Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Đăng ngày: 20-04-2021 | Lượt xem: 1468
Theo nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phê duyệt, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia vừa phải kế thừa thành tựu từ các kỳ trước vừa bảo đảm tính hiện đại, tự động hóa cao.

Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ, mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2025 của mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia là bảo đảm tính hiện đại, tự động, có mật độ trạm ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á.

Phải nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống các trạm nền cơ bản để thu thập thông tin, dữ liệu nhằm giám sát, đánh giá điều kiện tự nhiên về khí tượng thủy văn của quốc gia, làm cơ sở kiểm tra, đánh giá, kiểm soát chất lượng các trạm chuyên phục vụ dự báo, cảnh báo và các trạm chuyên dùng khác.

Tăng dày mật độ trạm khí tượng thủy văn tự động bảo đảm các yêu cầu phục vụ dự báo số, dự báo điểm. Ưu tiên phát triển mới các trạm quan trắc khí tượng thủy văn tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra các loại hình thiên tai nguy hiểm còn trống số liệu, vùng chịu tác động mạnh do biến đổi khí hậu và nước biển dâng...

Với những mục tiêu, nhiệm vụ đó, nội dung chính cần lập quy hoạch thực hiện gồm: điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu, bản đồ; dự báo xu thế phát triển, kịch bản phát triển và biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia trong thời kỳ quy hoạch; đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng trong thực trạng phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; phương án phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia...

Trong đó, nghiên cứu xác định các trạm khí tượng thủy văn cho các khu vực: vùng thường xuyên có nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, nước dâng, triều cường; khu vực ven biển, bờ biển, vùng thềm lục địa, các đảo và hải đảo; khu vực biên giới và xuyên biên giới; vùng khí hậu, vùng sinh thái và các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Ưu tiên phát triển các trạm khí tượng thủy văn có nhiều yếu tố quan trắc, trạm giám sát biến đổi khí hậu, các trạm lồng ghép quan trắc tài nguyên môi trường.

Nghiên cứu đánh giá, xác định số lượng trạm khí tượng thủy văn cơ bản cần thiết, các trạm giám sát để phản ánh được đặc trưng của 7 vùng khí hậu; các lưu vực sông, vùng biển; đề xuất điều chỉnh, giảm các trạm khí tượng thủy văn có người và xây dựng, phát triển mạng lưới trạm theo hướng hiện đại, tự động.

Xác định cụ thể từng trạm khí tượng thủy văn quốc gia theo các loại hình: trạm cơ bản để quan trắc, thu thập thông tin, dữ liệu điều tra cơ bản (có người, tự động) và được đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước; trạm chuyên phục vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn (tự động hoàn toàn) và được đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác.

Nghiên cứu lồng ghép tối đa mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia với mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên và môi trường và mạng lưới quan trắc khác có liên quan trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới và hạ tầng sẵn có.

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: