Mưa lớn và ứng phó mưa lớn

Đăng ngày: 22-11-2023 | Lượt xem: 6252
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng mưa lớn là hệ quả của một số loại hình thời tiết đặc biệt như bão, áp thấp nhiệt đới hay dải hội tụ nhiệt đới, hội tụ gió mạnh trên nhiều tầng, front lạnh, đường đứt...

Hiện tượng mưa lớn là hệ quả của một số loại hình thời tiết đặc biệt như bão, áp thấp nhiệt đới hay dải hội tụ nhiệt đới, hội tụ gió mạnh trên nhiều tầng, front lạnh, đường đứt... Đặc biệt khi có sự kết hợp giữa chúng với nhau ở cùng một thời điểm sẽ càng nguy hiểm hơn, gây nên mưa to, gió lớn, dông, mưa đá trong một thời gian dài trên một phạm vi rộng.

Mưa lớn hay mưa vừa, mưa to diện rộng là quá trình mưa xảy ra mang tính hệ thống trên một hay nhiều khu vực. Mưa lớn diện rộng có thể xảy ra một hay nhiều ngày, liên tục hay ngắt quãng, một hay nhiều trận mưa và không phân biệt dạng mưa. Căn cứ vào lượng mưa thực tế đo được 24 giờ tại các trạm quan trắc khí tượng bề mặt, trạm đo mưa trong mạng lưới khí tượng thủy văn mà phân định các cấp mưa khác nhau. Theo quy định của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), mưa lớn được chia làm 3 cấp:

- Mưa vừa: Lượng mưa đo được từ 16 đến 50 mm/24h, hoặc 8 đến 25 mm/12h.

- Mưa to: Lượng mưa đo được từ 51 đến 100 mm/24h, hoặc 26 đến 50mm/12h.

- Mưa rất to: Lượng mưa đo được > 100 mm/24h, hoặc > 50 mm/12h.

Trong các nghiên cứu về ảnh hưởng của mưa thì từ cấp mưa to (51-100mm/24h) trở lên đã bắt đầu có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người.

Ứng phó với mưa lớn

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, nếu đang tham gia giao thông trên đường thì bạn cần ngay lập tức tìm chỗ cao ráo, có mái che để tránh mưa hoặc di chuyển chậm, bật đèn cảnh báo của xe, chú ý các biển cảnh báo, nắp cống, hố ga thoát nước trên đường. Chờ mưa ngớt, nước rút mới tiếp tục hành trình.

Đối với người dân: Nếu đang ở nhà thì khơi thông dòng chảy, cống thoát nước quanh nhà, tránh để nước dồn, tập trung vào một khu vực. Kê cao các đồ vật trong nhà, di chuyển tài sản, xe cộ lên các khu vực cao ráo. Ngắt các nguồn điện trong nhà, đề phòng điện giật. Chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước, đèn pin trong những ngày mưa ngập kéo dài. Cất giữ các tài liệu quan trọng trong túi chống nước và để nơi an toàn nhất. Theo dõi sát thông tin thời tiết, tìm cách thông báo về tình trạng mưa ngập tại khu vực sinh sống. Nếu mưa lớn nhiều ngày, cần chuẩn bị thuyền và các đồ vật nổi sơ tán ra bên ngoài.

Đối với chính quyền: Cảnh báo sớm cho người dân về thời gian, những địa điểm có mưa lớn kéo dài, kịp thời ứng phó, phòng tránh những rủi ro, nguy cơ. Tăng cường kiểm tra, tu bổ, gia cố và nâng cấp các cống, đập, bờ bao tiêu thoát nước. Đẩy nhanh tiến độ các công trình chống ngập ở đô thị, xây dựng các hồ điều hòa, hệ thống hầm chứa nước cho đồ thị. Chủ động rà soát, kiểm tra đê kè, bờ bao, đề phòng tình trạng bị xói lở, sụt lún do mưa lớn dẫn đến nguy cơ gây vỡ. Bố trí lực lượng xung kích ở các vị trí xung yếu, chuẩn bị đủ vật tư dự trữ, phương tiện vận tải thích hợp để ứng phó, gia cố theo phương châm 4 tại chỗ. Bố trí người cảnh báo hoặc hỗ trợ người dân khi di chuyển qua những khu vực bị ngập nặng do mưa lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các địa phương, đơn vị có trạm bơm, máy bơm chống ngập úng phải chuẩn bị sẵn sàng nhiên liệu, kiểm tra hệ thống điện để thực hiện bơm chống ngập úng. Thông báo, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân kiểm tra, bảo quản các hóa chất độc hại để đảm bảo an toàn, không để phát tán gây ô nhiễm môi trường khi có mưa lớn, ngập úng. Ngăn chặn tình trạng lấn chiếm hồ, ao, xả ra các kênh rạch làm tắc nghẽn dòng chảy thoát nước khi mưa lớn. Hạn chế quy hoạch, xây dựng mật độ cao tại những khu vực trũng thấp, dễ xảy ra ngập khi mới lớn.

Tạp chí KTTV tổng hợp

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: