Mưa lũ lịch sử ở Hà Giang khiến 2 nhà máy thủy điện thiệt hại 370 tỷ đồng

Đăng ngày: 24-07-2020 | Lượt xem: 2277
Trong đợt mưa lũ vừa diễn ra tại khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh Hà Giang là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ngoài 5 người chết do sạt lở đất và lũ cuốn trôi, 2 nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh này cũng bị thiệt hại lớn.

Trận mưa từ đêm 20/7 đến 21/7 ở Hà Giang đã gây lũ ống, sạt lở đất, ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề ở huyện Hoàng Su Phì, Bắc Mê, thành phố Hà Giang…

Thống kê cho thấy 5 người đã chết, 2 người bị thương vì mưa lũ, ước tính thiệt hại ban đầu do mưa lũ gây ra khoảng 500 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về nhà ở, hạ tầng và sản xuất nông nghiệp lên đến trên 125 tỷ đồng. Riêng hai nhà máy thủy điện Thái An (huyện Quản Bạ) và Thuận Hòa (Vị Xuyên) do đất đá vùi lấp, gây thiệt hại lần lượt 350 tỷ và 20 tỷ đồng.

Mưa lũ lịch sử ở Hà Giang khiến 2 nhà máy thủy điện thiệt hại 370 tỷ đồng - Ảnh 2.

Sau trận mưa lớn vào các ngày 21-22/7, nhà máy thủy điện Thái An - công trình thủy điện lớn thứ hai ở Hà Giang - phải dừng hoạt động do bị đất đá vùi lấp. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai

Được biết, thủy điện Thái An có công suất 82 MW với 2 tổ máy, sản lượng hàng năm gần 400 triệu kWh, với doanh thu gần 300 tỷ đồng. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, được khởi công tháng 1/2008, hoàn thành tháng 9/2010.

Cùng với thủy điện Thái An, nhà máy thủy điện Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên) cũng phải tạm dừng hoạt động do bị đất đá vùi lấp trong trận mưa lớn nói trên.

Mưa lũ lịch sử ở Hà Giang khiến 2 nhà máy thủy điện thiệt hại 370 tỷ đồng - Ảnh 3.

Nước và bùn đất cũng tràn vào bên trong nhà máy thuỷ điện. Đến tối 22/7, nước đã rút nhưng bùn đất vẫn chưa thể dọn dẹp do mưa còn tiếp diễn.

Từ rủi ro lớn ở các hồ chứa, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu Hà Giang kiểm tra, rà soát các điều kiện vận hành xả lũ, phương án đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du, đặc biệt là với các hồ thủy điện nhỏ và hồ thủy lợi xung yếu.

Nói về hệ thống hồ chứa ở miền núi phía Bắc, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, qua kiểm tra, rà soát, khu vực này còn 343/1.200 hồ chứa bị hư hỏng.Trong đó, có khoảng 59/200 hồ chứa bị hư hỏng nặng được Bộ báo cáo Thủ tướng.

Mưa lũ lịch sử ở Hà Giang khiến 2 nhà máy thủy điện thiệt hại 370 tỷ đồng - Ảnh 4.

Mưa lũ cũng gây sạt lở tại nhiều tuyến đường quan trọng, trong đó có quốc lộ 2 ở Hà Giang. Sau một đêm, lực lượng chức năng đã khắc phục sự cố, tuyến đường đã thông xe vào sáng 22/7.

Hầu hết các hồ xuống cấp, hư hỏng nặng tập trung vào nhóm hồ vừa và nhỏ, xây dựng đã lâu, từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa, nâng cấp…

Tổng cục Thủy lợi cung cấp nhiều con số "giật mình": Rà soát các hồ đập ở miền núi phía Bắc cho thấy, chỉ 4% số hồ được kiểm định an toàn, 4% số hồ được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành; thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du,4% số hồ được lập quy trình vận hành...

Mưa lũ lịch sử ở Hà Giang khiến 2 nhà máy thủy điện thiệt hại 370 tỷ đồng - Ảnh 5.

Trong 59 năm qua, cơ quan khí tượng chưa từng ghi nhận trận mưa nào lớn như tại TP Hà Giang trong đêm 20/7 và ngày 21/7.

Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa bố trí kinh phí và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa, đặc biệt ở nhóm hồ vừa và nhỏ ở Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn...

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi, những bất cập trên đã dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc: Từ năm 2010 trở lại đây, khu vực phía Bắc xảy ra 71 sự cố đập, hồ chứa.

Sẵn sàng huy động xe chuyên dụng, máy bay trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Trong bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra vào đầu tháng 8, thời điểm có thể xuất hiện mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất…, để chủ động ứng phó diễn biến bất thường của thời tiết, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tổ chức tập hợp phương tiện đưa đón học sinh ở xa đến điểm thi, cũng như các phương tiện ứng trực, hỗ trợ khác khi có hiện tượng thời tiết cực đoan, bão lũ, sạt lở… trong thời gian diễn ra kỳ thi.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Giang cũng đã xây dựng kế hoạch ứng phó với mưa lũ nhằm bảo đảm giao thông thông suốt trong những ngày diễn ra kỳ thi. Cụ thể, một số địa phương và tuyến đường giao thông xung yếu sẽ được bố trí máy xúc, máy ủi và nhân lực nhằm khắc phục kịp thời các sự cố bất thường có thể xảy ra. Trường hợp cần thiết sẽ huy động phương tiện chuyên dụng của công an, quân đội để đưa đón thí sinh, cán bộ coi thi đến điểm thi an toàn. Đây cũng là phương án mà tỉnh Hà Giang dự kiến sẽ áp dụng để vận chuyển đề thi, bài thi của thí sinh nếu xảy ra mưa lớn, sạt lở đất trong những ngày thi tốt nghiệp THPT.

Theo giadinh.net.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: