Trà Vinh ban hành Kế hoạch Phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025

Đăng ngày: 27-09-2023 | Lượt xem: 1312

Tỉnh đưa ra hai kịch bản để lên phương án ứng phó.  Kịch bản thứ nhất: Khi cửa sông Cổ Chiên và sông Hậu bị nhiễm mặn với ranh giới độ mặn 4‰, xâm nhập vào sâu từ 25 km - 50 km tính từ cửa sông. Ranh giới độ mặn trên sông Cổ Chiên là 4‰ xâm nhập từ cống Bà Trầm đến cống Cái Hóp. Trên sông Hậu: Độ mặn 4‰ xâm nhập từ cống Trẹm đến cống Rạch Rum. Theo kịch bản này, khu vực bị ảnh hưởng gồm các huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành, thị xã Duyên Hải và một số xã của các huyện: Tiểu Cần, Càng Long và thành phố Trà Vinh.

Kịch bản thứ hai: Khi cửa sông Cổ Chiên và sông Hậu bị nhiễm mặn với ranh giới độ mặn 4‰, xâm nhập vào sâu hơn 50 km tính từ cửa sông. Ranh giới độ mặn trên sông Cổ Chiên là 4‰ xâm nhập vượt qua cống Cái Hóp (vượt qua phạm vi ranh giới tỉnh về phía thượng nguồn). Trên sông Hậu: Độ mặn 4‰ xâm nhập vượt qua cống Rạch Rum, cống Tân Dinh (khi độ mặn 4‰ xâm nhập vào sâu hơn 60 km). Mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng như đợt hạn mặn lịch sử các năm 2015 - 2016, năm 2019 - 2020, độ mặn có khả năng xâm nhập và gây ảnh hưởng đến toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập để kịp thời thông tin, dự báo, cảnh báo đến các cơ quan, đơn vị liên quan và người dân chủ động phòng, tránh, ứng phó. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.

Đài Khí tượng Thủy văn tăng cường công tác đo kiểm tra độ mặn; kịp thời dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin về diễn biến tình hình xâm nhập mặn đến các ngành, địa phương và người dân biết, chủ động phòng, chống, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn

Từ nay đến năm 2025, tập trung rà soát, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp; thực hiện việc nạo vét khu vực cửa cống lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, tận dụng tối đa nguồn nước. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vào mùa khô hàng năm.

Đối với các hệ thống công trình thủy lợi đã được đầu tư khép kín, địa phương trữ nước ngọt trước khi kết thúc mùa mưa hàng năm. Với các hệ thống chưa được đầu tư khép kín, vận động người dân đắp kín bờ bao từng tiểu vùng, đắp đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt. Đồng thời, xây dựng kế hoạch vận hành, điều tiết, điều hòa, cung cấp, phân phối nước hợp lý, đảm bảo đủ nguồn nước cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân vào mùa khô.

Các địa phương điều chỉnh kế hoạch mùa vụ sản xuất phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng, sử dụng giống thích nghi với điều kiện hạn, mặn; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt, tưới tự động, tưới nhỏ giọt, phun sương, tưới ướt khô xen kẽ... để tiết kiệm nước.

Tạp chí KTTV tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: