Các hồ thủy điện thiếu hụt hơn 11 tỷ m3 nước

Đăng ngày: 18-12-2019 | Lượt xem: 1276
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay, tổng lượng nước tích được trong các hồ thủy điện chỉ đạt 24,3 tỷ m3, thiếu hụt khoảng 11,3 tỷ m3 so với mực nước dâng bình thường; trong đó, miền Bắc thiếu hụt 8,6 tỷ m3, miền Trung là 2,1 tỷ m3, miền Nam 0,6 tỷ m3 (chỉ đạt 83% so với cùng kỳ năm 2018).

Phía hạ lưu thủy điện Hòa Bình mực nước xuống mức thấp kỷ lục. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

 

Lượng nước tích được trong các hồ hiện nay quy ra điện là 10,49 tỷ kWh, thiếu hụt 4,82 tỷ kWh so với mực nước dâng bình thường (miền Bắc hụt 3,17 tỷ kWh, miền Trung hụt 1,2 tỷ kWh, miền Nam hụt 0,45 tỷ kWh).

Mặc dù EVN và Tổng công ty Truyền tải điện đã chủ động huy động cao các nguồn than, khí ngay trong mùa lũ; khai thác cao các nguồn chạy dầu từ đầu tháng 10/2019 để tích nước các hồ thủy điện, tuy nhiên khả năng tích nước của một số hồ thủy điện lên mực nước dâng bình thường gần như không thể với tình hình nước về như thời gian qua.

Báo cáo của EVN cho hay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tính riêng trong giai đoạn mùa lũ năm 2019, tổng lượng nước về các hồ chứa chỉ đạt 69% so với giá trị trung bình nhiều năm, thậm chí nhiều hồ còn thấp hơn 50%, như: Lai Châu, Bình Điền, Sông Bung 2, A Vương, Vĩnh Sơn, Đại Ninh. Trong số 39 hồ chứa thủy điện lớn trên hệ thống (có khả năng điều tiết trên 1 tuần), chỉ có 13 hồ có lượng nước về trong mùa lũ đạt từ 80% trung bình nhiều năm trở lên,  

Cùng với sự thiếu hụt nguồn nước trong mùa lũ, tần suất nước về của các hồ chứa trong giai đoạn hiện nay vẫn tiếp tục kém. Nhiều hồ tiếp tục có lưu lượng về thấp hơn trung bình nhiều năm, thậm chí còn đạt mức kỉ lục như các hồ trên lưu vực sông Hồng, sông Cả, hay hồ A Vương, hồ Đại Ninh.

Như vậy, có thể thấy, bước sang năm 2020, tình hình vận hành thủy văn trên cả nước gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực miền Bắc. Bên cạnh đó, một số hồ khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng cần phải tiếp tục tích nước và điều chỉnh chế độ vận hành cho phù hợp, đảm bảo vận hành tối ưu nguồn nước cho hết mùa khô 2020.

Trên cơ sở kịch bản thủy văn như hiện tại, EVN/Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) đã thực hiện tính toán và báo cáo Bộ Công Thương kế hoạch vận hành hệ thống điện năm.

 

Theo đó, với phương án phụ tải và kịch bản thủy văn tốt (tần suất 65%), dự kiến sản lượng thủy điện huy động 27 tỷ kWh/mùa khô và 72,9 tỷ kWh/cả năm. Cùng với đó, các nhà máy nhiệt điện khai thác cao, thêm vào đó EVN sẽ phải khai thêm 4,8 tỷ kWh nhiệt điện chạy dầu trong mùa khô và 7 tỷ cả năm.

Trong trường hợp tình hình thủy văn kém hơn, phụ tải tăng cao hơn dự kiến, các tổ máy nhiệt điện không đảm bảo khả dụng..., khả năng hệ thống điện sẽ phải tăng huy động thêm các nguồn điện đắt tiền khác. Từ kết quả tính toán trên có thể thấy, nhiệm vụ đảm bảo an ninh cung cấp điện cho năm 2020 là vô cùng căng thẳng và khó khăn.

Bên cạnh đó, một số hồ thủy điện đóng vai trò quan trọng trong lưới điện mà có mực nước thấp có thể gặp khó khăn trong việc đảm bảo cả mục tiêu cấp nước hạ du và mục tiêu phát điện như Ialy, Trị An, Đại Ninh ....

Với tình hình đảm bảo các yêu cầu về cấp nước hạ du 2020, EVN/A0 chủ yếu tập trung kiểm tra các hồ có ràng buộc theo yêu cầu của Quy trình vận hành liên hồ chứa (các hồ còn lại chưa có thông tin) với nhiều kịch bản tần suất nước về khác nhau (65%, 75%, 90%, 95%). Theo đó, một số hồ không đảm bảo được kể cả nước về có tần suất tốt (65%) như A Vương, Sông Bung 4, Đak Đrinh hoặc với tần suất nước kém hơn như Đồng Nai 2, Đa Nhim, Đại Ninh, Sông Hinh...

Do thiếu hụt về nguồn nước như nêu trên, trong thời gian qua EVN đã huy động tối đa có thể các nguồn điện khác như nhiệt điện than và kể cả các nguồn chạy dầu đắt tiền để thay thế cho thủy điện, các nhà máy thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam hầu như chỉ vận hành theo đúng các ràng buộc cấp nước hạ du nhằm đảm bảo dự phòng công suất, điện năng và nhu cầu nước hạ du cho các tháng còn lại của mùa khô.

Trong thời gian tới, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp cùng các địa phương để xả nước các hồ thủy điện, đảm bảo tốt nhất vừa cung cấp nước cho địa phương vừa đáp ứng nhu cầu phụ tải cao ở miền Nam.

Ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN cho hay, để đảm bảo hài hòa các mục tiêu sử dụng nguồn nước, EVN/A0 kiến nghị, các chủ hồ, các đơn vị phát điện phối hợp với địa phương để điều chỉnh lưu lượng xả phù hợp với nhu cầu thực tế và tình hình thủy văn hiện tại.

Ngoài ra, EVN cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty khai thác các công trình thủy nông cùng các đơn vị liên quan có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm hơn nữa; tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng coi đây thực sự là năm khó khăn về nguồn nước để có kế hoạch lấy nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. 

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: