Đẩy mạnh các hoạt động giám sát nguồn nước trên lưu vực sông Mê Công

Đăng ngày: 15-08-2019 | Lượt xem: 1340
Theo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, mùa khô và đầu mùa lũ năm 2019, lưu vực sông Mê Công trải qua một giai đoạn thiếu mưa với tổng lượng mưa trung bình trên lưu vực chỉ đạt khoảng một nửa lượng mưa trung bình nhiều năm của lưu vực. Là quốc gia nằm ở cuối nguồn, Việt Nam đã và đang tiếp tục giám sát chặt chẽ các biến động về diễn biến thiên tai và nguồn nước trên lưu vực đảm bảo ổn định nguồn nước cho người dân ĐBSCL.

Lưu vực sông Mê Công giảm so với trung bình nhiều năm

Số liệu quan trắc từ các mạng lưới quan trắc thủy văn của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Lào và Thái Lan, mực nước của tất các các trạm quan trắc trên dòng chính sông Mê Công đều đồng loạt sụt giảm mạnh từ giữa tháng 6 năm 2019. Tình hình dòng chảy sông Mê Công tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu trong tháng 7/2019, cụ thể tại Chiềng Sẻn (Thái Lan), mực nước và dòng chảy trung bình tháng 7 sụt giảm 2,89m và 70% so với dòng chảy trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, đặc biệt mực nước trong ngày 18/7 thấp hơn 3,02m so với mức trung bình cùng kỳ và thấp hơn 0,75m so với mực nước tối thiểu từng đo được. Tương tự, tại trạm Viên Chăn sụt giảm mực nước và dòng chảy trung bình trong tháng 7/2019 so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ là 4,47m và 75% so với dòng chảy trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, và tại trạm Kra-chê là 4.1m và 60% so với dòng chảy trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

song me cong
Mùa khô và đầu mùa lũ năm 2019, lưu vực sông Mê Công trải qua một giai đoạn thiếu mưa với tổng lượng mưa trung bình trên lưu vực chỉ đạt khoảng một nửa lượng mưa trung bình nhiều năm của lưu vực.

Riêng tại hai trạm Tân Châu và Châu Đốc là cửa ngõ của đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nơi sông Mê Công chảy vào, mực nước bắt đầu xuống thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm từ ngày 18/6 và trong tháng 7/2019 mực nước ở hai trạm này thường xuyên thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm từ 0,8 - 2,3m. Tương tự, dòng chảy ở Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 7/2019 cũng thấp hơn dòng chảy trung bình nhiều năm tới 14.000 m3/s, giảm tới 75% dòng chảy trung bình nhiều năm cùng thời kỳ trong tháng 7 tại hai trạm này.

Trên cơ sở đánh giá sơ bộ của Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, tình hình sụt giảm mực nước và dòng chảy trên dòng chính sông Mê Công diễn ra trên toàn Lưu vực sông Mê Công, kể cả phần lưu vực thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Hiện tượng này bắt đầu xảy ra từ giữa tháng 6/2019 và hiện vẫn tiếp tục diễn biến xấu cho tới nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt giảm mực nước trên toàn lưu vực sông Mê Công. Đó là: mưa ít, vận hành các hồ thủy điện và nhu cầu sử dụng nước gia tăng.

Nguyên nhân thứ nhất phải kể đến là lượng mưa hạn chế trên toàn lưu vực. Lượng mưa ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đầu mùa lũ năm 2019 sụt giảm bất thường so với trung bình nhiều năm, cụ thể là tháng 6 năm 2019 lượng mưa chỉ đạt 90% so với lượng mưa trung bình nhiều năm (khoảng 100mm) và đặc biệt trong suốt tháng 7 năm 2019 không hề có mưa.

 Lượng mưa trên phần lưu vực giữa Lào và Thái Lan cũng tương tự khi trong tháng 6 năm 2019 lượng mưa chỉ đạt 30 - 50% lượng mưa trung bình nhiều năm và tháng 7 năm 2019 lượng mưa chỉ đạt 15 - 35% lượng mưa trung bình nhiều năm.

Lượng mưa trên phần lưu vực của Campuchia tháng 6 năm 2019 chỉ đạt 40 - 60% lượng mưa trung bình nhiều năm và tháng 7 năm 2019 lượng mưa chỉ đạt 30 - 50% lượng mưa trung bình nhiều năm.

Có thể thấy mùa khô năm 2019, lưu vực sông Mê Công trải qua một giai đoạn thiếu mưa với tổng lượng mưa trung bình trên lưu vực chỉ đạt khoảng một nửa lượng mưa trung bình nhiều năm của lưu vực. Đặc biệt tháng 7 năm 2019, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công giảm mạnh, cụ thể là không mưa trên phần lưu vực thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và giảm tới 50 - 70% cho các khu vực ở hạ du, bao gồm cả đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Nguyên nhân thứ hai liên quan đến vận hành của các đập thủy điện trên thượng nguồn.

Trong khi dòng chảy xả tháng 6 năm 2019 từ đập Cảnh Hồng (đập cuối cùng của bậc thang thủy điện của Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam) vẫn ở mức khá cao là tăng khoảng 20% so với mức trung bình nhiều năm, mức xả tháng 7 năm 2019 sụt giảm từ 20 - 60% dòng chảy xả trung bình tháng 7 nhiều năm.

mekong 1459729771079
Hạn hán, thiếu nước khiến các hoạt động trên chợ nổi khu vực ĐBSCL khó khăn hơn. Ảnh: Internet

Đầu tháng 7 năm 2019, phía Trung Quốc đã thông báo cho các quốc gia hạ du sông Mê Công theo kênh hợp tác nguồn nước Mê Công – Lan Thương là với mục tiêu để bảo dưỡng công trình, đập Cảnh Hồng sẽ giảm lưu lượng xả nước từ ngày 05 đến 19 tháng 7 năm 2019 tương ứng giảm tới 50% lượng nước xả trung bình nhiều năm.

Đối với Lào, hiện đã có hai công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công bắt đầu đi vào vận hành là đập Xay-nha-bu-ly và đập Đôn Sa-hông. Trong khi đập Đôn Sa-hông là một công trình thủy điện có quy mô nhỏ và việc vận hành công trình này có thể không gây tác động lớn đến chế độ dòng chảy trên dòng chính sông Mê Công thì đập Xay-nha-bu-ly với quy mô lớn hơn sẽ gây ra tác động đến chế độ dòng chảy vùng hạ lưu sông Mê Công. Đặc biệt là trong giai đoạn hồ bắt đầu tích nước và công trình mới đi vào vận hành, để thử nghiệm vận hành turbine theo các cấp mực nước hồ khác nhau.

Nhu cầu sử dụng nước gia tăng là nguyên nhân thứ ba dẫn đến sự sụt giảm mực nước.

Có thể thấy lưu vực sông Mê Công hiện đang trải qua một giai đoạn biến động thời tiết, mưa ít và làm suy giảm mạnh dòng chảy từ các sông nhánh đóng góp cho dòng chính sông Mê Công. Tình hình thiếu nước này cũng dẫn đến việc gia tăng sử dụng nước từ hệ thống sông trên toàn lưu vực, các hồ tăng cường tích nước và giảm lưu lượng xả đã góp phần làm giảm mực nước và dòng chảy trên dòng chính sông Mê Công.

Xu thế tình hình thiếu nước này có thể được cải thiện trong thời gian tới, cụ thể là tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã bắt đầu có mưa trở lại từ cuối tháng 7 năm 2019; đập Cảnh Hồng đã xả chế độ bình thường như đã thông báo; mực nước tại trạm quan trắc thủy văn Chiềng Sẻn đã bắt đầu tăng lên; vùng Hạ lưu vực sông Mê Công lượng mưa cũng đã gia tăng… Tuy nhiên, với xu thế cải thiện khá chậm như hiện nay, thêm vào đó theo thông báo của Trung Quốc từ ngày 11/8/2019 đến ngày 15/8/2019, đập Cảnh Hồng giảm lưu lượng xả xuống hạ du từ 1.100m3/s xuống còn 600-800 m3/s và theo dự báo từ tháng 8 cho đến cuối năm 2019 lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mê Công cũng sẽ chỉ có thể đạt ở mức tương đương và nhỏ hơn lượng mưa trung bình nhiều năm, nên dòng chảy trên dòng chính sông Mê Công khó có thể đạt được mức trung bình nhiều năm và toàn Lưu vực sông Mê Công sẽ có một mùa lũ thấp

ĐBSCL: Đối mặt với một mùa khô khắc nghiệt

Nằm ở cuối nguồn nên đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam ngoài việc phải chịu các tác động của biến động thời tiết nêu trên còn chịu cả các tác động lũy tích do gia tăng sử dụng nước ở thượng nguồn do tình hình thiếu nước. Các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến dòng chảy và xâm nhập mặn trong mùa khô là dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công (đến Kratie), lượng trữ nước trong Biển Hồ và lượng mưa tại chỗ vùng đồng bằng. Trong năm 2019, mực nước trên sông Mê Công và Biển Hồ của Campuchia đến nay mới chỉ tiệm cận dòng chảy trung bình ngày nhỏ nhất trong nhiều năm, trong thời gian tới theo dự báo mưa có thể không nhiều, sẽ làm cho mức độ hồi phục chế độ dòng chảy tới Đồng bằng sông Cửu Long chậm hơn.

Ngoài việc có thể sẽ phải trải qua một mùa lũ thấp, hoặc thậm chí “không có lũ”, đồng bằng sông Cửu Long cũng cần phải chuẩn bị cho một mùa khô khắc nghiệt trong năm 2020 trước hết do khả năng điều tiết của Biển Hồ bị suy giảm nghiêm trọng do không tích được nhiều nước trong mùa lũ năm nay.

Với tình hình trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ và ban hành sớm, sát với thực tế các thông tin dự báo về diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ công tác ứng phó cho các địa phương và cơ quan liên quan.

Bộ cũng tiếp tục phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định thời vụ và diện tích sản xuất các vụ phù hợp với điều kiện nguồn nước, tránh ảnh hưởng của xâm nhập mặn trùng với thời kỳ sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng; nghiên cứu các giải pháp nhằm gia tăng diện tích trữ nước tại đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo về diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, khuyến cáo và hướng dẫn người dân chủ động trữ nước, sử dụng giống và bố trí các loại cây trồng hợp lý, đặc biệt cần khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Đặc biệt, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tiếp tục giám sát chặt chẽ các biến động về nguồn nước sông Mê Công ở thượng nguồn, thúc đẩy Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các quốc gia thành viên xây dựng mạng quan trắc khí tượng thủy văn và môi trường; xây dựng cơ chế toàn diện chia sẻ thông tin số liệu và hành động chung cho trường hợp khẩn cấp trong Hợp tác Mê Công - Lan Thương phục vụ yêu cầu ứng phó với các tình trạng hạn hán trong mùa khô.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: