Chuyện nước ngọt ở “quần đảo bão tố”: Kỳ 1 - Khơi tài nguyên nước từ lòng đảo

Đăng ngày: 30-03-2019 | Lượt xem: 22927
(TN&MT) - Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc còn được gọi với cái tên khốc liệt “quần đảo bão tố”. Sở dĩ có cái tên ấy bởi hằng năm có 18-20 cơn bão đi qua hoặc hình thành tại vùng biển này. Do đặc thù đóng quân trên san hô và nước biển mặn, nên 21 đảo nổi, đảo chìm Trường Sa đều khan hiếm nước ngọt. Bây giờ ở các đảo chìm Trường Sa đang là đỉnh điểm mùa khô, những chiến sĩ phải gồng mình chịu cái nắng cháy da và cơn khát cháy lòng. Các chiến sĩ đang chắt chiu từng giọt nước ngọt và đêm ngày bám đảo bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
anh 1,
Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 131 Công binh hải quân đào giếng ở đảo Trường Sa lớn năm 1988. Ảnh tư liệu.

Không phải những ngày đầu tiên những người lính hải quân Lữ đoàn 125 ra giải phóng Trường Sa mới “khát” nước ngọt, mà ngay cả đến bây giờ sau 44 năm Trường Sa giải phóng, nước ngọt vẫn là “hàng hiếm”. Không chỉ ở đảo nhỏ, đảo chìm, mà ngay cả đảo như Trường Sa Lớn, Nam Yết, Song Tử Tây, lúc nào bộ đội cũng “khát” nước ngọt và nhớ đất liền nhiều nhất.

Thực hiện Chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc Phòng, một lực lượng Công binh Hải quân nhanh chóng ra Trường Sa xây đảo sau ngày giải phóng Trường Sa. Đoàn tàu Đại Khánh đã chở hàng ngàn tấn sắt thép, xi măng, nước ngọt ra Trường Sa, khi trở về đất liền, nước ngọt cạn kiệt, cán bộ chiến sĩ phải lên mũi tàu tắm gió, người nọ kỳ ghét cho người kia, ghét bong ra như vỏ khoai lang. Kể về chuyến tàu đầu tiên ấy, Đại tá Nhất bảo “đó là cuộc hải trình không thể nào quên”.

anh 2
Đại tá Nguyễn Viết Nhất, chỉ đạo bộ đội chuyển đá xuống tàu HQ 996 tại cảng Hải đoàn 129 Hải quân Vũng Tàu

Chuyện người đào giếng  

Câu chuyện đào giếng khơi dòng nước ngọt ở đảo Trường Sa năm 1988 mà Trung úy Nguyễn Viết Nhất, lúc đó nguyên là Phó đại đội trưởng về chính trị Đại đội 1, Tiểu đoàn 881 Trung đoàn 131 Công binh Hải quân (nay ông Nhất là Đại tá), như một sự tái hiện hùng hồn những ngày tháng gian khổ mà đẹp đẽ nhất ở Trường Sa Lớn. Ông vừa là cán bộ quản lý, vừa là chiến sĩ đào giếng tại đảo. Đại tá Nhất bảo: “Trường Sa những năm 1988 vô cùng khắc nghiệt. Để sinh tồn, những người lính Công binh Hải quân vừa vật lộn với nắng gió, vừa khẩn cấp xây đảo. Nước ngọt được chở từ đất liền ra xây dựng các công trình được bộ đội tiết kiệm rất chi li và chủ yếu dùng cho xây dựng đảo, còn anh em chúng tôi tuần tắm một lần, đánh răng rửa mặt mỗi người một lít/ngày”. Không thể bó tay chờ đợi trời mưa, không thể để bộ đội nhịn tắm, nhưng làm thế nào để có nước ngọt cho bộ đội sinh hoạt, có thể đào giếng khơi từ lòng đảo được không? Kế hoạch đào giếng tại đảo bắt đầu.

Sau khi báo cáo được cấp trên chấp thuận, những người lính Công binh Hải quân ban ngày trằn mình trong nắng lửa xây nhà, đào hầm hào công sự, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tối tranh thủ thời gian đào giếng khơi dòng. Trăng tháng hai vằng vặc soi sáng những tấm lưng sạn màu nắng gió. Khi trên tấm ấy loang loáng mồ hôi, cũng là lúc nửa đêm về sáng. Khát khao khơi được dòng nước từ lòng đảo, không ai bảo ai, các chiến sĩ tìm dòng nước ngọt như tìm sự sống cho mình mà không hề quản ngại sức khỏe, quên đi mệt nhọc.

Là người trực tiếp chỉ huy bộ đội đào giếng, Đại tá Nguyễn Viết Nhất bảo: “Trên trời nắng lửa, dưới biển nước mặn, lúc giải lao sau giờ cầm bay xây đảo, chúng tôi chỉ muốn lội xuống biển ngâm mình. Khát cháy họng ca nước ngọt, nhưng không phải lúc nào cũng uống thỏa thích. Cả đại đội chỉ 2 ru-mi-nhê chừng 30 lít cho cả ngày. Số lượng ấy chỉ đủ cho 5 người buổi sáng, vậy mà ai cũng mát lòng”.

Ở đảo Trường Sa lớn, đá rất cứng, kết thành mảng lớn. Các chiến sĩ phải dùng búa chim bổ xuống mặt đảo bằng sức lực tự thân trong điều kiện thiếu thốn phương tiện bảo hộ, ngay cả găng tay cũng không đủ. Sau hơn 2 ngày “tổng lực”, dòng nước ngọt đầu tiên được khơi nguồn. Cán bộ chiến sĩ Công binh Hải quân Trung đoàn 131 không thể nào quên cái buổi sáng đầu tháng hai năm 1988 ấy. Hàng trăm chiến sĩ hò reo phấn khởi khi nhìn thấy trong lòng giếng có nước, cách mặt đảo 3 mét. Họ hô lớn “có nước ngọt rồi, có nước ngọt rồi, hoan hô, hoan hô”. Mấy chiến sĩ trẻ đã nhanh chóng chạy về nhà lấy xô nhôm buộc dây thừng thả xuống giếng múc nước. Nhưng mọi người đều ngỡ ngàng thất vọng, đó là nước lợ, chát, không thể nào uống được.

anh 3
Chuyển tư trang cá nhân và đồ dùng vào đảo. Ảnh tư liệu.

Cuộc thử nghiệm

“Không uống được thì xây đảo”, nghĩ vậy, ngay ngày hôm sau các chiến sĩ Công binh đã múc nước giếng trộn hồ. Do nước lợ nên hồ trộn không nhuyễn. Khi xây thử nghiệm, tường vẫn đứng vững nhưng sáng hôm sau thì ngả mầu trắng và bong từng lớp hồ do muối mặn, các thanh sắt có hiện tượng gỉ sét. Biết là không thể dùng nước giếng để xây các công trình trên đảo, nên cũng từ ngày ấy, nước giếng chủ yếu dùng cho bộ đội tắm giặt. Sau những giờ “lăn lê bò trườn” trên thao trường huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và xây đảo, bộ đội ra giếng dội nước ào ào. Chính những xô nước lợ ấy đã giúp cán bộ chiến sĩ thêm yêu cuộc sống, yên tâm tư tưởng quyết tâm bám đảo xây nhà.

Nhớ lại những ngày đầu tiên gian khó ấy, Đại tá Nhất chia sẻ: “Ngày ấy có nước lợ giặt giũ là quá tốt rồi. Cứ tưởng một tuần tắm 1 lần, còn đánh răng rửa mặt “theo kế hoạch” thì chịu sao nổi. Vậy mà chúng tôi đã chịu đựng được những ngày tháng gian khổ nhất”.

- Bây giờ công tác bảo đảm nước ngọt xây dựng các công trình trên đảo thế nào thưa anh?

- Chủ yếu vẫn chở ra từ đất liền. Nếu xây một nhà cấp một ở đảo thì hết 17.000 tấn nước ngọt. Một năm có 9 tháng xây đảo, thì nước ngọt cũng bảo đảm 9 tháng đảm sức sống cho các công trình. Mặc dù bây giờ nhiều đảo có nước mưa, song cũng không đủ cho bộ đôi sinh hoạt. Hai đảo Trường Sa Lớn và Song Tử Tây có giếng nước lợ cũng chỉ dùng tắm giặt, chứ không ăn uống được. Các công trình, hầm hào, công sự xây dựng trên các đảo 100% dùng nước ngọt chở ra từ đất liền.

 

Kỳ 2: “Thiếu nước ngọt không thiếu tình yêu Tổ quốc”

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: