Nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL

Đăng ngày: 18-07-2019 | Lượt xem: 1096
Vụ Quản lý dự báo khí tượng thủy văn tham luận cho Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL

Từ năm 2010 đến nay, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ của Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) tập trung theo 02 định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường là:

(1) Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm và phục vụ về KTTV ở các địa phương giai đoạn 2010-2015”, mã số: TNMT.05/10-15, với mục tiêu chính bao gồm:

- Nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo KTTV, đặc biệt là các hiện tượng KTTV nguy hiểm (bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, nắng nóng, rét hại kéo dài, triều cường, sóng, nước dâng).

- Phát triển công nghệ dự báo thời tiết hạn cực ngắn.

- Nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ về KTTV cho phòng tránh thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

(2) Chương trình “Khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo khí tượng, thủy văn, hải văn và phục vụ quản lý nhà nước về khí tượng, thủy văn và biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020”, mã số TNMT.05/16-20, với các mục tiêu chính bao gồm:

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo Khí tượng Thủy văn và Hải văn (KTTV-HV); Phát triển công nghệ dự báo thời tiết cực ngắn; Nâng cao giá trị và khả năng phục vụ của thông tin KTTV-HV và Biến đổi khí hậu (BĐKH) phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế xã hội;

- Hoàn thiện hệ thống quan trắc KTTV-HV, giám sát Biến đổi khí hậu; tăng cường khả năng xử lý, đồng hóa số liệu quan trắc KTTV-HV;

- Cung cấp căn cứ khoa học hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước về KTTV, BĐKH.

Trên cơ sở đó, Tổng cục KTTV đã trình và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt thực hiện 64 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp bộ (41 đề tài đã nghiệm thu), trong đó có 51 đề tài nội dung nghiên cứu phục vụ về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, hải văn; 07 đề tài nghiên cứu phục vụ mạng lưới quan trắc điều tra cơ bản, 06 đề tài nghiên cứu phục vụ thông tin dữ liệu KTTV và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực KTTV. Nhìn chung, các nhiệm vụ đã được phê duyệt bám sát theo chức năng và phục vụ hoạt động nghiệp vụ về KTTV. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, đến nay Tổng cục KTTV mới chỉ được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và cho triển khai thực hiện 01 đề tài cấp bộ và 01 đề tài cấp cơ sở có liên quan đến lũ lụt, xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể như sau:

1) Đề tài cấp bộ: “Nghiên cứu xây dựng hệ thống nghiệp vụ dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long”

- Thời gian thực hiện: 2016-2018;

- Tổng kinh phí: 1767 triệu đồng;

- Đơn vị chủ trì: Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ;

- Chủ nhiệm đề tài: CN. Đặng Văn Dũng.

2) Đề tài cấp cơ sở: “Nghiên cứu ứng dụng bộ mô hình FEWS xây dựng chương trình dự báo lũ các trạm hạ lưu sông Mê Kông”

- Thời gian thực hiện: 2017;

- Tổng kinh phí: 140 triệu đồng;

- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia;

- Chủ nhiệm đề tài: CN. Nguyễn Thị Tuyết Nhung.

Ngoài ra, Tổng cục KTTV chưa được thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ có liên quan đến phục vụ Quản lý tài nguyên nước, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tin: Thành Công - Vụ KHQT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: