Công nghệ mới trong dự báo lũ: Xu hướng và khả năng ứng dụng cho Việt Nam

Đăng ngày: 07-04-2022 | Lượt xem: 3414
Chiều ngày 6/4/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Công nghệ mới trong dự báo lũ: Xu hướng và khả năng ứng dụng cho Việt Nam”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Đặng Thanh Mai tham dự và chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Tổng cục Phòng, chống thiên tai; đại diện các bộ, ban, ngành; các Viện nghiên cứu và các trường Đại học; Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Công ty về Thủy điện Việt Nam; các đối tác phát triển quốc tế; các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật về dự báo lũ; Các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV tại 9 Đài khu vực và các Đài tỉnh với gần 200 điểm cầu trực tuyến.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Đặng Thanh Mai phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Đặng Thanh Mai nhấn mạnh: Dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các thiên tai ngày càng trở lên khó lường, bất thường và gây nhiều tác động nặng nề. Như trận mưa lũ lịch sử năm 2020, cùng với sạt lở đất trên diện rộng tại khu vực Miền Trung gây thiệt hại về kinh tế lên đến 36.000 tỷ đồng. Hay trong những ngày gần đây nhất là đợt mưa lũ dị thường trái mùa từ 31/3-2/4 đã gây ngập lụt hàng nghìn ngôi nhà,  hoa màu, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất kinh tế của nhân dân.

Đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Trong những năm qua, được sự quan tâm và đầu tư của Đảng, Nhà nước cũng như sự chia sẻ phối hợp của các tổ chức trong nước và quốc tế mà hệ thống hạ tầng quan trắc thủy văn đã được quan tâm đầu tư và trang bị với hơn 2000 điểm đo mưa tự động, 359 trạm thủy văn, mạng lưới radar thời tiết hiện đại phủ rộng khắp Việt Nam cùng với hệ thống siêu máy tính CrayXC40 đã và đang là công cụ hỗ trợ đắc lực để cải thiện và nâng cao chất lượng dự báo mưa, lũ, ngập lụt cho Việt Nam.

Thiên tai, lũ lụt xảy ngày càng diễn biến phức tạp cũng như đứng trước những yêu cầu ngày càng cao của xã hội và người dân về thông tin dự báo lũ, ngập lụt. Ngành KTTV tiếp tục phải có những nỗ lực và thay đổi vợt bậc để đảm bảo đáp ứng công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai gây ra cũng như yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại đặc biệt công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 luôn được Tổng cục KTTV xác định là một trong những nhiệm vụ nòng cốt, xương sống để phát triển công tác dự báo KTTV nói chung và cảnh báo, dự báo thủy văn nói riêng.

Bà mong muốn thông qua Hội thảo này là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý cùng nhau trao đổi, thảo luận để đưa các công nghệ hiện đại, các công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, có tính thực tiễn cao, áp dụng cho Việt Nam nhằm nâng cao công tác dự báo, cảnh báo sớm hạn chế tối đa những thiệt hại do mưa, lũ, ngập lụt gây ra. Với tiêu chí mỗi thông tin cảnh báo thiên tai của ngành Khí tượng thủy văn góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, Bà nhấn mạnh.

Các đại biểu trình bày báo cáo tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các báo cáo đó là: Hiện trạng và thách thức đối với công tác dự báo lũ ở Việt Nam của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia; Báo cáo Vận hành hồ chứa để kiểm soát lũ lụt ở các sông xuyên biên giới - ví dụ từ Hoa Kỳ, Canada và Nam Mỹ của chuyên gia Jan Talsma và báo cáo Các kỹ thuật hiện đại trong dự báo lũ bằng cách sử dụng đồng nhất dữ liệu radar, vệ tinh và mặt đất - ví dụ từ Vương quốc Anh, Hà Lan, Úc và sông Mekong của chuyên gia Simone Van Schijndel.

Toàn cảnh Hội thảo

Tạp chí KTTV

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: