Tiết lộ lý do khiến sao Hỏa không có nước trên bề mặt

Đăng ngày: 22-09-2021 | Lượt xem: 3655
Space dẫn một một nghiên cứu mới cho thấy, sao Hỏa đã phải chịu đựng sự khô cạn do kích thước của hành tinh này.

Nhờ các quan sát từ tàu thám hiểm Perseverance của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), các nhà khoa học biết rằng trong quá khứ cổ đại, nước chảy khắp bề mặt sao Hỏa. Hành tinh Đỏ từng có hồ, sông, suối và thậm chí có thể có một đại dương khổng lồ bao phủ bán cầu Bắc.

Ảnh minh họa về sao Hỏa với bề mặt có nước giống Trái Đất. Ảnh: NASA

Tuy nhiên, lượng nước trên bề mặt của sao Hỏa đã biến mất khá nhiều vào khoảng 3,5 tỷ năm trước. Các nhà khoa học tin rằng sự thay đổi khí hậu đáng kinh ngạc này xảy ra sau khi Hành tinh Đỏ bị mất từ trường, vốn đã bảo vệ không khí trên sao Hỏa trước các hạt tích điện từ Mặt Trời.

Nhưng theo nghiên cứu mới, nguyên nhân nước trên sao Hỏa biến mất là do hành tinh này quá nhỏ để có thể giữ nước trên bề mặt trong một thời gian dài.

“Số phận của sao Hỏa đã được quyết định ngay từ đầu. Có thể có một ngưỡng yêu cầu về kích thước của các hành tinh đất đá để giữ đủ nước cho việc sinh sống và kiến tạo mảng. Các nhà khoa học cho rằng ngưỡng đó lớn hơn sao Hỏa”, Kun Wang, phó giáo sư về Trái đất và khoa học hành tinh tại Đại học Washington, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.

Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra 20 thiên thạch sao Hỏa đại diện cho thành phần lớn của Hành tinh Đỏ. Các nhà khoa học đã sử dụng Kali (K) làm chất đánh dấu các nguyên tố và hợp chất “dễ bay hơi” hơn như nước. Họ phát hiện ra rằng, sao Hỏa mất nhiều chất bay hơi hơn đáng kể trong quá trình hình thành so với Trái đất, hành tinh có khối lượng lớn hơn sao Hỏa khoảng 9 lần. Tuy nhiên, sao Hỏa giữ các chất bay hơi tốt hơn so với Mặt Trăng và tiểu hành tinh Vesta rộng 530km, cả hai đều nhỏ hơn và khô hơn nhiều so với Hành tinh Đỏ.

“Lý do khiến lượng nguyên tố dễ bay hơi và hợp chất của chúng trong một số các hành tinh thấp hơn vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời”, đồng tác giả nghiên cứu, Katharina Lodders, giáo sư nghiên cứu về Trái đất và khoa học hành tinh tại Đại học Washington, cho biết.

“Nghiên cứu này nhấn mạnh rằng, có một phạm vi kích thước hạn chế cho các hành tinh chỉ có đủ nhưng không quá nhiều nước để phát triển môi trường bề mặt có thể sinh sống được. Những nghiên cứu như vậy sẽ giúp các nhà thiên văn học trong việc tìm kiếm các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời có thể sinh sống được”, Klaus Mezger tại Trung tâm Không gian và Môi trường sống tại Đại học Bern (Thụy Sĩ) nói./.

Theo VOV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: