Sai số trong dự báo bão gia tăng vì tính dị thường?

Đăng ngày: 12-11-2019 | Lượt xem: 2714
Dự báo khí tượng luôn là bài toán hóc búa trong khoa học, song với sự “bất an” từ thông tin về hai cơn bão liên tiếp số 5 và số 6 vừa qua của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, không ít người đã lật lại những dự báo thiếu tin cậy trong 20 năm qua, đặc biệt là đối với thiên tai bão.

Xung quanh vấn đề này, chia sẻ với  báo Kinh tế &Đô thị, TS.Hoàng Phúc Lâm – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, với các cơn bão đầu mùa hay cuối mùa sẽ khó dự báo hơn do khi đó quỹ đạo và cường độ bão bị chi phối bởi nhiều yếu tố.

Thưa ông, những cơn bão vào Việt Nam chủ yếu do nước khác đặt tên. Có ý kiến cho rằng, phải chăng do Việt Nam ít phát hiện được bão nên việc đặt tên bị “mất lượt”?

-Mỗi đại dương lớn trên thế giới sẽ có các danh sách tên bão cho riêng mình. Ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương (gồm 14 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản…) mỗi nước sẽ được đăng ký 10 cái tên (như vậy có tổng cộng 140 tên bão) và tên gọi sẽ được xoay vòng trong 5 danh sách. Sau đó sẽ được Trung tâm Bão nhiệt đới Tokyo thuộc cơ quan khí tượng Nhật Bản ( đơn vị được Tổ chức khí tượng thế giới ủy quyền) đặt tên.

Việc đặt tên cơn bão sẽ được thực hiện thứ tự, lần lượt theo tên nước, đầu tiên là Campuchia (vần C, rồi đến Trung Quốc (China – vần C) và cuối cùng là Việt Nam, chứ không phải Trung tâm dự báo của nước nào phát hiện ra cơn bão thì sẽ đặt tên cho cơn bão đó.  Có những cơn bão mang tên do Việt Nam đặt nhưng không ảnh hưởng tới nước ta.  Gần đây nhất tên bão của Việt Nam được dùng để đặt là siêu bão Ha Long (cơn bão thứ 23 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương năm 2019, hình thành ngay trước cơn bão Nakri – cơn bão số 6, là một tên bão của Campuchia). Trước đó, đầu tháng 8/2019, tên bão Lekima của Việt Nam cũng đã được dùng để đặt cho cơn bão đổ vào phía đông Trung Quốc. 

Về cơn bão  số 6 vừa qua,  với sự chuẩn bị tổng lực chống bão của các địa phương thông qua  bản tin dự báo nhưng cơn bão lại suy yếu khi vào gần bờ và chuyển thành áp thấp nhiệt đới, khiến dư luận không khỏi hoài nghi  là có việc “nghiêm trọng hóa” bản tin dự báo để tránh sai số. Ý kiến của ông về dư luận này?
- Về vấn đề sai số trong dự báo bão thì dự báo cường độ bão có sai số khoảng 1-2 cấp trong 24 giờ, còn xa hơn thì sai số lớn hơn, có thể 2-3 cấp. Sai số vị trí dự báo hiện của Việt Nam tương đương với Hồng Kông.
Đối với dự báo bão, khi bão đang ở giữa đại dương thì các phân tích và dự báo của các Quốc gia là khá tương đồng vì việc xác định vị trí, cường độ bão đều dựa vào vệ tinh và việc dự báo đa số đều dựa vào mô hình số. Các số liệu đo trực tiếp khi bão trên biển là không có. Bão vào gần nước nào thì dự báo của nước đó độ chính xác cao nhất vì có thêm các quan trắc riêng của nước đó như radar, quan trắc trực tiếp tại các trạm đo. Trong số các cơn bão của cả mùa bão thì các cơn bão đầu mùa hay cuối mùa thì thường sẽ khó dự báo hơn vì khi đó quỹ đạo và cường độ bão bị chi phối bởi nhiều yếu tố, các cơn đổi hướng di chuyển hoặc thay đổi cường độ đột ngột sẽ gây ra sai số lớn hơn.
Bão số 6 ngay từ đầu đã được nhận định là cơn bão phức tạp, chịu tương tác của nhiều yếu tố, trong đó có không khí lạnh và 3 cơn bão khác trên dải hội tụ nhiệt đới cùng hoạt động trong một thời điểm. Các dự báo của Tổng cục khí tượng thủy văn khá sát với diễn biến của bão số 6, cụ thể về quỹ đạo bão số 6 có giai đoạn hướng về phía Philippine, rồi quay lại, đạt cường độ mạnh nhất trên khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa và suy yếu trước khi đổ bộ. Bão số 6 đã đạt tới cấp bão rất mạnh (cấp 12) và là cơn bão mạnh nhất trong năm 2019 tính đến thời điểm hiện tại và đã gây ra gió mạnh và sóng rất lớn trên các vùng biển nước ta.
Ngoài ra, các đánh giá về về cường độ của bão số 6 của Việt Nam cũng sát thực tế hơn so với các Trung tâm Dự báo bão trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc nhờ vào các số liệu quan trắc trực tiếp từ radar và các trạm quan trắc ven bờ.
Xét về đặc điểm địa lý và khí hậu, khu vực phía Nam nước ta có ít bão hơn so với khu vực phía Bắc. Bão cuối mùa thường vào khu vực phía Nam nơi cơ sở vật chất không kiên cố như phía Bắc, kinh nghiệm phòng chống bão của người dân và địa phương phía Nam cũng không nhiều như phía Bắc, do đó mức độ rủi ro gây ra do gió mạnh, mưa lớn trong bão tăng cao hơn. Luật và các văn bản pháp luật của Chính phủ cũng quy định: Cùng cấp độ bão nhưng cấp độ rủi ro cho phía Nam sẽ cao hơn ở phía Bắc. Việc phòng chống thiên tai là để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, góp phần ổn định phát triển kinh tế.
Ông có thể cho biết, công tác dự báo của Việt Nam hiện nay so với cách đây 20 năm ?
- 20 năm trước đây điều kiện trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ và công cụ hỗ trợ dự báo của nước ta còn rất lạc hậu. Để dự báo khí tượng, dự báo viên chỉ trông chờ vào thông tin quan trắc thực tế của mạng lưới trạm, tính toán số liệu kết hợp với kinh nghiệm dự báo để đưa ra thông tin dự báo khí tượng. Việc dự báo định lượng mưa chưa thể thực hiện được. Còn đối với dự báo lũ, người dự báo viên chỉ có thể dùng quan hệ lượng mưa tính ra đỉnh lũ kết hợp với kinh nghiệm để dự báo mực nước lũ cho các lưu vực sông, do vậy sai số có thể rất lớn.
Hiện nay, công tác dự báo của Việt Nam đã phát triển hơn rất nhiều, mạng lưới quan trắc quốc gia có gần 200 trạm khí tượng bề mặt, trên 350 trạm thủy văn, 27 trạm khí tượng hải văn, 5 trạm vô tuyến thám không, 10 trạm rađa thời tiết và gần 1300 điểm đo mưa tự động phát triển từ hệ thống đo mưa nhân dân. Đặc biệt, KTTV Việt Nam đã được Tổ chức Khí tượng Thế giới công nhận là Trung tâm Dự báo ở khu vực Đông Nam Á về thời tiết nguy hiểm và về lũ quét.
Cảnh báo bão, độ chính xác trong bản tin dự báo bão (vị trí và cường độ bão) của Việt Nam đã dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Ngày nay mưa lớn sạt lở đất đã được nghiên cứu áp dụng thử nghiệm trên ô lưới 5x5km để ra được bản tin định lượng mưa và bản đồ cảnh báo mưa, lũ quét, sạt lở đất. Bản tin dự báo mưa được thực hiện trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75% - điều mà cách đây 20 năm chưa thực hiện được.
Khi công nghệ dự báo KTTV  hiện đại, trải rộng thì  độ chính xác, tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai cũng được nâng cao hơn, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Dù vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận hiện vẫn còn tồn tại những dự báo thiếu tin cậy.
Vậy để khắc phục tình trạng dự báo sai thì phải làm thế nào, thưa ông?
-Việc sai số trong dự báo bị chi phối bởi  nhiều yếu tố, chủ yếu là tính bất ổn định của các hiện tượng tự nhiên, công nghệ dự báo, năng lực dự báo và tác động của biến đổi khí hậu đến tính trái quy luật của các cơn bão. Nhận diện được nguyên nhân gây sai số như trên, Cơ quan dự báo KTTV đang nhanh chóng hiện đại hóa công nghệ quan trắc, dự báo và đào tạo cán bộ.
Tuy nhiên, hiện nay sai số trong dự báo bão được nhận định đang có chiều hướng gia tăng vì một số cơn bão không đi theo quy luật phổ biến mà dị thường nên rất khó dự báo. Điều này do biến đổi khí hậu gây nên – mà nguyên nhân chính là do con người gây nên. Đó là sự phát triển nóng của nền kinh tế đã gây tác động xấu đến thiên nhiên; nguy cơ mất an toàn hồ chứa thủy điện, thủy lợi; phá rừng,… Bởi thế, nếu chúng ta không cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống thì công tác dự báo, đặc biệt là dự báo bão sẽ còn gặp nhiều khó khăn, không chỉ ở Việt Nam và trên toàn thế giới. 
Xin cảm ơn ông!
Theo kinhtedothi.vn
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: