Thấp thỏm trước mùa lũ

Đăng ngày: 27-07-2021 | Lượt xem: 4997
Mùa mưa bão đến gần, hàng trăm hộ dân sinh sống dọc 2 bên bờ suối ở huyện vùng cao Kỳ Sơn (Nghệ An) lại 'thấp thỏm' lo âu. Sinh mạng của hàng nghìn con người có thể sẽ phải đối diện với hiểm nguy nếu việc di chuyển không được tiến hành kịp thời trong những ngày dông lốc, bão bùng.

Những căn nhà chênh vênh bên dòng sông Nậm Nơn đoạn qua xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn có thể đổ sập xuống sông bất cứ lúc nào.

Nơm nớp lo sạt lở

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 34 vị trí, khu vực đã xảy ra sạt lở núi ảnh hưởng đến 576 hộ/2.841 nhân khẩu đang sinh sống trong khu vực.

Tại các vị trí bị sụt lún, sạt lở núi, chính quyền địa phương cấp huyện bước đầu đã triển khai các biện pháp sơ tán người dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng. Đồng thời theo dõi diễn biến sụt lún, sạt lở, cắm biển cảnh báo và hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm.

Riêng tại huyện biên giới Kỳ Sơn, hiện có 10 điểm có nguy cơ sạt lở với khoảng hơn 260 hộ dân tại các xã như Tà Cạ, Phà Đánh, Keng Đu, Đoọc Mạy, Mường Ải, Mường Típ, Na Loi... Trong đó, phải kể đến bản Xốp Phe, xã Mường Típ do mưa lũ hàng năm đã gây ra 4 cung trượt, sạt lở đất dọc theo sườn núi Chà Lạt, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, nhà ở, tài sản của 73 hộ dân với 337 nhân khẩu, các vết nứt sạt lở đang có dấu hiệu ngày càng lớn dần. Hiện tại chỗ nứt rộng nhất là 1,5m, sâu khoảng 1 đến 2 m, chiều dài vết nứt cung trượt khoảng 200 -500 m.

Hay như tại bản Huồi Hôc, xã Bảo Nam (Kỳ Sơn) vào rạng sáng ngày 15/6/2021 đã xảy ra vụ sạt lở đất, khiến nhà anh Xeo Văn Anh (SN 1994) bị sập tường. Nguyên nhân được xác định là trận mưa của hoàn lưu bão số 2 vừa qua, đất mềm, kết cấu đất yếu nên khu đồi đất sau nhà anh Anh bị sạt lở.

Vụ sạt lở không ảnh hưởng đến người, nhưng gây thiệt hại đến căn nhà vừa được vợ chồng anh dành dụm tích góp xây dựng khoảng 8 tháng trước. “May mắn là trong xảy ra sạt lở, vợ chồng tôi đang đi làm ăn xa. Căn nhà được vợ chồng xây cách đây 8 tháng, là số tiền dành dụm sau nhiều năm làm ăn ở miền Nam. Thậm chí, đến nay hai vợ chồng cũng chưa thể về quê để xem xét nhà cửa vì dịch bệnh”, anh Văn Anh cho biết.

Tại khối 4 và 5, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn có 15 hộ dân gần một năm nay phải sống trong thấp thỏm, lo âu khi những vết nứt, sạt trượt liên tục nới rộng và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Vết nứt nói trên được phát hiện dọc theo Quốc lộ 7A (từ km201+260 đến km201+350) xuất hiện tình trạng sạt lở với chiều dài khoảng 90 m.

Trên mái taluy cách QL7A khoảng 100m có đường nứt dài khoảng 80 m, chiều sâu khoảng 3-4 m dọc theo sườn đồi. Vết nứt thứ 2 nằm phía dưới vết nứt trên khoảng 150 m, chiều dài khoảng 120 m, chiều sâu từ 2-3 m. Ngoài ra phía dưới còn xuất hiện nhiều vết nứt cục bộ chiều dài từ 10-30 m. Đặc biệt, khu vực dưới chân taluy, các vết nứt lớn do sạt trượt đã làm nhiều nhà dân hư hỏng nặng. Theo người dân địa phương, những vết nứt này xuất hiện vào tháng 8/2020.

Nhà nằm sát cạnh mái taluy bị sạt lở, ông Nguyễn Văn Dung (trú tại khối 4 thị trấn Mường Xén) lâu nay không dám vào ở dù đã bỏ hàng chục triệu đồng đan rọ đá kè chống sạt lở. “Không chỉ gia đình tôi, các hộ dân sống dưới mái taluy này đều rất lo lắng. Hiện, gia đình không thể ở, nên chỉ sử dụng làm kho chứa hàng hóa và chỉ mở vào ban ngày”.

Cạnh bên, hộ bà Đào Thị Hoa cũng nơm nớp lo sợ bởi nhà quá sát khu vực sạt lở. “Đáng lo nhất là những lúc mưa to kéo dài, nguy cơ sạt lở rất cao. Tuy nhiên vì cuộc sống mà nhiều gia đình vẫn phải bám trụ, chúng tôi mong chính quyền có phương án đảm bảo an toàn cho người dân bớt lo lắng”, bà Hoa tâm tư.

Cũng tại thị trấn Mường Xén, hàng chục hộ dân còn phải sống trong lo lắng khi nằm sát bên bờ sông Nậm Mộ đã bị hư hại sau trận lũ lịch sử năm 2011, đến nay vẫn chưa được khắc phục. Theo lời kể của người dân nơi đây, năm 2011, trận lũ lịch sử trên dòng sông này đã làm hàng trăm nhà dân bị sập, cuốn trôi, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Trong đó, thị trấn Mường Xén chịu thiệt hại nặng nề nhất với 105 nhà bị sập, trôi, 133 hộ nhà bị ngập; xã Hữu Kiệm có 42 nhà sập, trôi, 11 hộ phải tháo dỡ nhà di dời, 43 nhà bị ngập. Sau lũ, hệ thống đê kè bị hư hại, nhiều khu vực dân cư nước lũ đã khoét sâu vào bờ.

Dù sau đó được đầu tư hơn trăm tỷ đồng để khắc phục, nhưng do thiếu vốn nên công trình vẫn còn dang dở. Nhiều gia đình buộc phải tìm nơi ở mới, một số hộ khác có điều kiện hơn đã tự bỏ tiền đầu tư các kè đá, thế nhưng cứ đến mùa mưa lũ là nỗi lo sạt lở lại dấy lên.

Đơn cử như ông Lô Minh Hoạt nhà bên bờ sông Nậm Mộ. Để có mặt bằng làm nhà, gia đình ông đã phải làm kè đá lên cao, tuy nhiên nếu gặp phải nước xoáy thì kè đá có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Dọc theo bờ sông Nậm Mộ không khó để bắt gặp những ngôi nhà chênh vênh được gia cố bằng những bờ kè đá tạm bợ. Để tránh dòng nước một số hộ đã xây dựng hệ thống móng nhà cao 3-4m dựng đứng sát bờ sông, một số hộ khác thì dùng hệ thống cột thay thế.

Theo người dân địa phương, ngoài nguyên nhân tự nhiên thì tình trạng người dân tự ý đổ đất đá lấn chiếm lòng sông là một trong những nguyên nhân khiến dòng Nậm Mộ bị thu hẹp, nhiều đoạn bị đổi dòng khiến dòng chảy trở nên hung hãn.

Căn nhà của anh Xeo Văn Anh vừa xây bị hỏng nặng.

Nan giải nguồn vốn

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại huyện Kỳ Sơn hiện có 10 điểm sụt lún, sạt lở núi xảy ra trên địa bàn các xã Mường Ải, sạt lở; tại bản Xốp Phong gồm 28 hộ, 190 nhân khẩu; tại xã Bảo Nam gồm bản Nam Tiến 2 có 52 hộ, 277 nhân khẩu; tại xã Keng Đu sạt lở xảy ra ở bản Huồi Cáng có 32 hộ, 159 nhân khẩu; tại xã Chiêu Lưu sạt lở xảy ra tại bản Lưu Thắng và Lưu Tiến có 4 hộ dân, 20 nhân khẩu; tại xã Phà Đánh sạt lở làm ảnh hưởng đến 8 hộ dân bản Phà Khốm; tại xã Tà Cạ sạt lở nguy hiểm làm 7 hộ dân bản Cánh, 1 điểm trường Mầm Non, điểm Bưu điện văn hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng trên cũng xảy ra tại xã Đoọc Mạy với 15 hộ dân bản Noọng Hán.

Riêng tại xã Na Ngoi có 40 hộ tại bản Huồi Thum được đề xuất di chuyển lên vùng tập trung Huồi Thum mới. Hầu hết tại các điểm sạt lở, chính quyền địa phương chủ yếu triển khai các biện pháp sơ tán người dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng.

Đồng thời theo dõi diễn biến sụt lún, sạt lở, cắm biển cảnh báo và hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm. Theo chính quyền nơi đây, việc tái định cư hoặc bố trí dự án để chống sạt lở là quá sức với cơ sở.

Đơn cử như tại điểm nứt núi dọc QL7 xảy ra tại khối 4 và 5 ở thị trấn Mường Xén, để giúp người dân ổn định cuộc sống, năm 2013, công trình kè chống sạt lở bờ sông Nậm Mộ với chiều dài hơn 1,6 km, tổng mức đầu tư hơn 140 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ được khởi công. Thế nhưng, đã nhiều năm trôi qua do khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn, công trình vẫn còn dang dở.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện trên địa bàn có hơn 1000 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở. Trước mắt, huyện giao cho các xã tiếp tục nắm bắt, theo dõi, thống kê toàn bộ các hộ nằm trong diện nguy hiểm có nguyện vọng di dời về nơi tái định cư mới. Đồng thời, đề nghị tỉnh, trung ương bố trí nguồn vốn để huyện xây dựng các điểm tái định cư, di dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, kiêm Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh Nghệ An cho biết, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 34 điểm, khu vực đã xảy ra sạt lở núi ảnh hưởng đến 576 hộ/2.841 nhân khẩu đang sinh sống. Đến nay đều giao cho các địa phương đánh giá mức độ, đồng thời có phương án cụ thể.

Tuy nhiên, về lâu dài, các điểm sạt lở, sụt lún...phải có phương án tái định cư. Vậy nhưng, đau đầu nhất vẫn là vấn đề về vốn khi lên đến hàng trăm tỷ đồng. “Trong khi đó, hầu hết các khu vực sạt lở, sụt lún thường xảy ra ở miền núi. Do đó, rất khó bố trí quỹ đất để làm điểm tái định cư vì nó còn liên quan đến thổ nhưỡng, phong tục tập quán của người dân, nhất là khu vực nhiều dân tộc thiểu số”, ông Thành cho biết thêm.

Theo Đại đoàn kết

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: