Hàng loạt con sông trên thế giới tràn ngập thuốc kháng sinh nguy hiểm

Đăng ngày: 27-05-2019 | Lượt xem: 1140
Nghiên cứu lớn nhất toàn cầu phát hiện thuốc kháng sinh nhiều đến mức báo động ở hai phần ba địa điểm thử nghiệm ở 72 quốc gia.

Trong số các con sông ở châu Âu được thử nghiệm, sông Danube có mức độ ô nhiễm kháng sinh cao nhất. Ảnh: Nick Ledger/Getty Images/AWL Images RM

Trong số các con sông ở châu Âu được thử nghiệm, sông Danube có mức độ ô nhiễm kháng sinh cao nhất. Ảnh: Nick Ledger/Getty Images/AWL Images RM

“Hàng trăm con sông trên khắp thế giới từ sông Thames đến Tigris đang tràn ngập những loại kháng sinh cao nguy hiểm”, nghiên cứu lớn nhất toàn cầu về đề tài này phát hiện.

Ô nhiễm kháng sinh là một trong những con đường chính mà vi khuẩn có khả năng kháng thuốc đối với các loại thuốc cứu sống, khiến chúng không hiệu quả khi sử dụng cho con người. “Rất nhiều gen kháng thuốc chúng ta thấy trong mầm bệnh ở người có nguồn gốc từ vi khuẩn môi trường”, Giáo sư William Gaze, nhà sinh thái học vi khuẩn tại Đại học Exeter, người nghiên cứu về kháng sinh nhưng không tham gia nghiên cứu cho biết.

“Sự gia tăng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu có thể giết chết 10 triệu người vào năm 2050”, Liên Hợp Quốc cho biết hồi tháng trước.

Các loại thuốc tìm đường vào sông và đất thông qua chất thải của người và động vật và rò rỉ từ các nhà máy xử lý nước thải và các cơ sở sản xuất thuốc. “Kháng sinh rất đáng sợ. Chúng ta có thể thấy nhiều khu vực môi trường có kháng sinh ở mức đủ cao gây ảnh hưởng đến sức đề kháng”, Alistair Boxall, nhà khoa học môi trường tại Đại học York, Canada, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.

Nghiên cứu được trình bày tại một hội nghị ở Helsinki, Phần Lan cho thấy một số dòng sông nổi tiếng nhất thế giới, bao gồm sông Thames bị nhiễm kháng sinh được xếp vào loại cực kỳ quan trọng trong điều trị nhiễm trùng nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp chúng được phát hiện ở mức độ không an toàn, có nghĩa là sức đề kháng có nhiều khả năng phát triển và lan rộng hơn.

Các mẫu được lấy từ sông Danube ở Áo có 7 loại kháng sinh bao gồm clarithromycin - sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi và viêm phế quản, gần gấp 4 lần mức an toàn.

Sông Danube, con sông lớn thứ hai của Châu Âu là nơi bị ô nhiễm nặng nhất lục địa. 8% các khu vực được thử nghiệm ở châu Âu đã vượt quá giới hạn an toàn.

Sông Thames, thường được coi là một trong những con sông sạch nhất Châu Âu cũng bị ô nhiễm, cùng với một số nhánh của nó, bởi một hỗn hợp gồm 5 loại kháng sinh. Một địa điểm trên sông và 3 địa điểm trên các nhánh sông đã bị ô nhiễm trên mức an toàn. Ciprofloxacin, điều trị nhiễm trùng da và đường tiết niệu đạt mức cao hơn 3 lần mức an toàn.

Gaze cho biết ngay cả những con sông bị nhiễm kháng sinh ở mức độ thấp cũng là một mối đe dọa. “Ngay cả khi nồng độ kháng sinh thấp tại những con sông ở châu Âu, điều đó cũng có thể thúc đẩy sự tiến hóa của kháng thuốc và làm tăng khả năng các gen kháng thuốc chuyển sang mầm bệnh ở người”, ông nói.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm 711 địa điểm tại 72 quốc gia và tìm thấy kháng sinh ở 65% trong số đó. Trong 111 địa điểm, nồng độ kháng sinh vượt quá mức an toàn, với những trường hợp xấu nhất hơn 300 lần so với giới hạn an toàn.

Các nước thu nhập thấp thường có nồng độ kháng sinh cao hơn ở các con sông, với các địa điểm ở Châu Phi và Châu Á hoạt động kém nhất. Nồng độ này lớn nhất ở Bangladesh, nơi metronidazole được sử dụng để điều trị nhiễm trùng âm đạo, theo phát hiện gấp hơn 300 lần so với mức an toàn. Các nhà nghiên cứu phát hiện dư lượng gần một cơ sở xử lý nước thải, ở các nước thu nhập thấp thường thiếu công nghệ để loại bỏ thuốc.

Việc xử lý nước thải và chất thải không phù hợp xả thẳng xuống sông, như đã được chứng kiến ​​tại một địa điểm ở Kenya cũng dẫn đến nồng độ kháng sinh cao hơn 100 lần mức an toàn.

“Cải thiện việc quản lý an toàn các dịch vụ y tế và vệ sinh ở các nước thu nhập thấp là rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại kháng kháng sinh”, Helen Hamilton, chuyên gia phân tích sức khỏe và vệ sinh tại Viện trợ nước từ thiện có trụ sở tại Vương quốc Anh cho biết.

Nhóm nghiên cứu hiện đang lên kế hoạch đánh giá tác động môi trường của ô nhiễm kháng sinh đối với động vật hoang dã, bao gồm cá, động vật không xương sống và tảo. Họ dự báo những ảnh hưởng nghiêm trọng. Nồng độ thuốc kháng sinh ở một số sông Kenya cao đến mức không con cá nào có thể sống sót.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: