GS.TS Trần Hồng Thái: Đã đến lúc điều chỉnh những vấn đề lớn bằng Luật KTTV mới

Đăng ngày: 25-04-2020 | Lượt xem: 7491
Nghị định 48/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thuỷ văn có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2020 sẽ góp phần tạo ra tính thống nhất, hoàn thiện trong hệ thống pháp luật vệ khí tượng thủy văn.

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc phỏng vấn GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xung quanh những điểm mới của Nghị định này.

GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

 

Phóng viên: Xin ông cho biết, vì sao có sự ra đời của Nghị định 48/2020/NĐ-CP (Nghị định 48) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP (Nghị định 38) quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn?

GS.TS Trần Hồng Thái: Năm 2015, Quốc hội ban hành Luật KTTV. Để triển khai Luật, tháng 5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38 quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn. Nghị định này đã từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của ngành KTTV, qua đó triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước cũng như nghiệp vụ được quy định trong Luật KTTV. Đồng thời, giúp cho công tác dự báo khí tượng thủy văn phục vụ cộng đồng từng bước hoàn thiện, hiệu quả công tác phòng chống thiên tai được nâng lên.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, Tổng cục KTTV đã rà soát và nhận thấy để Nghị định 38 triển khai hiệu quả hơn cần giải quyết một số điểm tồn tại.

Trước hết, trong Nghị định 38, một số công trình bắt buộc phải quan trắc KTTV theo Điều 13 của Luật KTTV chưa được quy định một cách rõ ràng các điều khoản chi tiết về mật độ, đối tượng cụ thể. Hơn nữa, khi kinh tế phát triển đến giai đoạn GDP bình quân vượt qua ngưỡng 2500USD/người/năm, thông tin KTTV bên cạnh nhiệm vụ cốt yếu là phục vụ phòng chống thiên tai thì sẽ phục vụ cho phát triển kinh tế, khối doanh nghiệp tư nhân. Do đó, việc chúng ta phải đẩy mạnh xã hội hóa ngành hết sức cần thiết.

Để làm được điều này, công tác cấp phép KTTV cần cải tiến để kêu gọi được khối doanh nghiệp tham gia, hồ sơ, thủ tục cấp phép phải đơn giản và minh bạch. Mặt khác, chúng ta khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào công tác khí tượng thủy văn song cũng phải trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Việc ra đời Nghị định 48 sẽ giải quyết được tồn tại đó.

Bên cạnh đó, vừa qua một số quy định pháp luật của một số ngành, lĩnh vực liên quan mới được ban hành cũng đòi hỏi chúng ta phải thay đổi Nghị định số 38 cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, có thể kể đến như Nghị định 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về an toàn đập, hồ chứa nước.

Sau khi rà soát và xét thấy những "điểm nghẽn" của Nghị định số 38, Tổng cục KTTV đã trình Bộ TN&MT, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 48 với mục tiêu chính là giải quyết những tồn tại, vướng mắc để Luật KTTV sẽ được triển khai một cách hiệu quả, công tác KTTV sẽ đạt hiệu quả tốt nhất.

Phóng viên: Một trong những điểm mới của Nghị định số 48 là quy định 15 loại công trình phải quan trắc KTTV thay vì 7 loại công trình như Nghị định số 38. Việc bổ sung thêm các loại công trình này có ý nghĩa thế nào với công tác thông tin KTTV, thưa ông?

GS.TS Trần Hồng Thái:  

Nghị định 48 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38, một trong những mục tiêu đặt ra là phải quy định cụ thể các loại công trình quan trắc theo Điều 13 của Luật KTTV. Sau khi rà soát, đánh giá, làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, chúng tôi xét thấy những công trình “khi xây dựng, khai thác chịu tác động hoặc gây tác động đến điều kiện khí tượng thủy văn mà có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng, tài sản của cộng đồng” thì phải bổ sung quan trắc để giám sát, trước hết nhằm đảm bảo an toàn của cộng đồng, sau đó đến hoạt động an toàn của chính công trình; đồng thời cung cấp thêm thông tin cho ngành KTTV, phục vụ công tác dự báo.

Với mục tiêu đó, chúng tôi đề xuất như trong Nghị định số 48 quy định 9 nhóm công trình và phân chia ra 15 công trình cụ thể. Bên cạnh 4 nhóm công trình giữ nguyên như trong Nghị định 38 (tháp truyền hình, sân bay dân sự, cáp treo, vườn quốc gia) bổ sung thêm 2 nhóm công trình mới là Đường cao tốc và Cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên, điều chỉnh, mở rộng phạm vi một số loại công trình như bến cảng thay vì cảng biển như trước đây, cầu có khẩu độ từ 500m trở lên…

Chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ khi đề xuất bổ sung các nhóm công trình này. Công trình “đường cao tốc” có đặc điểm là lưu thông lượng phương tiện rất lớn; yếu tố khí tượng thủy văn ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ xe, an toàn của phương tiện trên đường. Theo quy định quốc tế, hiện nay, ở những nước phát triển tất cả các đường cao tốc lớn đều có hệ thống quan trắc thông tin làm sao đảm bảo an toàn trên đường. Họ cũng có những biển báo tốc độ phù hợp với tình hình thời tiết trên đường.

Ở Việt Nam, những tuyến đường cao tốc lớn như Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ... đều có hệ thống camera giám sát, hệ thống thông tin về trạm khí tượng. Việc bổ sung loại công trình này là hết sức cần thiết để tiến tới quản lý đường cao tốc này bằng công nghệ 4.0, đô thị thông minh. Thông tin khí tượng thủy văn sẽ giúp cho việc điều chỉnh tốc độ trên đường; thậm chí là khi có thiên tai xảy ra (mưa lớn, sương mù dày, lũ quét, sạt lở đất...) chúng ta có thể tiến hành biện pháp tạm thời cấm đường giao thông.

Hay như công trình “Cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên” phụ thuộc rất nhiều điều kiện khí tượng thủy văn. Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải xem xét, đánh giá và nhận thấy, tỷ lệ tai nạn do điều kiện thời tiết, thiên tai là rất lớn, chiếm tới 7%. Trong khi, ở nước ta, tần suất giao thông và mật độ người dân tham gia giao thông đường thủy rất nhiều. Cho nên, việc bổ sung cụm công trình giao thông đường thủy nội địa vào Nghị định là hết sức quan trọng. 

Sân bay là một trong những loại công trình phải quan trắc KTTV. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng điều chỉnh một số đối tượng khác, ví dụ như đập, hồ chứa nước thuộc loại quan trọng đặc biệt, loại lớn, loại vừa, quan trắc theo quy định của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông. Như chúng ta đã biết, an toàn hồ đập không chỉ cho chính công trình hồ đập mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hạ lưu. Khi chúng ta biết thông tin khí tượng thủy văn thì có thể dự đoán, cảnh báo được những thảm họa có thể xảy ra để có giải pháp ứng phó.

Trên tinh thần nghiên cứu từng đối tượng công trình, chúng tôi đã đề xuất và được Chính phủ thông qua. Chính phủ cũng giao cho Bộ TN&MT, ngành KTTV cứ 3 năm một lần trong trường hợp cần thiết sẽ rà soát, trình Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ sung loại công trình phải quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

Phóng viên: Thưa ông, Nghị định số 48 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6/2020, ngành KTTV có kế hoạch gì để hiện thực hóa Nghị định này trong cuộc sống hiệu quả nhất?

GS.TS Trần Hồng Thái: Ngay trong quá trình xây dựng Nghị định số 48, chúng tôi đã chủ động nghiên cứu và đề xuất kế hoạch để triển khai Nghị định một cách hiệu quả. Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt ban hành Nghị định, Tổng cục KTTV đã báo cáo Bộ TN&MT kế hoạch này. Chúng tôi cũng thông báo và tuyên truyền cho các Bộ, ngành, địa phương về những nội dung chính của Nghị định số 48. Trong tháng 5/2020, Tổng cục sẽ có văn bản hướng dẫn các ngành, địa phương trong công tác triển khai Nghị định.

Bên cạnh đó, Tổng cục KTTV đề xuất 10 nhiệm vụ chính trị lớn để thực hiện Nghị định này, bao gồm việc xây dựng để Bộ TN&MT ban hành Thông tư hướng dẫn các đối tượng, cơ quan chủ quản quản lý các loại công trình này về mật độ, phương pháp, công nghệ, quy trình để lắp đặt trạm quan trắc KTTV. Chúng tôi cũng xây dựng cơ chế phối hợp, đầu mối để trao đổi, quản lý thông tin khí tượng thủy văn từ những công trình này. Bên cạnh việc đảm bảo thông tin bảo vệ an toàn công trình thì các thông tin khí tượng thủy văn từ những trạm quan trắc đó sẽ được tích hợp vào hệ thống quan trắc thông tin khí tượng thủy văn quốc gia để từng bước nâng cao chất lượng công tác thông tin khí tượng thủy văn.

Phóng viên: Theo ông, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm như thế nào trong việc thi hành Nghị định số 48?

GS.TS Trần Hồng Thái:

Những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai ở Việt Nam ngày càng phức tạp hơn, bão lũ lớn, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy, nếu ngành KTTV đưa ra được những bản tin dự báo, cảnh báo sớm và các Bộ, ngành, địa phương sử dụng thông tin ấy một cách hiệu quả thì thiệt hại do thiên tai giảm đi rất nhiều.

Điển hình như năm 2020, báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy, mặc dù thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL xảy ra khốc liệt hơn nhiều năm; nhưng nhờ có sự chuẩn bị trước, dự báo sớm nên Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương đã có những quyết định, giải pháp quyết liệt và thiệt hại giảm đi nhiều lần.

Điều này cho thấy, nếu cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cùng tham gia thì công tác dự báo KTTV sẽ tốt hơn nữa. Do đó, việc các Bộ, ngành, địa phương phối hợp cùng với Bộ TN&MT, ngành KTTV để triển khai Nghị định 48 là hết sức cần thiết, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Ngành KTTV với vai trò là đơn vị đầu mối, chúng tôi sẽ có những hành động cụ thể bằng trách nhiệm của mình hướng dẫn các ngành, địa phương triển khai Nghị định số 48 hiệu quả hơn. Đồng thời, chúng tôi sẽ có đầu mối để tiếp nhận, xử lý thông tin để những thông tin này phục vụ cho phòng chống thiên tai, bảo vệ an toàn công trình, phát triển các ngành kinh tế - xã hội.

Và sau 3 năm, như trên tôi đã nói, theo nhiệm vụ Chính phủ giao trong Nghị định 48, ngành KTTV sẽ rà soát, đánh giá việc triển khai thi hành Nghị định để có thể xác định chính xác hiệu quả đạt được cũng như những tồn tại cần khắc phục, từ đó đề xuất điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, dưới góc độ thực tiễn quản lý nhà nước thông qua hệ thống pháp luật về khí tượng thủy văn thời gian qua, tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần có những nghiên cứu, xem xét hết sức sâu sắc, toàn diện để đánh giá, tổng kết những vấn đề lớn của Ngành, của hoạt động KTTV Việt Nam và cả trên bình diện, xu thế quốc tế, qua đó đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Luật KTTV mới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: