Diễn biến hiện tượng ENSO và khí tượng thủy văn từ tháng 02 đến nửa đầu tháng 3/2020.

Đăng ngày: 15-03-2020 | Lượt xem: 742

Khí tượng

Hiện tượng ENSO

Hiện tại, ENSO đang ở trạng thái trung tính với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO 3.4 ở mức +0,5oC trong tuần đầu tháng 3/2020, tăng 0,3oC so với tuần đầu tháng 02/2020.

 Mưa lớn diện rộng

Tổng lượng mưa trong tháng 02/2020 trên cả nước thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN), riêng tại khu vực Đông Bắc Bắc Bộ cao hơn từ 20-40mm so với TBNN cùng thời kì.

Từ tháng 02 đến nửa đầu tháng 3/2020, đáng chú ý nhất là đợt mưa rào và dông trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ đêm 02 đến ngày 05/3, đặc biệt đã xuất hiện mưa đá tại khu vực Lào Cai, Yên Bái và Tuyên Quang. Tổng lượng mưa cả đợt từ 02-05/3 phổ biến từ 40-70mm, có nơi lớn hơn 100mm (như ở Hà Giang 148mm, Hoàng Su Phì 139mm; ở Cao Bằng (Nguyên Bình 113mm, Trung Khánh 105mm); và ở Hà Nội (Sơn Tây 126mm, Láng 159mm, Hà Đông 122mm).

Nhiệt độ, không khí lạnh và nắng nóng

Không khí lạnh:

Trong tháng 02/2020 xảy ra 03 đợt không khí lạnh ảnh hưởng tới nước ta, đó là vào các ngày: 03/02, 07/02 và đợt ngày 15/02. Trong đó đợt không khí lạnh vào ngày 03 và ngày 07/02 đã gây ra rét đậm diện rộng ở Bắc Bộ vào các ngày 04-05, và ngày 09/02, vùng núi cao xuất hiện rét hại.

Trong nửa đầu tháng 3/2020 đã xuất hiện 02 đợt gió mùa Đông Bắc ảnh hưởng đến Miền Bắc nước ta , đó là vào các ngày: 03/3 và đêm ngày 09/3, tuy nhiên cả 02 đợt này không khí lạnh đều có cường độ yếu và lệch Đông nên không ảnh hưởng nhiều đến thời tiết các tỉnh Bắc Bộ.

Nắng nóng:

Từ ngày 08/3, vùng thấp nóng phía Tây phát triển và mở rộng nên ở khu vực Sơn La và các tỉnh từ Nghệ An - Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng với mức nhiệt từ 35-37 độ. Sang ngày 09/3, nắng nóng mở rộng dần ra khu vực vùng núi và một số nơi ở trung du; trong khi đó, ở miền Trung nắng nóng diện rộng từ Thanh Hóa trở vào cho đến Quảng Ngãi với nhiệt độ cao nhất đạt từ 35-37 độ, một số nơi trên 38 độ như ở Mường La (Sơn La) 38,4 độ, Tương Dương (Thanh Hóa) 38,4 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 38,9 độ, Nam Đông (Huế) 38,1 độ.

Nhiệt độ trung bình:

Nhiệt độ trung bình tháng 02/2020 trên cả nước phổ biến cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ; riêng khu vực phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cao hơn từ từ 1,5-2,0oC, có nơi cao hơn.

Trong nửa đầu tháng 3/2020, nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 1,0-2,0oC, riêng khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ cao hơn từ 2,0-2,5 độ so với TBNN cùng thời kì, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn 0,5-1,5oC.

Thủy văn

Khu vực Bắc Bộ

Trong tháng 2/2020, các hồ thủy điện lớn khu vực Bắc Bộ đã tăng cường cấp nước Đợt 2 và Đợt 3 phục vụ Đổ ải vụ Đông Xuân năm 2019-2020. Tổng lượng nước các hồ chứa cấp nước trong 2 đợt đổ ải khoảng 1,57 tỷ m3. Mực nước trung bình trạm thủy văn Hà Nội trong thời kỳ Đổ ải đạt từ 1,40-2,0 m, cao nhất 2,10m (ngày 08/02).

Nguồn nước trên các sông ở khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 20-50% so với TBNN, riêng hạ lưu sông Lô và sông Thao thiếu hụt từ 50-90%; riêng khu vực thượng lưu sông Gâm lớn hơn TBNN từ 10-30%.

Mực nước thấp nhất trong chuỗi quan trắc cùng kỳ liên tiếp xuất hiện tại Hà Nội (sông Hồng) và Phả Lại (sông Thái Bình), đặc biệt tại Tuyên Quang, Vụ Quang (hạ lưu sông Lô) xuất hiện mực nước thấp nhất lịch sử.

Tình hình hồ chứa: Đến thời điểm hiện nay, tổng dung tích các hồ chứa lớn trên sông Hồng nhỏ hơn cùng kỳ so với năm 2019 khoảng 5,2 tỉ m3, trong đó tổng dung tích 3 hồ chứa lớn (Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà) nhỏ hơn khoảng 1,25 tỉ m3.

Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên

Từ tháng 01 đến tháng 3/2020, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình xuất hiện 2-3 đợt dao động nhỏ; mực nước trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có xu thế xuống dần. Trên một số sông đã xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ. Tổng lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 15-65%, một số sông thấp hơn 75%.

Tình hình hồ chứa 10 ngày đầu tháng 3/2020:

Dung tích phần lớn các hồ chứa thuỷ lợi vừa và lớn ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đạt từ 50-90% dung tích thiết kế (DTTK). Dung tích các hồ chứa thuỷ điện phổ biến chiếm 40-85% dung tích hồ chứa (DTHC), một số hồ có DTHC ở mức thấp hơn 40% như Cửa Đạt (Thanh Hóa), Trà Xom (Bình Định), KaNak (Gia Lai), Đại Ninh (Lâm Đồng).

Khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên

Mực nước tại các trạm thượng lưu sông Mê Công biến đổi chậm và ở mức thấp hơn TBNN từ 0,2-1,2m. Trong 10 ngày đầu tháng 3/2020, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công (trạm Kratie-Campuchia) về đầu nguồn sông Cửu Long ở mức ở mức thấp hơn TBNN và cùng kỳ năm 2016 từ 10-12%.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều, ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ 0,2-0,3m và ở mức tương đương cùng kỳ năm 2016. Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tăng cao trong các thời kỳ từ ngày 06-13/01/2020, từ 22-28/01/2020, từ 08-15/02/2020, từ 08-14/3/2020 và xâm nhập sâu vào các cửa sông ở đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể sông Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên độ mặn 4g/l đã xâm nhập vào sâu hơn năm 2016 từ 3-7km; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn ở mức thấp hơn từ 4-12km, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của các tỉnh ĐBSCL.

Hải văn

Trong giai đoạn từ tháng 02 đến nửa đầu tháng 3/ 2020, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ Trung Bộ, Đông Nam Bộ có sóng cao 1,5-2,5m và vùng biển ngoài khơi khu vực giữa và Nam Biển Đông sóng cao 2,0-3,0m. Ngoài ra, trong giai đoạn này tại ven biển Nam Bộ xuất hiện một số đợt triều cường, tuy nhiên triều cường ở mức thấp.

Vụ kHQT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: