Bài học nhãn tiền về quản lý và xử lý rác thải trên thế giới

Đăng ngày: 31-01-2019 | Lượt xem: 1632
Rác thải là vấn đề của mọi quốc gia, tuy nhiên, với chính sách quản lý và biện pháp xử lý đúng có thể tạo ra hiệu quả khai thác từ chính rác thải.

Đưa công nghệ cao vào quản lý rác thải

Ngân hàng Thế giới từng đưa ra cảnh báo, số lượng chất thải rắn mà loài người thải ra, sẽ tăng từ 1,3 tỷ tấn hiện nay lên 2,2 tỷ tấn vào năm 2025, chi phí quản lý chất thải trên toàn cầu tăng từ 205 tỷ USD lên 375 tỷ USD/năm.

Nếu không có chiến lược xử lý và tái chế rác thải rắn ở các thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh và các quốc gia thu nhập thấp, việc xảy ra cuộc khủng hoảng rác là khó tránh khỏi.

Ý thức được các thách thức của tương lai, nhiều quốc gia đã có chính sách thiết thực về quản lý, thu gom và xử lý rác. Họ đưa ra nhiều biện pháp và quy định để khuyến khích người dân chấp hành, tăng tỷ lệ tái chế thông qua phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình, áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại; các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc... Để giảm gánh nặng chi phí cho người dân, chính quyền nhiều nơi cũng tiến hành trợ giá cho các công ty thu gom rác.

quản lý rác thải

Sân bay quốc tế Chubu Centrair, Nhật Bản, được xây trên đảo nhân tạo bồi lấp từ rác. (Ảnh: KT) 

Chất thải rắn bao gồm cả rác thải và bùn từ các nhà máy xử lý nước thải và các loại phế thải khác từ các hoạt động công nghiệp, các chất thải có thể gây ô nhiễm được xử lý theo phương pháp riêng, không phải đem chôn. Tùy loại, rác hữu cơ nhà bếp một phần được sử dụng để trồng nấm thực phẩm; phần lớn hơn được chôn lấp có kiểm soát để thu hồi khí bioga cung cấp cho phát điện, làm phân bón. Hầu hết rác thải có các đặc tính phù hợp được tận dụng làm nguyên liệu, hoặc sử dụng trong ngành xây dựng...

Nhiều nước đã ứng dụng công nghệ cao trong quản lý rác thải - một quy trình khép kín, tự động hóa ở mức cao, từ thu gom cho đến tái chế/tiêu hủy. Thông qua thu thập, phân tích xử lý dữ liệu từ các cảm biến thời gian thực, các dữ liệu này được xử lý bởi các thuật toán thông minh và tối ưu hóa sẽ tạo ra quy trình quản lý chất thải tối ưu, làm trong sạch môi trường và tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, để các hệ thống thu gom rác thải thông minh hoạt động hiệu quả, bên cạnh ứng dụng công nghệ mới nhất, ý thức con người vẫn là quyết định. Sự kết hợp hài hòa giữa ứng dụng công nghệ và chính sách quản lý vào đời sống xã hội làm giảm tối đa các tác nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường do việc xả thải bừa bãi - yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của một thành phố thông minh.

Xử lý hiệu quả

Sử dụng vật liệu tái chế sẽ giúp giảm đáng kể mức độ ô nhiễm so với sử dụng vật liệu mới; việc chôn lấp và đốt rác là các phương pháp không chỉ có tác động rất lớn về môi trường mà còn gây thiệt hại về mặt kinh tế; nước từ rác thải chôn lấp lan ngấm xuống làm ô nhiễm đất và mạch nước ngầm, mà để xử lý triệt để, cần một nguồn ngân sách rất lớn.

Theo một nghiên cứu, hầu hết các túi nilon chỉ được sử dụng một lần duy nhất sau khi sản xuất và 95% giá trị của các túi nilon, tương đương khoảng 80 - 120 tỷ USD đang bị lãng phí mỗi năm. Ước tính, việc tái chế 1 tấn nhựa sẽ giúp tiết kiệm 3,8 thùng dầu thô; hiện tại, tỷ lệ tái chế rác thải hàng năm tại Mỹ là trên 30% (khoảng 90 triệu tấn/năm), nếu tỷ lệ tái chế đạt 75%, sẽ tương đương với việc giảm được lượng khí thải của 55 triệu ôtô đi lại trên đường, đồng thời tạo mới 1,5 triệu việc làm cho nền kinh tế.

Nhà máy đốt rác tại Maishima, Osaka, Nhật Bản. (Ảnh: KT)

Thụy Điển là một trong những quốc gia đi đầu thế giới về tái chế rác thải, đã áp dụng chính sách tái chế thống nhất trên toàn quốc. Rác thải hữu cơ tại các gia đình được làm nhiên liệu đốt cho các nhà máy và sưởi ấm; các loại rác không cháy được, được tách ra để tái chế; các loại rác vô cơ dùng để trải đường, làm mái ngói, gạch lót sàn. Có tới 96% rác được tái chế, chỉ 4% được đem chôn lấp. Tính theo đầu người, trung bình mỗi năm một người Thụy Điển chỉ chôn lấp khoảng 7kg rác, trong khi con số này ở Anh là 260kg.

Nếu vào năm 1975, chỉ có 38% rác thải ở Thụy Điển được tái chế, thì đến nay, đây là quốc gia đầu tiên chạm mốc tái chế, tái sử dụng 99% rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân. Điều đặc biệt là dù đã tái chế 99% lượng rác thải, các nhà máy tái chế ở đây vẫn không đủ nguyên liệu và phải nhập khẩu rác từ nước ngoài. Hàng năm, hơn 30 lò đốt trên lãnh thổ nước này tiêu thụ tới 5,5 triệu tấn rác thải, trong đó 20% (tương đương khoảng 1 triệu tấn), phải nhập khẩu từ Na Uy, Anh hoặc Italy. Thụy Điển hiện đang nhắm tới một nguồn rác giá rẻ khác - rác trên các đại dương.

Ở Đan Mạch, các chính quyền địa phương chịu trách nhiệm thu gom và xử lý chất thải. Tại Horsholm, chỉ có 4% rác thải được đưa tới bãi rác, 1% (gồm hoá chất, sơn và chất thải điện tử) được chuyển tới bãi chôn đặc biệt; 61% chất thải của thành phố được tái chế và 34% được đốt trong nhà máy để thu năng lượng. Các nhà máy này sử dụng các thiết bị sàng lọc mới để loại những chất có thể gây ô nhiễm trước khi đưa rác vào lò đốt. Mức ô nhiễm trong khói của các nhà máy này thấp hơn tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt của châu Âu từ 10 đến 20%.

Từ năm 2001, Chính phủ Singapore đã triển khai chương trình xử lý rác thải nhằm tăng tỷ lệ tái chế thông qua phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình, các chợ, các cơ sở kinh doanh. Tỷ lệ tái chế rác hiện ở mức cao là 60%, Singapore chỉ chôn 2% lượng rác thải rắn và đã xây đảo nhân tạo được bồi lấp từ rác. Nước này cũng dùng phương pháp đốt, nhờ đó giảm được lượng rác đổ vào các bãi chôn đồng thời có thể tạo ra điện năng. Hiện nay, 4 nhà máy đốt 38% rác thải đáp ứng gần 3% nhu cầu điện năng của Singapore.

Ở Nhật Bản - nơi lượng rác thải ước tính khoảng hơn 45 triệu tấn/năm, vấn đề xử lý rác thải và đảm bảo an ninh rác được thực hiện tốt nhờ áp dụng thành công hệ thống phân loại rác ngay từ đầu và áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại. 20,8% tổng lượng rác thải hằng năm được Nhật Bản đưa vào tái chế.

Công nghệ đốt thân thiện với môi trường rất hiệu quả, lượng khí thải độc hại như NO hay SO2 ít hơn rất nhiều, có thể đốt cháy nhanh cả những vật liệu cứng, có giá thành rẻ hơn nhiều loại hình khác. Hai sân bay quốc tế là Chubu Centrair và Kansai đều được xây trên những hòn đảo nhân tạo được bồi lấp từ rác.

Nhờ tái chế rác thải, Đài Loan hiện nay không những có môi trường trong sạch hơn mà còn là một trong những quốc gia thu lợi từ rác thải tái chế lớn nhất trên thế giới. Phối hợp giữa quản lý chất thải và tái chế vật liệu, ngành công nghiệp tái chế mang về cho vùng lãnh thổ này hàng tỷ USD mỗi năm.

Đi cùng với việc nâng cao đời sống kinh tế xã hội và sự phát triển của công nghiệp là cuộc khủng hoảng rác thải toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Rác thải có thể gây ra những gánh nặng khổng lồ lên môi trường cũng như tài chính đối với chính phủ các nước, xuất phát từ đó, các quốc gia đang tìm những biện pháp quản lý và xử lý chúng phù hợp với điều kiện riêng của mình./.

Theo VOV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: