Ứng phó hình thái thời tiết đa thiên tai cao điểm của năm

Đăng ngày: 15-10-2020 | Lượt xem: 1668
Ngày 15-10, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông và tình hình mưa lũ. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp.

Khu vực xảy ra lũ lớn ở Trung Bộ có thể đón thêm mưa lớn từ ngày 17-10

Theo Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Mai Văn Khiêm, trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 16-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,8 độ vĩ bắc; 115,0 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 360 km về phía bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ).

Theo ông Khiêm, cơn áp thấp nhiệt đới này kết hợp nhiều hình thái thời tiết tồn tại, còn gọi là đa thiên tai trong cùng một thời điểm gồm dải áp cao cận nhiệt đới, không khí lạnh tăng cường trên biển, sẽ gây mưa lớn trên diện rộng.

Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Mai Văn Khiêm. 

Đến chiều 17-10, ông Khiêm dự báo có khoảng 50-60% áp thấp nhiệt đới này sẽ hình thành bão, sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Trung Bộ. Bão có khả năng gây mưa lớn cho các tỉnh Trung Bộ, khu vực vừa xảy ra lũ lớn. Mưa sẽ kéo dài từ ngày 17 đến 19-10.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến ngày 15-10, chưa tính đến sự cố liên quan đến thủy điện Rào Trăng 3, mưa lũ do áp thấp nhiệt đới và bão gây ra đã làm 48 người chết và mất tích, trong đó có 40 người chết (Quảng Trị 12 người, Thừa Thiên Huế tám người, Quảng Nam chin người); tám người mất tích (Quảng Trị ba người, Quảng Nam hai người, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Gia Lai một người).

Có 585 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 135.731 nhà bị ngập. Về giao thông, có 137 điểm Quốc lộ, 14.737m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng; tuyến đường sắt Hà Nội-Đông Hà bị chia cắt đến ngày 14-10 mới thông tuyến.

Về nông nghiệp, có 870 ha lúa, 5.314 ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.588 ha thủy sản bị thiệt hại; 332.350 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về tàu thuyền, có sáu tàu vận tải với 57 người bị sự cố tại tỉnh Quảng Trị, trong đó đã cứu vớt được 50 người, bảy người bị chết, mất tích. Bốn tàu cá với 17 người bị chìm, các thuyền viên được cứu vớt an toàn.

Liên tục xảy ra các hiện tượng thời tiết dị thường

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong mười ngày qua, kể từ ngày 5-10, nước ta liên tục xảy ra các hiện tượng thời tiết dị thường, từ mưa bão, lũ lụt cho đến áp thấp nhiệt đới. Hậu quả mưa lớn từ cơn bão số 5 kéo dài sang cơn bão số 6 cho đến ngày hôm qua là cơn bão số 7. Chưa bao giờ các cơn bão xảy ra dồn dập như thế trong một thơi gian ngắn, lần lượt các cơn bão số 5, 6, 7 và trên biển đang hình thành áp thấp, nếu mạnh lên sẽ thành cơn bão số 8.

Mưa lớn có nơi lên đến 3.000 ml xảy ra trong vòng từ ngày 6 đến 12-10 tại các tỉnh miền trung gây ra vùng ngập úng sâu rất rộng trên 212 xã, 5 tỉnh, 135 nghìn dân.

Bộ trưởng cho biết, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai xác định được hiện tượng dị thường của thời tiết năm nay. Vì thế, trong việc ứng phó các hiện tượng thời tiết, có sự chỉ đạo sát sao từ trung ương. Thủ tướng Chính phủ liên tục ban hành các công điện, các thành viên Ban chỉ đạo tích kết hợp với các địa phương trong công tác phòng, chống.

Điểm lại, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cơ bản chúng ta đã ứng phó thành công. Toàn bộ hệ thống hồ đập cơ bản đã bảo đảm, không xảy ra sự cố. Nhưng thiệt hại của chúng ta cũng không nhỏ, nhất là vụ việc liên quan đến thủy điện Rào Trăng 3. Chúng ta đang tập trung tìm kiếm các nạn nhân trong vụ Rào Trăng 3. 212 xã ngập sâu ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm nghìn dân, gây ra nhiều cái chết và mất tích đáng tiếc trong mưa lũ.  

Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhắc nhở, tới đây, cơn bão số 7 sẽ tiếp tục gây hoàn lưu mưa, một số tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh, Hải Phòng và một số tỉnh phía Đông Bắc không chủ quan. Cần theo dõi chặt chẽ hệ thống hồ thủy điện, bảo đảm an toàn tuyệt đối hồ đập để dự trữ nước cho mùa khô sang năm. Tuyên truyền để không xảy ra hậu quả thiệt hại về người ở vùng miền núi do sạt trượt, lũ ống, lũ quét…

Theo nhandan.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: