Ngành KTTV tập trung nguồn lực phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hoá, tự động hoá

Đăng ngày: 04-06-2020 | Lượt xem: 6722
Với phương châm “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, trong 5 năm qua, phong trào thi đua của Tổng cục KTTV đã thu được nhiều thành tích đáng khích lệ, đóng góp vào phong trào thi đua của toàn Ngành. Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã phỏng vấn GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn (Bộ TN&MT) xung quanh chủ đề này.

GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn. Ảnh: Hoàng Minh

Phóng viên: Xin ông cho biết, những kết quả nổi bật của phong trào thi đua yêu nước ngành KTTV giai đoạn 2015-2020?

GS.TS Trần Hồng Thái: Trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước trở thành nhiệm vụ chính trị của ngành khí tượng thuỷ văn (KTTV). Những nỗ lực của ngành KTTV đã được thể hiện qua những thành tích cụ thể, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên phạm vi cả nước, được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền ở Trung ương và địa phương và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Trước hết phải kể đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như Luật KTTV được ban hành, ngay sau đó là Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật KTTV; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Thông tư của Bộ trưởng Bộ TNMT hướng dẫn thi hành Luật KTTV và quy định kỹ thuật về lĩnh vực KTTV, trong hệ thống các đơn vị trực thuộc.

Sau 5 năm thực hiện Luật, chúng tôi đã hoàn thiện và tiếp tục đánh giá, đề xuất sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế. Vừa rồi Chính phủ đã ban hành Nghị định 48 về sửa đổi một số điều của Nghị định 38. Qua đó, công tác hoạt động trong lĩnh vực KTTV từ trung ương đến địa phương, từ các tổ chức nhà nước đến cá nhân, trách nhiệm đã được quy định rất cụ thể; khuôn khổ hành lang pháp lý từ công tác quan trắc, thông tin dữ liệu, công tác dự báo và công tác truyền tin được quy định một cách thống nhất, đồng bộ và rõ ràng. Đây là một thành tựu rất lớn, định hướng quan trọng để ngành KTTV phát triển.

Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy của ngành cũng đã có sự thay đổi với việc hình thành Tổng cục, đồng thời với việc kiện toàn các đơn vị thuộc Tổng cục và các tổ chức chính trị - xã hội đi kèm như Hội Khí tượng thủy văn với sự hình thành các Trung tâm, Viện nghiên cứu thuộc Hội. Như vậy, bộ máy của ngành ngày càng được hoàn thiện.

Trong những năm qua, chất lượng dự báo đối với các loại hình thiên tai KTTV ngày càng được nâng cao và đảm bảo tính kịp thời, tin cậy. Những thành tích đó là sự thể hiện rõ nét nhất cho phong trào thi đua trong toàn ngành KTTV.

Phóng viên: Kế thừa những kết quả đó, ngành KTTV có kế hoạch như thế nào trong phong trào thi đua yêu nước ở 5 năm tiếp theo, thưa ông?

GS.TS Trần Hồng Thái: Trong 5 năm tới, Đảng ủy, Lãnh đạo Tổng cục đã phân tích sâu, kỹ và nhận định xu thế, vai trò của ngành. Từ đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy sâu rộng phong trào yêu nước của những năm vừa qua. Đồng thời, kịp thời sơ kết, tổng kết để nhìn ra những thuận lợi, khó khăn để phát huy những thế mạnh và giảm đi những tồn đọng, làm sao tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Chúng tôi cũng nhận thấy vai trò của ngành KTTV đang ngày một được nâng lên và bản thân cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã nhận thức rõ trách nhiệm của ngành đối với xã hội ngày càng cao. Thi đua yêu nước phải luôn gắn liền với việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu thực hiện tốt theo tư tưởng của Bác.

Chúng tôi sẽ phát huy mọi khả năng để gắn kết các nội dung thi đua vào mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của ngành. Đó là hệ thống quan trắc ngành KTTV nói riêng, ngành tài nguyên môi trường nói chung phải được phát triển, hiện đại hóa; cơ sở dữ liệu phải được xây dựng tập trung để phục vụ tốt hơn; công nghệ dự báo hiện đại nhằm có sản phẩm dự báo tin cậy, chi tiết và phải đến được với cộng đồng, đến với người dân một cách kịp thời. Đó là mục tiêu chính mà trong 5 năm tới chúng tôi sẽ thực hiện.

Phóng viên: Cùng với phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm định hướng phát triển ngành KTTV trong 5 năm tới là gì, thưa ông?

GS.TS Trần Hồng Thái:Trong giai đoạn 2020-2025, ngành KTTV sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển ngành đồng bộ theo hướng hiện đại hoá và tự động hóa, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật KTTV trong phạm vi cả nước, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất,… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai được dự báo là ngày càng phức tạp, khó lường.

Mục tiêu hiện đại hóa ngành sẽ bao gồm đồng bộ từ khâu đầu tư các trạm quan trắc. Vì hiện nay, ngành KTTV đang cố gắng khắc phục những tồn tại về mạng lưới trạm quan trắc còn thưa so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, tỷ trọng thủ công trong lĩnh vực quan trắc còn lớn. Do vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư, thay thế những công nghệ hiện đại, tự động hóa hệ thống quan trắc.

Tiếp theo, cần phải đồng bộ hệ thống số liệu phù hợp với cơ sở dữ liệu tập trung để không chỉ phục vụ cho mục tiêu phòng chống thiên tai mà còn phục vụ chung cho mục tiêu phát triển các ngành kinh tế xã hội. Phấn đấu để số liệu khí tượng thủy văn phải tạo được giá trị gia tăng và là đầu vào quan trọng để các ngành kinh tế phát triển.

Cùng với đó, chúng ta phải nâng cao, hoàn thiện công nghệ dự báo để sử dụng được tất cả số liệu từ hệ thống quan trắc, từ các trạm vệ tinh quốc tế, từ số liệu radar thời tiết, định vị sét,… nhằm đưa ra được bản tin dự báo kịp thời với độ tin cậy cao và đủ mức chi tiết.

Tổng cục KTTV lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu khoa học, công nghệ trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Đồng thời, đổi mới phương thức phục vụ của Ngành KTTV theo hướng Nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV đáp ứng các yêu cầu phục vụ công cộng, phòng tránh thiên tai, bảo vệ cuộc sống, tài sản cho toàn xã hội. Tuy nhiên cũng sẽ huy động mọi nguồn lực của xã hội cho sự phát triển của ngành.

Và để thực hiện các mục tiêu đó, chúng tôi cho rằng, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước chúng tôi cũng đặt mục tiêu đưa ra những chính sách kêu gọi sự tham gia của khối kinh tế tư nhân trong công tác khí tượng thủy văn. Từ đó, tạo ra thị trường dịch vụ khí tượng thủy văn, làm sao tiến tới mục tiêu quan trọng là xã hội hóa ngành KTTV, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương, nó sẽ tạo đà để ngành KTTV phát triển không còn quá phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: