Giảm sử dụng nước trong mọi lĩnh vực mang lại lợi ích to lớn cho hành tinh

Đăng ngày: 23-03-2020 | Lượt xem: 1655
Sử dụng nước hiệu quả hơn trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, từ cuộc sống hàng ngày đến nông nghiệp và công nghiệp sẽ giúp giảm khí thải và hạn chế biến đổi khí hậu nhưng lợi ích tiềm tàng này vẫn chưa được công nhận rộng rãi.

Giảm sử dụng nước trong mọi lĩnh vực của xã hội có thể mang lại lợi ích to lớn cho hành tinh này. Ảnh: David McNew / Getty Images

Trong một báo cáo công bố vào Ngày Nước thế giới (22/3/2020), các cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết sự nóng lên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước, chất lượng và lượng nước đối với nhu cầu cơ bản của con người, đe dọa quyền sử dụng nước và vệ sinh đối với hàng tỷ người.

Tuy nhiên, cũng như sử dụng nguồn cung hạn chế một cách khôn ngoan và công bằng hơn, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp cũng nên tìm cách quản lý tài nguyên nước tốt hơn để tiết kiệm điện và nhiên liệu cần thiết trong việc bơm, làm sạch và cung cấp nước.

“Nếu bạn tiết kiệm nước, bạn sẽ tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải nhà kính”, Richard Connor, biên tập viên của báo cáo cho biết.

Theo ông, sử dụng ít năng lượng hơn sẽ cắt giảm hơn nhu cầu sử dụng nước để sản xuất điện.

“Thậm chí có thể tiết kiệm nhiều nước bằng cách chuyển sang các nguồn năng lượng sạch ít sử dụng nước hơn như gió thay vì nhiên liệu hóa thạch”, Richard Connor nói thêm.

Liên Hiệp Quốc cho biết, sử dụng nước đã tăng gấp 6 lần trong thế kỷ qua và tăng khoảng 1% mỗi năm.

Báo cáo Phát triển Nước Thế giới của Liên Hợp Quốc năm 2020 đã phác thảo những biện pháp sử dụng và tái chế nước hiệu quả hơn để hạn chế khí thải, bên cạnh việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

“Chẳng hạn, khôi phục và bảo vệ vùng đất ngập nước rất quan trọng vì nó lưu trữ lượng cácbon gấp đôi so với rừng, đồng thời ngăn chặn lũ lụt, làm sạch nước và cung cấp môi trường sống cho động vật và các loài chim”, báo cáo cho biết.

Nông nghiệp bảo tồn cũng là phương pháp giúp giảm lượng khí thải cácbon và lượng nước lớn cần thiết cho tưới tiêu cây trồng trong các hệ thống canh tác thâm canh.

Nhấn mạnh tình trạng 80-90% nước thải được xả ra môi trường mà không có hình thức xử lý, báo cáo cho rằng tăng cường xử lý nước thải cũng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn theo hướng tích cực.

Nước thải chưa được xử lý là một nguồn chính của khí mê-tan, loại khí nhà kính giữ nhiệt, trong khi xử lý nước thải chiếm khoảng 3-7% tổng lượng phát thải do năng lượng và sinh hóa cần thiết cho quá trình này.

Giải pháp tốt nhất là đầu tư vào các kỹ thuật hiện đại giúp chiết xuất khí mêtan từ chất hữu cơ trong nước thải và sử dụng khí sinh học này để tạo ra năng lượng cần thiết xử lý nước - một phương pháp đã được sử dụng ở một số quốc gia khan hiếm nước như Jordan, Mexico, Peru và Thái Lan.

Nhờ đó, các khu vực này đã giảm hàng nghìn tấn lượng khí thải cácbon, đồng thời tiết kiệm tài chính và cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn.

Một trong những rào cản chính đối với các phương pháp tiếp cận này là thiếu sự hợp tác giữa các quan chức chính phủ chuyên về về biến đổi khí hậu và những người được giao nhiệm vụ quản lý nước.

Connor cho rằng việc thiếu sự phối hợp trên thể hiện rõ ràng ở cấp chính sách, chẳng hạn, Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu không đề cập đến nước.

Các kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu của các quốc gia nhất trí theo Thỏa thuận này thường thừa nhận tầm quan trọng của nước, nhưng cho đến nay, rất ít dự án được công bố và có giá trị cụ thể.

“Những nỗ lực cụ thể hơn để thích ứng với tình trạng căng thẳng nước gia tăng và cắt giảm khí thải từ sử dụng nước sẽ đòi hỏi các chuyên gia về biến đổi khí hậu và nước phải lập kế hoạch chung, cũng như đầu tư hơn nữa để đưa chúng vào thực tế”, báo cáo cho biết.

Quản lý nước, cung cấp nước và dịch vụ vệ sinh vẫn thiếu vốn, nhưng bằng cách giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu cũng như các thách thức về nước, các dự án về nước có thể đặt mục tiêu đạt được sự chia sẻ hơn nữa về tài chính khí hậu.

Hồi năm 2016, chỉ có 2,6% trong số 455 tỷ USD đầu tư vào các biện pháp biến đổi khí hậu được phân bổ cho quản lý nước.

Điều đó có thể đang bắt đầu thay đổi. Chẳng hạn, trong bốn năm qua, Quỹ Khí hậu Xanh đã phê duyệt hai dự án ở Sri Lanka để nâng cấp hệ thống tưới tiêu của làng, bảo vệ các lưu vực nước và thúc đẩy các giải pháp canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: