Nhiệm vụ và giải pháp trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-TW, Nghị quyết số 50/NQ-CP, Kế hoạch hành động số 777-KH/BCSĐTNMT của Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đăng ngày: 20-05-2021 | Lượt xem: 1354
Nhiệm vụ và giải pháp trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-TW, Nghị quyết số 50/NQ-CP, Kế hoạch hành động số 777-KH/BCSĐTNMT của Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, quản lý của chính quyền, phát huy sự tham gia của các đoàn thể chính trị - xã hội

1. Nâng cao nhận thức của cấp uỷ đảng, cấp cơ sở về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc CMCN 4.0, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Gắn với quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

2. Tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung phương thức tiếp cận cuộc CMCN 4.0 đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

3. Xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 của ngành là thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực và thực hiện chuyển đổi số ngành KTTV.

4. Ưu tiên chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới tới các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV; tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là chủ thể quyết định thực hiện có hiệu quả cuộc CMCN 4.0.

5. Phát huy sự tham gia có hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các đối tượng chịu tác động của chính sách vào quá trình hoạch định và giám sát thực thi các chính sách về tham gia cuộc CMCN 4.0. Xây dựng cơ chế hợp tác giữa các cấp trong xây dựng và thực thi các chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 theo Nghị quyết số 52/NQ-TW, Nghị quyết số 50/NQ-CP và kế hoạch hành động của ngành tài nguyên và môi trường.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và thực hiện chuyển đổi số ngành KTTV

1. Tiếp tục quán triệt thực hiện, thể chế hóa phù hợp quan điểm, đường lối của Nghị quyết số 52/NQ-TW, Nghị quyết số 50/NQ-CP đối với đường lối của Đảng về tài nguyên và môi trường, gồm: Kết luận số 02-KL/TW ngày 26/4/2016 của Ban Bí thư về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Hoàn thiện khung pháp lý, quy định, chính sách phù hợp với năng lực thực thi dựa trên kết quả tiêu chí đánh giá của cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số ngành KTTV: đổi mới phương thức làm việc, cải cách hành chính, xây dựng bộ máy, tổ chức hợp lý, gọn nhẹ trên nền tảng số.

3. Xây dựng được cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện để thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về KTTV. Tạo lập hành lang pháp lý để phát triển dịch vụ nội dung số về KTTV.

Xây dựng và phát triển hạ tầng số, nền tảng số ngành KTTV đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0

1. Hạ tầng trang thiết bị được ưu tiên đầu tư với tiêu chí hiện đại, thông minh, kế thừa, sử dụng hiệu quả, đồng bộ, quy mô quốc gia, có tốc độ cao, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, kết hợp giữa mô hình tập trung và phân tán dựa trên công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), bảo đảm kết nối, tích hợp, tự động hóa thu nhận dữ liệu dựa trên nền tảng kết nối internet vạn vật (IoT) để quản lý, lưu trữ, xử lý, cung cấp và chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản về KTTV theo thời gian thực.

2. Xây dựng hạ tầng dữ liệu là nhiệm vụ trọng tâm, là tài sản quý giá có giá trị lâu dài: hoàn thiện và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu KTTV trên nền tảng dữ liệu lớn (big data) với kho dữ liệu nguyên gốc (data lake), kho dữ liệu qua xử lý chuyên môn (data warehouse), đáp ứng yêu cầu an toàn, bảo mật, sao lưu, phòng chống thảm họa. Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn toàn diện; triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai.

3. Phát triển hạ tầng ứng dụng tri thức cung cấp giải pháp ứng dụng, phần mềm, dịch vụ thông minh áp dụng công nghệ khai phá dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence), mô phỏng (simulation), thực tế ảo (VR), tương tác ảo (AR)… đáp ứng việc phân tích, xử lý, tính toán dữ liệu lớn, dữ liệu thời gian thực phục vụ kịp thời, chính xác công tác quản lý, hoạch định chính sách, hỗ trợ ra quyết định, chuyên môn nghiệp vụ, dự báo, cảnh báo, cung cấp dịch vụ công và giải quyết các bài toán liên ngành, các dịch vụ đô thị thông minh đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và của xã hội.

4. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm tham gia triển khai xây dựng hạ tầng, nền tảng số, cung cấp dịch vụ, triển khai ứng dụng… trong chuyển đổi số ngành KTTV.

Chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo

1. Xây dựng, thử nghiệm, triển khai một số cơ chế có tính đột phá nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nghiên cứu sáng tạo, đổi mới và áp dụng giải pháp công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số ngành KTTV.

2. Đẩy mạnh sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ về nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ trong và ngoài ngành KTTV.

Chính sách phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0

1. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, đào tạo, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao.

2. Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và đẩy mạnh hợp tác quốc tế đảm bảo đào tạo nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số ngành.

3. Triển khai theo lộ trình phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh mạng; chú trọng đào tạo lại và đào tạo kỹ năng chuyên môn, kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu và có chính sách hỗ trợ để có khả năng tiếp cận sử dụng, làm chủ công nghệ số cho công chức, viên chức và người lao động trong ngành thích ứng, chuyển đổi công việc trong môi trường số.

4. Chủ động kêu gọi, hợp tác với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đào tạo, chuyển giao, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng người lao động nhằm thích ứng với cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số ngành KTTV.

Chính sách phát triển các công nghệ ưu tiên

1. Ưu tiên nguồn lực để thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 17/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các Nghị quyết, Chương trình về Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

2. Ưu tiên triển khai nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ của cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số: điện toán đám mây (cloud computing); điện toán lưới (grid computing); mạng thế hệ mới (NGN); an ninh mạng (cybersecurity); internet vạn vật (IoT); dữ liệu lớn, khai phá và phân tích dữ liệu (big data, data mining and data analytics); trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence); thị giác máy tính (computer vision); chuỗi khối (block chain); mô phỏng (simulation); thực tại ảo (virtual reality), tương tác ảo (Augmented Reality); thực tại tăng cường (augmented reality) để đáp ứng công tác quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và giải quyết các bài toán cụ thể, phức tạp của ngành KTTV.

3. Hỗ trợ công nghệ ưu tiên thông qua cơ chế, chính sách; ưu đãi về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; ưu tiên đấu thầu, đặt hàng cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện triển khai ứng dụng sáng tạo, hiệu quả các giải pháp công nghệ của cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số KTTV.

4. Nghiên cứu ứng dụng và triển khai các giải pháp thông minh trong công tác quan trắc, truyền tin và dự báo, cảnh báo sớm thiên tai KTTV.

Chính sách hội nhập quốc tế, tiếp nhận chuyển giao công nghệ

1. Tăng cường hợp tác, thu hút nguồn lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, đặc biệt là các đối tác chiến lược có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến cho hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số ngành KTTV. Hoàn thiện, sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật trong quá trình áp dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số phù hợp và hội nhập quốc tế.

2. Huy động nhiều nguồn vốn khác nhau từ các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, hợp tác với nước ngoài... để thực hiện từng phần các chương trình, dự án sử dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 đáp ứng mục tiêu đổi mới, số hóa hoạt động quản lý, chuyên môn nghiệp vụ ngành KTTV.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: