Tổng cục Khí tượng Thủy văn rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính

Đăng ngày: 27-06-2022 | Lượt xem: 1321
Tổng cục Khí tượng Thủy văn rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ trong việc rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); sau khi nghiên cứu dự thảo Phương án phân cấp TTHC của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) và đối chiếu với tình hình thực tế, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) báo cáo Bộ kết quả rà soát đánh giá và đề xuất phương án phân cấp các TTHC thuộc lĩnh vực KTTV như sau:
Kết quả rà soát chung
1. Tổng số TTHC phải rà soát theo yêu cầu: 10 (trong đó có 07 TTHC cấp Trung ương, 03 TTHC cấp địa phương).
2. Tổng số TTHC đã rà soát: 10 TTHC.
3. Số TTHC đề nghị phân cấp: 00 TTHC.
4. Số TTHC không đề nghị phân cấp:
- 07 TTHC cấp Trung ương.
- 03 TTHC cấp địa phương.

Tổng hợp phương án đề xuất phân cấp trong giải quyết TTHC
1. Nhóm các thủ tục: Cấp giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV (cấp Trung ương); Sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV (cấp Trung ương); Cấp lại giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV (cấp Trung ương); Cấp giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV (cấp tỉnh); Sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV (cấp tỉnh); Cấp lại giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV (cấp tỉnh).
- Đề xuất không phân cấp.
- Lý do: Hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn có tính đặc thù, chuyên môn sâu và có tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong công tác phòng, chống thiên tai. Nội dung cấp phép hoạt động dự báo, cảnh báo cho các tổ chức, cá nhân hiện không chỉ đơn thuần về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong điều kiện bình thường, mà còn thực hiện cấp phép cả 
hoạt động dự báo, cảnh báo thiên tai. Do đó, việc quản lý và cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV cho các tổ chức, cá nhân thực hiện dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn vẫn phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ TNMT hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại khoản 5 Điều 25 Luật KTTV.
2. Nhóm các thủ tục: Thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết; Thẩm định điều chỉnh một phần kế hoạch tác động vào thời tiết
- Đề xuất không phân cấp.
- Lý do: hoạt động tác động vào thời tiết thường ảnh hưởng đến phạm vi rộng, có tác động lớn và trực tiếp đến cộng đồng dân cư, các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia khi kế hoạch tác động vào thời tiết được triển khai thực hiện. Trước khi kế hoạch tác động vào thời tiết, cần phải lấy ý kiến của các Bộ, ban, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân nơi chịu tác động trực tiếp từ kế hoạch tác động vào thời tiết. Do đó, việc phê duyệt kế hoạch tác động vào thời tiết hoặc điều chỉnh một phần kế hoạch tác động vào thời tiết vẫn phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ (đối với tác động nhằm gây mưa hoặc tăng lượng mưa, tác động làm giảm cường độ mưa hoặc để không xảy ra mưa, tác động nhằm phá hoặc giảm cường độ mưa đá) và Bộ trưởng Bộ TNMT (đối với tác động nhằm phá hoặc giảm cường độ sương mù) theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 44 Luật KTTV.

3. Thủ tục: Xin phép trao đổi thông tin, dữ liệu KTTV, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài (cấp Trung ương)
- Đề xuất không phân cấp.
- Lý do: Thứ nhất, KTTV là ngành có tính đặc thù cao và Việt Nam là thành viên của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) cũng như của nhiều tổ chức khí tượng thủy văn trong khu vực và trên thế giới khác. Nguyên tắc trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng và thủy văn của Việt Nam với quốc tế cần thực hiện và tuân thủ theo quy định các điều ước quốc tế và WMO và Bộ TNMT đang được Chính phủ giao làm đầu mối về hợp tác quốc tế về KTTV. Thứ hai, thông tin, dữ liệu mà tổ chức, cá nhân xin phép trao đổi với tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài có thể liên quan đến quốc phòng, an ninh của đất nước, cần phải phối hợp xin ý kiến của các Bộ liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an,.... Do đó, việc quản lý hoạt động trao đổi thông tin, dữ liệu với tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài vẫn cần phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ 
TNMT theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn và khoản 11 Điều 1 Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15/4/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết một số điều của
Luật Khí tượng thủy văn.

4. Thủ tục: Khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV (cấp Trung ương)
- Đề xuất không phân cấp.
- Lý do: Căn cứ Điều 24 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật KTTV, khoản 9 Điều 1 Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15/4/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn đã nêu rõ thẩm quyền cung cấp, xác nhận nguồn gốc của thông tin dữ liệu KTTV. Thông tin, dữ liệu KTTV được xác định là thông tin đầu vào của các ngành có liên quan, đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phục vụ đời sống của nhân dân. Do đó, việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV cần phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ TNMT.

Văn phòng TCKTTV
 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: