Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất

Đăng ngày: 18-09-2018 | Lượt xem: 1609
(TN&MT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư quy định về điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất.

dac nong

Ảnh minh họa

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, các cơ quan nhà nước liên quan, các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Theo dự thảo, việc thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất phải được lập thành nhiệm vụ, dự án, đề án (dự án) do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất bao gồm các loại dự án sau: Dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất tổng hợp; dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất chuyên đề.

Dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất tổng hợp, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: Đánh giá số lượng (trữ lượng), chất lượng nước dưới đất; lập bản đồ địa chất thủy văn và bản đồ tài nguyên nước dưới đất; trường hợp cần thiết, có thể xem xét thực hiện các nội dung điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất chuyên đề.

Dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất chuyên đề, bao gồm một hoặc toàn bộ các nội dung chuyên đề sau đây: Đánh giá và phân loại mức độ ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất; xác định ngưỡng khai thác đối với các tầng chứa nước, khu vực cần hạn chế khai thác nước dưới đất; đánh giá, cảnh báo, dự báo biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước dưới đất; xác định khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

Các công việc chủ yếu của dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất 
Theo dự thảo, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng vùng, từng khu vực, loại dự án, các công việc chủ yếu của một dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất bao gồm: Các công việc điều tra, khảo sát ngoài hiện trường: Đo vẽ địa chất thủy văn; điều tra, khảo sát hiện trạng khai thác, sử dụng nước; đo địa vật lý; khoan điều tra, khảo sát, tìm kiếm thăm dò nước dưới đất và lắp đặt công trình khai thác nước; thí nghiệm thấm, gồm: bơm hút nước, đổ nước, múc nước thí nghiệm; lấy mẫu đất; lấy mẫu nước; phân tích mẫu nước tại hiện trường; quan trắc động thái nước dưới đất và các nguồn nước mặt có liên quan; đo trắc địa; các công việc chuyên môn khác.

Các công việc trong phòng: Phân tích mẫu nước và mẫu đất trong phòng thí nghiệm; thu thập, tổng hợp tài liệu đã có; phân tích, tổng hợp kết quả của các hoạt động ngoài hiện trường; biên tập bản đồ địa chất thuỷ văn, bản đồ tài nguyên nước dưới đất và các bản đồ chuyên đề; phân tích, tổng hợp, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước dưới đất; lập báo cáo kết quả điều tra hằng năm, các báo cáo chuyên đề và báo cáo tổng kết; các công việc chuyên môn khác.

Căn cứ mục đích, nội dung yêu cầu của từng loại dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất và căn cứ yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước, phạm vi, quy mô, mức độ chi tiết của dự án và đặc điểm cụ thể của từng vùng, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định các nội dung công việc, khối lượng, sản phẩm cụ thể của từng dự án trên nguyên tắc bảo đảm kế thừa có chọn lọc các tài liệu đã có và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước và của xã hội.

Yêu cầu chung đối với điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất

Dự thảo nêu rõ, việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất phải phù hợp quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản của cả nước đã được phê duyệt. Trường hợp chưa có quy hoạch được phê duyệt thì căn cứ yêu cầu thực tế, nguồn lực thực hiện và do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với nội dung điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất tổng hợp, phải kết hợp đồng bộ các nội dung về đánh giá số lượng (trữ lượng), chất lượng nước dưới đất với nội dung về lập bản đồ địa chất thủy văn và bản đồ tài nguyên nước dưới đất. Việc thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất tổng hợp được thực hiện theo mức độ chi tiết tương ứng với các tỷ lệ 1:200.000, 1:100.000, 1:50.000 và tỷ lệ 1:25.000. Kết quả điều tra, đánh giá phải được thống kê, phân tích, tổng hợp và đánh giá trên phạm vi của toàn dự án; theo từng vùng địa lý kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm; từng đơn vị hành chính cấp tỉnh; theo lưu vực sông, tiểu lưu vực sông và theo các cấu trúc, phức hệ, tầng chứa nước chủ yếu.

Đối với nội dung điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất chuyên đề thì căn cứ tình hình thông tin, số liệu, yêu cầu của công tác quản lý, nguồn lực thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định cụ thể phạm vi, nội dung chuyên đề cần thực hiện cho phù hợp.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: