Việt Nam nằm ở tâm dông của Châu Á

Đăng ngày: 02-04-2021 | Lượt xem: 10400
Nước ta nằm ở tâm dông của Châu Á, một trong ba tâm dông có hoạt động dông, sét mạnh. Trong khi đó những kiến thức và đầu tư về hệ thống phòng chống dông sét trong dân cư còn khá là yếu và lạc hậu. Hiện nay, đang vào mùa mưa dông ở Việt Nam. Vì vậy, bất cứ ai cũng có thể gặp phải dông sét, tuy nhiên đa phần người dân chưa biết cách nhận biết và phòng tránh.

Hiểu đúng về dông sét

Có lẽ không có hiện tượng nào dữ dội và hùng vĩ hơn là một cơn dông? Khi những tia chớp, sét chạy ngoằn ngoèo kèm theo tiếng sấm rền vang liên hồi, gió thổi dữ dội và mưa như trút nước gây cho ta một ấn tượng đặc biệt sâu sắc. Dông là hiện tượng phóng điện trong khí quyển dưới dạng tia chớp kèm theo tiếng sấm.
Mỗi khi có những rạch sáng lòe xé trời đêm kèm theo những tiếng nổ rền vang con người lại cảm thấy sợ hãi và bất lực trước ông Trời. Khoa học đã chỉ ra rằng chớp là hiện tượng phóng điện do quá trình tích các điện tích trái dấu ở các phần khác nhau của một đám mây hoặc giữa các đám mây khác nhau. Còn sét là hiện tượng phóng điện từ đám mây xuống mặt đất. Khi phóng điện, cường độ dòng điện của tia chớp, sét lên đến 300.000 ampe, điện thế 126 triệu vôn nên không khí nơi luồng điện này đi qua bị đốt nóng cực nhanh đến trên 15.000oC khiến chúng giãn nở đột ngột gây ra tiếng nổ, đó là sấm.

Trên Trái đất, mỗi năm có khoảng 45.000 cơn dông, và mỗi giây có tới 100 tia chớp
Nguyên nhân sinh ra sấm sét là do có những luồng không khí bốc lên và đi xuống bị đốt nóng không đều. Hơi nước nóng bốc lên, ngưng tụ và đóng băng giải phóng năng lượng dưới dạng nhiệt. Năng lượng này làm cho không khí bốc lên nhanh hơn và các giọt nước trong đó bị cọ xát rất mạnh vào các tinh thể băng từ trên rơi xuống sinh ra tĩnh điện. Những dòng không khí đi lên mạnh mẽ và không đều làm cho các hạt nước ở phần bên dưới của đám mây bị tán nhỏ và vỡ vụn. Những phần nhỏ bên ngoài của hạt nước bị tách ra mang điện âm, nhân còn lại lớn hơn mang điện dương. Các hạt nước lớn mang điện dương tập trung ở phần trước còn các điện âm tập trung ở những hạt nước nhỏ được dòng không khí cuốn tới các phần khác của đám mây. Sự tích điện trái dấu của các phần của một đám mây hoặc giữa các đám mây gây ra hiện tượng phóng điện mà ta thường gọi là chớp. Mặt đất giống như một đám mây khổng lồ mang điện âm nên thường xảy ra hiện tượng phóng điện từ các đám mây dông xuống những nơi nhô cao hơn của mặt đất, tạo thành sét.

Trên Trái đất, mỗi năm có khoảng 45.000 cơn dông, và mỗi giây có tới 100 tia chớp. Chớp có thể xuất hiện giữa các đám mây cách nhau 16km và sét có thể đánh xuống đất từ khoảng cách 3km. Tốc độ truyền của dòng êlêctrôn trong tia chớp, sét lên đến 100.000 km/s. Lõi của tia chớp, sét khá nhỏ, đường kính chỉ vào khoảng 12mm; xung quanh lõi là lớp không khí phát quang do phóng điện (gọi là lớp bao vỏ điện hoa) có đường kính khoảng 6cm.

Dông trong khí tượng được hiểu là hiện tượng khí tượng phức hợp gồm chớp và kèm theo sấm do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra. Nó cũng thường kèm theo gió mạnh, mưa rào, sấm sét dữ dội, thậm chí cả mưa đá, vòi rồng (ở vùng vĩ độ cao có khi còn có cả tuyết rơi).

Dông ở nước ta có thể xảy ra quanh năm, Dông thường sinh ra trong thời tiết nóng ẩm nên về mùa hè ở nước ta dông xảy ra thường xuyên hơn, thường vào buổi chiều hay chiều tối và được gọi là dông nhiệt. Đặc biệt trên các vùng núi hay sông hồ trong những tháng nóng ẩm, dông có thể xuất hiện nhiều và bất thường, lại hay kèm theo gió mạnh nên rất nguy hiểm cho tính mạng con người.

Cách phòng chống khi gặp dông sét

Dông được xếp vào thời tiết nguy hiểm vì hàng năm có nước sét đánh chết hàng nghìn người, gây ra hàng trăm vụ cháy rừng, cháy nhà, làm hư hỏng nhiều thiết bị máy móc, nhất là các thiết bị điện tử.

Theo các nhà khoa học, thường thì cơn giông kéo đến rất nhanh trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40km một giờ. Nói chung khi đang ở nơi không an toàn thì cần phải để ý đến các dấu hiệu của giông như mây đen, không khí lạnh, gió.
Có thể ước tính được khoảng cách từ nơi đang đứng tới nơi sét xảy ra bằng cách ước lượng khoảng thời gian từ lúc tia chớp lóe lên và lúc nghe thấy tiếng sấm. Chia số giây cho 3 sẽ được khoảng cách đến tia sét. Ví dụ đếm được 3 giây thì sét cách vị trí đứng là 3/3= 1km.

Ngoài ra còn có phương pháp xác định vị trí của sét đó là cảm nhận cơ thể khi đang ở khu vực giông, mưa. Nếu thấy lông tay, tóc, dựng thì chúng ta đang có nguy cơ bị sét đánh, trong trường hợp này phải lập tức chụm hai chân lại, dùng tay bịt tai, cúi thấp người (nhưng không để cơ thể chạm đất ngoài hai bàn chân). Sau khi nghe tiếng sét khoảng 7-10 phút thì cơn sét đã qua có thể trở về trạng thái bình thường.
Dông sét thường xảy ra từ tháng 4 đến hết tháng 10 hàng năm. Khi sét đánh xuống, dòng điện có thể lên tới hàng trăm kAmper. Nguy hiểm nhất là bị sét đánh trực tiếp sẽ gây chết người. Sét có thể đánh vào người đứng gần hay tiếp xúc với vật bị sét đánh.

Khi đang ở nơi không an toàn, người dân cần phải để ý đến các dấu hiệu của dông như mây đen, không khí lạnh, gió. Nếu xảy ra hiện tượng sét, sẽ thấy tia chớp lóe lên ở một điểm nào đó trên bầu trời, sau đó là tiếng sấm kèm theo. Nếu khoảng thời gian giữa lúc có chớp đến lúc nghe thấy sấm càng ngắn, sét sẽ xuất hiện ở vị trí càng gần, tức là mức độ nguy hiểm tăng. Khi đó cần nhanh chóng tìm cách tránh sét.
Nếu bạn đang ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước. Với những người đang ở ngoài trời cần đặc biệt lưu ý tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, không nên ở gần những nơi ẩm ướt và có nước, tìm chỗ thật khô ráo, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt, cuốc, liềm, xe đạp, xe máy...
Người dân cũng cần lưu ý tránh xa các đường dây điện. Tuyệt đối không dùng điện thoại khi dông tố ập tới, phòng chập điện, sét đánh. Sau khi nghe tiếng sét 30 phút, có thể trở lại làm việc bình thường.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: