Xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm và sâu hơn

Đăng ngày: 12-12-2019 | Lượt xem: 1601
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, từ tháng 12/2019 đến 2/2020 sẽ xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm.

Nông dân Đồng Tháp Mười thẫn thờ trước nạn hạn hán xâm nhập mặn.

Mặn đến sớm và ngấm sâu hơn

Cùng quan điểm này, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng nhận định, từ giữa tháng 12/2019 mặn có khả năng xâm nhập sâu vào nội đồng khoảng 35 - 45 km tính từ cửa sông, cao hơn năm 2016 từ 3 - 5 km.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2019, tổng lượng mưa trên khu vực ĐBSCL phân bố không đều, tổng lượng mưa từ tháng 6 đến tháng 10 ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm 10%-50%.  Do vậy, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang ở mức thấp hơn 0,4-0,7 m so với trung bình nhiều năm và tương đương cùng kỳ năm 2015.

Ông Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ nhận định, chế độ thủy triều của sông Mê Kông năm nay rất dị thường như: cuối tháng 8, đầu tháng 9/2019, tại các trạm Kratie, Stung Treng (Campuchia), Pakse (Lào), mưc nước đang ở mức thấp nhất lịch sử.

Nhưng đến giữa tháng 9, mực nước đã lên vượt mức cao nhất từng được ghi nhận rồi nhanh chóng xuống thấp như trước đó. Chính tình hình mưa bão bất thường ở thượng nguồn đã gây nên hiện tượng trên. Cùng với đó Biển Hồ nơi đóng vai trò trữ nước đang bị bồi lắng, lượng nước ít hơn trước, cùng với Đồng bằng sông Cửu Long bị sụt lún khiến nước từ Biển Hồ khi vào Việt Nam sẽ chảy thoát ra biển nhanh hơn, không giữ lâu được.

Các chuyên gia nhận định, dưới tác động của biến đổi khí hậu, trong các thập niên tới khi nước biển dâng cao, vùng ĐBSCL sẽ phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn và ngập lũ hạ lưu sông Cửu Long quy mô lớn.

Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, việc bố trí lại thời vụ và chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn sẽ giúp hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng 

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, trước mắt cần điều chỉnh cơ cấu mùa vụ để ứng phó hạn, mặn, không trồng lúa, cây ăn quả ở vùng có nguy cơ hạn, mặn; vận hành hợp lý các công trình thủy lợi phù hợp thực tế. Cùng với việc thường xuyên theo dõi, quan trắc độ mặn để chủ động ứng phó, chủ động tích trữ nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất và sử dụng nước một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Về lâu dài, cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có khả năng chống chịu hạn mặn, điều chỉnh thời vụ sản xuất nông nghiệp theo vùng sinh thái. Chủ động kế hoạch cấp nước/trữ nước.

Liên quan vấn đề này, trước đó, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong điều kiện bình thường, diện tích lúa Đông Xuân hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,6 triệu ha. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân 2019-2020, diện tích canh tác dự kiến còn khoảng 1,55 triệu ha, giảm 50.000 ha để chủ động thích ứng và giảm thiểu thiệt hại nếu xâm nhập mặn diễn ra như dự báo.

Cùng với đó, khung thời vụ đã được đẩy sớm ngay từ đầu tháng 10/2019. Cụ thể, những địa phương vùng ven biển có nguy cơ hạn cuối vụ như: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… xuống giống sớm trong tháng 10 với diện tích khoảng 400.000 ha, tăng hơn cùng kỳ khoảng 150.000 ha. Trong tháng 11 và 12/2019 lần lượt xuống giống tiếp 700.000 và 400.000 ha. Một số vùng xuống giống muộn thì phải kết thúc việc xuống giống từ ngày 10/1/2020.

Ngành chức năng tăng cường tuyên truyền cho người dân cách chủ động phòng tránh và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phòng chống hạn, mặn. Song song đó triển khai kế hoạch quản lý hạn, tập trung dự báo dài hạn để chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo kinhtenongthon.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: