “Bình chọn mẫu hóa đơn tiền điện mới” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho hay, theo kế hoạch ước tính từ đầu năm, để đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế, EVN sẽ phải huy động khoảng 2,4 tỷ kWh trong năm 2019.  Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết bất thường thời gian qua khiến nhiều hồ thủy điện cạn nước, dự kiến EVN sẽ phải huy động tới 3 tỷ kWh điện dầu trong năm nay, tăng 600 triệu kWh so với dự kiến. Chỉ tính riêng số điện dầu phải huy động thêm này, chi phí của EVN đội thêm khoảng 3.000 tỷ đồng.

“Trong bối cảnh các nguồn điện đã được huy động hết như hiện nay, hàng loạt hồ thủy điện cạn nước, cách duy nhất là phải vận hành tối ưu nhất các nhà máy nhiệt điện than và khí và huy động nhiệt điện dầu. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, trong 6 tháng qua, EVN đã phải huy động gần 800 triệu kWh điện dầu với giá thành từ 5.700 – 6.000 đồng/kWh”, ông Lâm cho hay

Về tình hình hạn hán tại nhiều địa phương trên toàn quốc, số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, tổng lượng nước đang tích trong các hồ thủy điện trên toàn quốc hiện còn là 6,22 tỷ m3, tương ứng với sản lượng điện có thể sản xuất khoảng 2,53 tỷ kWh. Lượng nước ở các hồ chứa thủy điện trên toàn quốc hiện hụt so với mức nước dâng bình thường lên tới 29,37 tỷ m3, tương ứng 12,49 tỷ kWh. Riêng so với cùng kỳ năm ngoái, thể tích nước trong các hồ chứa thủy điện toàn quốc thấp hơn 7,46 tỷ m3, tương ứng sản lượng thấp hơn cùng kỳ 3,38 tỷ kWh.

Các số liệu cũng cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái nhiều hồ có mực nước thấp hơn, cụ thể: Lai Châu hụt 15,92m; Bản Cháthụt 13,29m; Sơn La hụt 18,89m; Hoà Bình hụt 10,5m; Bản Vẽ (hụt 7,41m); Hủa Na (3,21m); Cửa Đạt (3,95m); Nậm Chiến 1(6,7m); Hương Sơn: (5,46m); Quảng Trị (9,32m); Ialy (9,32m);; Kanak (6,87m); Buôn Tua Srah (4,29m); Sông Tranh 2(9,32m); Sông Tranh 3 thấp hơn tới 103,57m; Hàm Thuận (7,24m)…

Tính đến thời điểm hiện tại nhiều hồ đã về gần đến mực nước chết, các hồ này sẽ không đóng góp nhiều cho hệ thống trong thời gian tới như Bắc Hà; Bản Vẽ; Chi Khê; Hủa Na; Cửa Đạt; Hương Sơn; Trung Sơn; Sông Bung 2; Sông Bung 4; Vĩnh Sơn B; Sông Ba Hạ; Kanak; Buôn Tua Srah; Sông Côn 2A; Sông Tranh 2; A Lưới; Hương Điền; Đồng Nai 2; Đồng Nai 3; Thác Mơ; Hàm Thuận; Đại Ninh.

Theo tienphong.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: