Nông dân trắng tay sau đợt lũ tiểu mãn lớn bất thường

Đăng ngày: 08-04-2022 | Lượt xem: 1793
Sau một tuần ngập do lũ tiểu mãn lớn bất thường, nhiều cánh đồng ở xã Phong Bình (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) nước vẫn ngập từ 1,2 -2m, cây lúa đợi ngày thu hoạch nay chìm ướt trong dòng nước bạc khiến nhiều nông dân khóc dở.

Cánh đồng của HTX Vân Trình vùi trong màu nước bạc của đợt lũ tiểu mãn.

Theo thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 20.000 hecta lúa bị ảnh hưởng với thiệt hại ước tính lên đến 1.000 tỷ đồng. Trong đó, huyện Phong Điền là nơi có diện tích lúa ngập úng nặng nhất tỉnh.

Của đổ ra đồng

Toàn xã Phong Bình (huyện Phong Điền) có khoảng 670 hecta lúa, là vựa lúa lớn nhất huyện Phong Điền và cũng là một trong những vựa lúa lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đã là ngày thứ 7 (từ ngày 1/4 -7/4) cánh đồng vùng trũng có diện tích 100 hecta thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Vân Trình (xã Phong Bình) vẫn đang ngập sâu từ 1,2 -2 m. Những ngày cuối tháng ba, cánh đồng vụ Đông Xuân này còn đang mơn mởn xanh tươi, thế nhưng, sau những ngày mưa lớn trái mùa đã nhấn chìm toàn bộ cánh đồng.

Vụ Đông Xuân này ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) Vân Trình thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Toàn bộ công của ông Tú đều đã đổ ra giữa đồng cho 10 mẫu lúa. Không riêng ông Tú mà nhiều nông dân khác cũng chỉ biết vuốt nước mắt khi nỗ lực hết sức nhưng vẫn không thể cứu lúa khi thời tiết ổn định trở lại.

Người dân xã Phong Bình độc canh cây lúa, mọi thứ đều từ cây lúa mà có nên đợt thiên tai lần này đã đẩy người dân vào thế vô cùng khó khăn vì nguy cơ thiếu đói giáp hạt. “Giờ đây chúng tôi đang chờ trạm bơm có thể vận hành trở lại, sớm tiêu úng cứu lúa được chừng nào hay chừng đó. Theo kinh nghiệm, phải 10 -13 ngày nữa việc tiêu úng mới tương đối hoàn thành Sức chịu đựng của lúa có hạn, thời điểm tiêu úng được lúa cũng đã thối cả cây. Lũ bình thường không đói mà như thế này là có hộ thiếu đói”, ông Tú thẫn thờ nhìn ra cánh đồng biến thành “sông” giữa ngày đầu hè thốt lên.

Ông Nguyễn Văn Tú đứng thở dài nhìn cánh đồng lúa ngập sâu trong nước.

Theo ông Tú, HTX Vân Trình có 526 thành viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn sau lũ trái mùa. Sắp tới để chuẩn bị tái cơ cấu sản xuất người dân sẽ không còn vốn. Hợp tác xã đã đổ ra 3,4 tỷ cho người dân gieo sạ, chăm sóc lúa vụ Đông Xuân. Dân mất trắng mùa thì Hợp tác xã cũng không còn vốn. Nay nếu vào vụ hè thu rất mong muốn cấp trên quan tâm để người dân được tạo điều kiện vay mượn phân, giống, tìm cách để dân làm lại.

Hỗ trợ người dân tái sản xuất

Anh Lê Phước Tính, cán bộ phụ trách Nông nghiệp xã Phong Bình cho biết, khi nhận được dự báo thời tiết khả năng có mưa lũ, xã đã chủ động ứng phó, tiêu úng cho đồng ruộng khô. Nhưng không lường được đợt lũ tiểu mãn năm nay quá lớn, mặc dù điều động 500 khối cát, 10.000 bao cùng 500 lượt người sắp bao cát 3-4 lớp, xe công nông hàng chục chiếc song vẫn không chống nổi. Trong lúc nhiều cánh đồng khác đã buộc phải thả cho nước ngập thì cánh đồng Vân Trình các thành viên vẫn nỗ lực đến khi trời mịt tối mới ngừng tay.

Bên cạnh đó, các trạm bơm, máy móc, giao thông nội đồng ở đây đã xuống cấp vì được đầu tư từ năm 2001 sau lũ lại hỏng nặng hơn. Việc sửa chữa cần kinh phí lớn trong khi đó sức lực của Hợp tác xã cũng hạn chế nên không xoay xở được để tái đầu tư cho người dân sản xuất vụ tiếp theo”.

Lão nông Nguyễn Văn Tú chia sẻ: “Xã có nhiều thanh niên từ 18 -35 tuổi có máy móc phục vụ nông nghiệp như máy gặt, máy cày… nhưng còn nợ tiền ngân hàng. Nay lũ tiểu mãn bất thường cuốn sạch, không biết lấy gì trả nợ, máy cày đôi khi không có dầu mà cày”.

Trước thiệt hại lên đến gần 100 tỷ đồng vụ Đông Xuân sau lũ, Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho hay: “Lũ tiểu mãn khiến người dân sản xuất nông nghiệp mất trắng vụ Đông Xuân. Người dân khó khăn thì xã có khả năng không đạt được các tiêu chí về nguồn thu ngân sách, thu nhập. Chúng tôi đã trình lên huyện, tỉnh rà soát sơ bộ thiệt hại dù chưa thống kê được đầy đủ, kêu gọi các cấp hỗ trợ cho người dân sớm tái sản xuất đồng thời quan tâm tới những hộ có nguy cơ thiếu đói giáp hạt”.

Nước vẫn còn ngập sâu dù thời tiết đã dần ổn định.

Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin: UBND huyện đã đề xuất trích ngân sách huyện, tỉnh để hỗ trợ giống cho dân tái sản xuất. Các đơn vị quản lý liên quan yêu cầu sớm rà soát phân loại những cánh đồng nào có thể khắc phục được, cánh đồng nào không còn hi vọng khắc phục để tập trung nỗ lực ứng cứu đúng nơi.

Trước những khó khăn của bà con nông dân, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã huy động 7 tỷ đồng để tổ chức tiêu úng thoát nước nhanh chóng, khoa học trên các diện tích hoa màu còn lại và hỗ trợ người dân tái sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.

Người nông dân huyện Phong Điền nói chung, người nông dân xã Phong Bình nói riêng cần được hỗ trợ kinh phí, giống cây trồng để sản xuất vụ hè thu. Ngoài ra cần có chính sách hỗ trợ giảm, giãn, khoanh nợ đối với HTX, người dân những khoản vay phục vụ sản xuất, kinh doanh. Có cơ chế hỗ trợ các HTX nông nghiệp về nguồn vốn để mua vật tư giúp người dân có điều kiện tái sản xuất vụ hè thu 2022.

Bảo Hòa

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nong-dan-trang-tay-sau-dot-lu-tieu-man-lon-bat-thuong-post441285.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: