Bảo vệ đại dương là bảo vệ sự sống trên Trái Đất

Đăng ngày: 02-04-2021 | Lượt xem: 1246
Khi nói đến thời tiết và khí hậu, hầu hết chúng ta chỉ nghĩ đến những gì đang xảy ra trong khí quyển. Tuy nhiên, nếu chúng ta bỏ qua đại dương, chúng ta đã bỏ lỡ một phần lớn của bức tranh. Biển và Đại dương là kho dự trữ vĩ đại của những khoáng sản có ích, tài nguyên sinh học, năng lượng cũng như những nguyên liệu dùng trong công nghiệp hóa học và dược phẩm, có thể cung cấp những chất thay thế những tài nguyên ngày càng bị cạn kiệt trên đất liền.

Bao phủ khoảng 70% bề mặt Trái đất, đại dương là nhân tố tác động chính đến thời tiết và khí hậu trên thế giới. Nó cũng đóng một vai trò trung tâm trong biến đổi khí hậu. 

Chủ đề ngày Khí tượng thế giới năm 2021 của WMO - Đại dương, khí hậu và thời tiết của chúng ta - tôn vinh việc kết nối đại dương, khí hậu và thời tiết trong hệ thống Trái Đất. Nó cũng đánh dấu sự khởi động của Thập kỷ Khoa học Đại dương vì sự Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (2021 - 2030). Thập kỷ khuyến khích nỗ lực thu thập khoa học đại dương - thông qua các ý tưởng sáng tạo và chuyển đổi - làm cơ sở thông tin để hỗ trợ phát triển bền vững. (Trích nguồn: WMO).

Mọi sự sống trên Trái Đất hầu như đều phụ thuộc vào đại dương. Nó là môi trường sống của các loài vật, các hệ sinh thái, chứa đựng nguồn thức ăn, phục vụ các hoạt động kinh tế giao thương của con người, nó đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa thời tiết khí hậu.

Tuy nhiên, con người khai thác đánh bắt quá nhiều hải sản, khoáng sản đe dọa đến hệ sinh thái và sinh kế của chúng ta; con người cũng đang làm ô nhiễm nghiêm trọng đến đại dương bằng rác thải, hóa chất; con người cũng đang phung phí các nguồn thực phẩm tiềm năng. Chính vì vậy, các loài vật, hệ sinh thái sống trong đại dương nói riêng hay là mọi loài vật trên Trái Đất nói chung đang lên tiếng kêu gọi con người cần chung tay “Bảo vệ Đại dương chính là bảo vệ sự sống trên Trái Đất”.

Do đó, mỗi con người chúng ta cần có những hành động để góp phần bảo vệ, giải cứu đại dương và môi trường xung quanh mình. Những hành động này được thực hiện mỗi ngày, với mỗi người, mỗi gia đình và lan tỏa trong toàn xã hội. Giảm đồ dùng nhựa và lựa chọn các sản phẩm thay thế nhựa: như tái sử dụng túi nhựa, hạn chế dùng đồ nhựa 1 lần ….; Giảm lượng khí thải: như dùng các phương tiện công cộng, tiết kiệm điện…; Tránh các sản phẩm làm gia tăng nguy cơ tiệt chủng các loại hải sản: vi dụ đồ trang sức từ mai rùa, san hô, vỏ sò ốc làm đồ lưu niệm, vi cá mập ….; Ăn những loại hải sản tốt cho sức khỏe và bền vững: những loại hải sản được đánh bắt và nuôi trồng đảm bảo an toàn, phù hợp, bảo vệ loại hải sản quý hiếm hoang dã; Nâng cao nhận thức về đại dương: tìm hiểu về đại dương thông qua sách báo tranh ảnh, thông qua những chuyến du lịch thông minh …

Là những người làm trong ngành khí tượng thủy văn nói riêng và là những người làm công tác nghiên cứu khoa học trái đất nói chung, chúng ta có thể có những hành động góp phần bảo vệ đại dương. Đó là: Nghiên cứu tìm hiểu, theo dõi đại dương; Mô hình hóa cơ chế tác động của đại dương đến thời tiết, khí hậu; Tăng sự hiểu biết mối quan hệ đại dương, thời tiết, khí hậu đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay; Cung cấp các loại dịch vụ biển, quản lý vùng biển và an toàn sinh mạng trên biển.   

Những kết quả này sẽ làm tăng nhận thức, sự hiểu biết của con người với đại dương, giúp những nhà quản lý đưa ra những chính sách phù hợp bảo vệ đại dương, góp phần bảo vệ sự sống trên Trái Đất.                                                 

   Đài KTTV Nam Trung Bộ- Tạp chí KTTV

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: