Hải Dương: 20 cơ sở lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động

Đăng ngày: 22-07-2019 | Lượt xem: 1653
Hầu hết các cơ sở phải lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động ở Hải Dương đã triển khai. Không những thế tỉnh Hải Dương còn định hướng lắp đặt thêm 31 điểm quan trắc nước mặt và không khí ở xung quanh các điểm có nguồn xả thải lớn.
HD 1
Theo dõi tình hình ô nhiễm môi trường thong qua hệ thống quan trắc môi trường tự động từ cơ sở báo về.

Theo Luật Bảo vệ môi trường được cụ thể hóa tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 thì những cơ sở có nguồn xả thải lớn phải thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động (QTMTTĐ): về nước thải gồm các khu công nghiệp và cơ sở xả nước thải trên 1.000m3/ngày đêm; về khí thải gồm các cơ sở có ngành nghề sản xuất phôi thép, nhiệt điện, xi măng, phân bón, hóa chất.

Căn cứ theo quy định này thì tỉnh Hải Dương có 27 cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt QTMTTĐ, trong đó có 7 cơ sở sản xuất xi măng lò đứng và nghiền Clinker.Theo yêu cầu của tỉnh Hải Dương sau khi Luật ban hành, các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt QTMTTĐ phải sớm triển khai theo Luật Bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2015, song tới ngày 01/9/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới ban hành Thông tư 24/2017/TT-BTNMT quy định cụ thể các yêu cầu kỹ thuật trong hoạt động QTMTTĐ và hướng dẫn thực hiện. Vì vậy hầu hết các cơ sở triển khai lắp đặt QTMTTĐ chậm hơn.

Thực hiện Pháp luật về bảo vệ môi trường, những yêu cầu về QTMTTĐ, tỉnh Hải Dươngyêu cầu các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt QTMTTĐ để triển khai các quy định của nhà nước, đồng thời hướng dẫn và đôn đốc thực hiện.

HD 2
Vận hành các thiết bị quan trắc tự động ở Khu công nghiệp Đại An.

Đến tháng 7-2019, trên địa bàn tỉnh đã có 20 cơ sở đã lắp đặt quan trắc môi trường tự động. Trong đó17 cơ sở đã lắp đặt hoàn thiện đưa vào hoạt động và truyền dữ liệu ổn định về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát trực tiếp 24/24. Có 3 cơ sở đang hoàn thiện lắp đặt là: Công ty Xi măng Hoàng Thạch theo kế hoạch đến tháng 8/2019 đưa vào vận hành; Công ty Xi măng Phú Tân theo kế hoạch đến tháng 9/2019 đưa vào vận hành;Xí nghiệp phân bón NPK Hải Dương theo kế hoạch đến tháng 12/2019 đưa vào vận hành.

Còn lại 07 cơ sở chưa lắp đặt gồm 04 cơ sở sản xuất xi măng lò đứng, hiện đang trong lộ trình chuyển đổi công nghệ sản xuất sang lò quay hoặc sang ngành nghề khác theo quy hoạch phát triển sản xuất vật liệu xây dựng của Chính phủ (Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến năm 2020 phải xóa bỏ sản xuất xi măng lò đứng và 03 trạm nghiền xi măng có quy mô công suất nhỏ.

Đối với các cơ sở này, do thời gian còn hoạt động trước khi chuyển đổi công nghệ hoặc ngành nghề khác không còn nhiều, đồng thời, đối với các trạm nghiền có quy mô nhỏ nên các cơ sở đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường cho phép không lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, Sở Tài nguyên và Môi trường đang chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Môi trường để tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện.

HD 3
Nước xả thải Khu Công nghiệp Đại An mở rộng đạt tiêu chuẩn nước thải công nghiệp loại A.

Chia sẻ về việc lắp đặt các trạm QTMTTĐ ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương) cho biết: Trong 20 cơ sở đã lắp đặt 14 trạm QTMTTĐ nước thải và 32 trạm QTMTTĐ khí thải. Các đơn vị thực hiện tốt công việc này là Khu công nghiệp Đại An, Khu công nghiệp Phú Thái; Công ty cổ phần năng lượng Hòa Phát, Công ty TNHH may Tinh Lợi… Các đơn vị đã đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị kỹ thuật có chất lượng cao để có thể hoạt động chuẩn xác, lâu dài. Hiện tại các đơn vị lắp đặt hoàn chỉnh đã nối mạng với Trung tâm. Từ tháng 4-2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đã phối hợp với Tổng cục Môi trường thực hiện thử nghiệm áp dụng phần mềm dữ liệu quan trắc môi trường của Tổng cục với mục tiêu triển khai đồng bộ trên toàn quốc.

Theo ông Trần Quốc Toản, Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường,Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư tất cả các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động khẩn trương đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom xử lý nước thải chuyên nghiệp, triển khai lắp đặt thiết bịQTMTTĐ. Với khu công nghiệp việc tuân thủ pháp luật về môi trường được đề cao. Toàn bộ nước xả thải đều đạt tiêu chuẩn nước thải công nghiệp loại A.

Khu công nghiệp Đại An có 2 cơ sở xử lý nước thải, bao gồm Đại An và Đại An mở rộng được đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải công nghiệp đồng bộ, hiện đại, có công suất xử lý 2000 và 2500 m3/ngày đêm. Theo chị Trần Thị Mến, cán bộ phụ trách môi trường công ty cho biết, cuối năm 2018, cả 2 nhà máy đã hoàn thiện và lắp đặt hệ thống QTMTTĐ, nối mạng 24/24 với Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương. Nước thải của 2 cơ sở đều đạt tiêu chuẩn nước thải công nghiệp loại A trước khi thải ra môi trường.

Với 3 cơ sở đang lắp đặt hệ thống QTMTTĐ làCông ty Xi măng Hoàng Thạch, Công ty Xi măng Phú Tân, Xí nghiệp phân bón NPK Hải Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đôn đốc lắp đặt khẩn trương thực hiện đúng tiến độ kế hoạch đã cam kết. Sau thời gian cam kết, nếu không hoàn thành, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định xử lý phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Để nâng cao năng lực, bảo đảm đồng bộ, chủ động giám sát môi trường của các cơ sở có nguồn xả thải lớn, cũng như giám sát chất lượng môi trường xung quanh, đặc biệt đối với tình trạng ô nhiễm môi trường liên tỉnh theo các con sông lớn, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án nâng cao lĩnh vực quan trắc môi trường tỉnh Hải Dương giai đoan 2018-2020, định hướng tới 2025. Trong đó sẽ triển khai thực hiện đầu tư đồng bộ Trạm trung tâm đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo ổn định, tiếp nhận dữ liệu quan trắc của các trạm cơ sở truyền về, theo dõi, xử lý, lưu trữ dữ liệu trực tuyến về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định; đầu tư 15 trạm quan trắc nước mặt tại các điểm đầu nguồn của các sông chính, các khu vực chịu tác động xả thải của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn, khu đô thị ven sông; đầu tư 16 trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh các điểm có nguồn xả thải lớn…

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: