Long An: Người dân lo sợ sống trong vùng sạt lở

Đăng ngày: 05-06-2019 | Lượt xem: 1222
Trở lại nơi đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng tại ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, thành phố Tân An, tỉnh Long An, mới thấy các hộ dân sinh sống nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn. Những căn nhà đang bị đe dọa từng ngày, từng giờ, khiến người dân luôn sống trong cảnh phập phồng, lo sợ.

Ngôi nhà của bà Huỳnh Thị Chính, xã Lợi Bình Nhơn, giờ chỉ còn bốn bức tường trơ trọi sau vụ sạt lở. Bà Chính cho biết, bà ở đây đã hơn 60 năm và xem đây là mảnh đất gắn liền với khúc ruột của mình.

Chú thích ảnh
Ngày 27/5/2019, trên địa bàn ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn (Tp. Tân An, tỉnh Long An) xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng gây ra nhiều thiệt hại đối với tài sản của người dân. Tại hiện trường vụ sạt lở, toàn bộ phần nhà phía sau gồm bếp, nhà ăn, công trình phụ của 4 hộ dân bị sạt lở hoàn toàn xuống sông Vàm Cỏ Đông, cuốn theo một số tài sản. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN

Tuy nhiên, thời gian gần đây, khu vực ấp Rạch Chanh nơi bà ở, xuất hiện nhiều vết nứt ven bờ. Sáng 27/5, bà Chính đang quét dọn trong nhà, bỗng nghe nhiều tiếng răng rắc. Hốt hoảng, bà chạy chưa đến 3 mét thì nghe phía  sau lưng tiếng ầm.

Nhìn lại, toàn bộ khu vực phía sau nhà và tài sản của gia đình đều nằm dưới lòng sông với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng. Hiện bà Huỳnh Thị Chính đang ở tạm với người con ở gần bên cạnh.

Hay như trường hợp của chị Võ Thị Mỹ Lệ, đang sử dụng mái hiên nhà làm nơi tạm trú sau vụ sạt lở. Tình cảnh nguy cấp tuy đã qua, nhưng khó khăn vẫn còn kéo dài đối với gia đình chị.

Lo lắng cuộc sống tạm bợ này không biết đến khi nào mới kết thúc. Chị Lệ chia sẻ: “Căn nhà của tôi bị sạt khoảng 6 mét. Bây giờ, tôi không có tiền để sửa lại. Mong chính quyền sớm kè bờ cố định để người dân an tâm sinh sống”.

Không chỉ những hộ dân bị sạt lở gặp khó khăn, người dân sống trong những căn nhà bị rạn nứt, có nguy cơ bị sụp bất cứ lúc nào cũng đang bất an. Theo anh Nguyễn Thanh Bình, xã Lợi Bình Nhơn, thành phố Tân An, nếu thời gian kéo dài, không có sự an thiệp của chính quyền, sạt lở sẽ xảy ra nhiều hơn.

Nguyên nhân do mỗi lần nước lớn (thủy triều dâng) ngấm vào đất, cát và khi nước ròng (thủy triều xuống), phần đất, cát này bức xuống lòng sông. Mấy ngày nay, nhiều chỗ đất càng khuyết sâu hơn. “Sống ở đây, mỗi tối tôi ngủ không được và rất lo lắng. Hiện người dân chúng tôi đang hoang mang, bỏ cả công ăn việc làm”, anh Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm.

Ông Hồ Duy Tâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lợi Bình Nhơn, thành phố Tân An, cho biết vụ sạt lở tại ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, xảy ra vào rạng sáng 27/5, khiến toàn bộ nhà ăn, bếp, công trình phụ của 4 hộ dân ven sông Vàm Cỏ Tây bị sạt lở hoàn toàn, với diện tích trên 250 m2.

Nhiều tài sản của người dân đã bị cuốn xuống sông, tổng thiệt hại gần 3 tỉ đồng. Rất may, vụ sạt lở không  gây thiệt hại về người. Hiện có 4 căn nhà khác ở gần đó cũng đã xuất hiện các vết nứt; đồng thời khoảng 30 hộ ở khu vực này có nguy cơ sạt lở. Chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư đang chung tay giúp đỡ những hộ vùng sạt lở sớm ổn định cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, hiện nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trên địa bàn Long An xảy ra nhiều điểm sạt lở. Trước tình hình này, cơ quan phòng chống lụt bão, UBND thành phố kết hợp với bộ đội biên phòng, dân quân di dời bà con đến nơi an toàn. Trước mắt, ngành đề nghị địa phương quan tâm chỉ đạo các hộ bị sạt lở, các hộ dân gần khu vực có nguy cơ sạt lở hết sức cảnh giác, vì tình hình diễn biến phức tạp nên không thể lường trước được.

Về phía chuyên môn, Ngành nông nghiệp sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Long An nhờ các chuyên gia đánh giá nguyên nhân sạt lở do đâu; từ đó có giải pháp đề xuất kè bờ sông hay sẽ di dời bà con đến chỗ ở an toàn, không bị đe dọa tính mạng.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của người dân. Theo ngành chức năng, tình trạng sạt lở vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Thủ Thừa, Bến Lức, Thạnh Hóa và thành phố Tân An.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, các ngành chức năng, địa phương chỉ dừng lại ở việc cảnh báo, di dời, hỗ trợ. Riêng về giải pháp lâu dài để phòng, chống sạt lở, Long An vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn từ Trung ương.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: