Bến Tre: Nhiều giải pháp xử lý chất thải rắn

Đăng ngày: 10-05-2019 | Lượt xem: 2235
Thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn (CTR) nói chung, CTR sinh hoạt nói riêng tại tỉnh Bến Tre còn gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết các vẫn đề ô nhiễm, địa phương có nhiều giải pháp xử lý, xem việc quản lý rác thải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT).
H1
Hiện việc phân loại rác tại nguồn ở địa phương vẫn chưa được thực hiện do chưa có kết cấu hạ tầng phù hợp

Còn nhiều khó khăn trong xử lý

Ông Nguyễn Văn Chinh - Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết, tổng lượng CTR phát sinh tại các khu đô thị trên địa bàn tính Bên Tre tăng dần qua các năm, hiện nay tương đương 180.000 tấn/năm. Trong đó, lượng rác thải lớn nhất phát sinh tại TP Bến Tre 120 tấn/ngày; còn lại là của các thị trấn, khu vực trung tâm các xã của các huyện. Lượng CTR đô thị phát sinh có xu hướng tăng do phụ thuộc vào tốc độ đô thị hóa và sự dịch chuyển dân số từ khu vực nông thôn ra thành thị trong thời gian qua.

Theo ông Chinh, công tác thu gom xử lý rác được tổ chức thường xuyên, liên tục từ trước tới nay. Quy mô, địa bàn thu gom có phát triển so với trước đây nhưng vẫn còn chậm so với nhịp độ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và chưa đáp ứng được nhu cầu. Công tác thu gom CTR mới chỉ được thực hiện trong khu vực nội thị và tại một số chợ, do điều kiện kinh phí tại các huyện còn hạn chế nên việc mở rộng địa bàn thu gom còn gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, vấn để thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các huyện chưa đạt yêu cầu, vẫn còn các bãi rác tự phát dọc hai bên đường, hình thức tự chôn hoặc đốt còn phổ biến ở nhiều khu vực trong tỉnh. Hiện tượng thải rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường, nhất là vào mùa mưa vẫn còn diễn ra.

Hơn nữa, việc phân loại rác tại nguồn hiện nay vẫn chưa được thực hiện do chưa có kết cấu hạ tầng phù hợp, nhất là bãi chôn lấp, trang thiết bị thu gom, vận chuyển và ý thức của người dân. Bến Tre cũng chưa có hệ thống thu hồi, tái chế, tái sử dụng rác thải đô thị. Việc phân loại chủ yếu được thực hiện dưới hình thức thu gom những vật liệu có thể bán được như bọc ni lông, nhôm, sắt, thép, đồ nhựa…

Hiện toàn tỉnh Bến Tre có 10 bãi xử lý CTR đang hoạt động, chủ yếu phục vụ xử lý CTR cho các khu vực đô thị. Có 3 bãi rác được trang bị hệ thống thu gom nước rỉ rác, nhưng chưa triệt để; đó là khu xử lý CTR huyện Mỏ Cày Nam, huyện Giồng Trôm và huyện Ba Tri. Toàn bộ lượng rác thu gom trên địa bàn TP Bến Tre, huyện Châu Thành, một số xã của huyện Giồng Trôm được chuyển về xử lý tại Nhà máy rác Hữu Định.

Đối với một số huyện có hệ thống thu gom và có bãi rác thì rác được vận chuyển tới bãi rác và đổ lộ thiên, đổ dần từ trong ra ngoài, thành nhiều lớp. Mùa nắng rác được đốt, mùa mưa để phân hủy tự nhiên có kết hợp phun chế phẩm EM để hạn chế mùi, ruồi. Đối với CTR sinh hoạt đô thị tại các khu vực vùng ven không được thu gom thì người dân tự xử lý bằng hình thức thải đổ góc vườn, ao, rạch hoặc thiêu đốt.

H2
Bến Tre từng bước đầu tư trang thiết bị, tăng cường năng lực thu gom và nâng cao hiệu quả xử lý rác thải

Những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý

Cũng theo ông Nguyễn Văn Chinh, trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ khuyến khích, ưu đãi các cơ sở áp dụng công nghệ sạch, ít chất thải và cơ sở có nghiên cứu nhằm giảm thiểu chất thải sau khi tiêu dùng hàng hóa đó; xây dựng cơ chế khuyến khích sản xuất và sử dụng các sản phẩm, hàng hóa thân thiện môi trường; xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế kể cả trong nước và ngoài nước tham gia quản lý chất thải; kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn tài trợ đầu tư cho công tác xử lý ô nhiễm môi trường.

Về nguồn lực con người, sẽ tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong BVMT; tăng cường năng lực quản lý tại địa phương, tổ chức các lớp tập huấn, bồi  dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có chế độ chính sách phù hợp đổi với đội ngũ cán bộ làm công tác BVMT, đặc biệt trong quản lý CTR tại địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích mọi nguồn lực trong cộng đồng tham gia BVMT; tổ chức các cuộc họp định kỳ tại các địa phương nhằm phổ biến các quy định, kiến thức về BVMT đến người dân; xây dựng các mô hình BVMT với sự tham gia của người dân như thành lập các tổ, đội BVMT tại xã, ấp. Qua đó, thường xuyên kiểm tra việc BVMT trên địa bàn để kịp thời hướng dẫn, xử lý.

Đồng thời, tranh thủ các điều kiện cần thiết để đầu tư trang thiết bị và nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương nhằm tăng cường năng lực thu gom rác thải; đầu tư nâng cấp các bãi rác hiện hữu, giải quyết các vẫn đề ô nhiễm và xử lý triệt để lượng rác phát sinh.

“Tới đây, ngành TN&MT tỉnh Bến Tre gắn với UBND cấp huyện, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý chất thải trên địa bàn; thực hiện nghiêm việc kiểm tra công tác BVMT các bãi chôn lấp để có biện pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, làm giảm thiểu tác động của ô nhiễm tới môi trường chung và sức khỏe cộng đồng”, ông Chinh chia sẻ.

Theo Báo TN&MT

 
 
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: