Sẵn sàng ứng phó nguy cơ kép

Đăng ngày: 16-06-2021 | Lượt xem: 1331
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, các địa phương trên địa bàn Hà Nội nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt đã xây dựng và sẵn sàng triển khai phương án sơ tán hàng trăm nghìn người dân khi xảy ra tình huống mưa lớn trong nhiều ngày kèm sự cố đê điều, hồ đập, lũ rừng ngang đổ về... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các địa phương đã xây dựng giải pháp ứng phó, giảm thiệt hại kép, cả về thiên tai và dịch bệnh.

Lực lượng chức năng huyện Sóc Sơn kiểm tra phương tiện phục vụ công tác sơ tán dân khi xảy ra tình huống ngập lụt diện rộng.

Chủ động phương án sơ tán dân vùng ảnh hưởng thiên tai

Nam Phương Tiến là một trong 10 xã của huyện Chương Mỹ thường xuyên bị ngập lụt do mưa lớn, lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình dồn về làm tràn đê hữu sông Bùi. “Nếu xảy ra mưa lớn hơn 250mm trong 3 ngày kèm sự cố hồ Miễu, tràn đê hữu sông Bùi, toàn bộ 4 thôn: Hạnh Côn, Hạnh Bồ, Nhân Lý, Nam Hài sẽ bị ngập sâu 1-3m. Khi đó, 1.154 hộ dân, tương ứng hơn 2.100 người của 4 thôn sẽ phải đi sơ tán cách nơi ở hiện tại khoảng 2km. Hiện xã đã hoàn thiện phương án để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống mưa lũ xảy ra”, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Hoàng Bá Phích thông tin.

Cùng với xã Nam Phương Tiến, 9 xã còn lại nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt của huyện Chương Mỹ đã hoàn thành công tác rà soát, thống kê số dân phải sơ tán khi xảy ra mưa lũ. “Ngoài chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện và nhu yếu phẩm cần thiết, các xã đã chọn nhà văn hóa thôn, trường học trên địa bàn bảo đảm cao ráo, kiên cố làm nơi sơ tán an toàn cho người dân”, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Học cho biết.

Không riêng Chương Mỹ, các huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn... cũng đã xây dựng phương án sơ tán khoảng 150.000 hộ dân, tương ứng 600.000 người sinh sống trong vùng thiên tai đến nơi an toàn khi xảy ra tình huống mưa lớn trong nhiều ngày kèm sự cố đê điều, hồ đập gây ngập lụt diện rộng.

“Để ổn định đời sống của người dân trong 7 ngày ngập lụt, phải đi sơ tán, thành phố Hà Nội đã bố trí hơn 96 tỷ đồng dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, nhiên liệu thắp sáng, bảo đảm định mức mỗi ngày, mỗi người được cung cấp 3 gói đồ khô ăn liền, 2 lít nước uống, 1 cây nến thắp sáng...”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội), Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho biết.

Bảo đảm an toàn dịch bệnh

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ, sơ tán dân là giải pháp đặc biệt quan trọng để phòng ngừa, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các sở, ngành, địa phương cần rà soát, bổ sung cho giải pháp này theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung, chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

“Thực hiện chỉ đạo trên, xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) đã rà soát và vận động 386 gia đình có nhà ở cao tầng, kiên cố chia sẻ nơi ở cho 218 hộ dân trong xã đến sơ tán khi xảy ra tình huống ngập lụt do tràn đê sông Tích”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm Đặng Văn Võ chia sẻ.

Tương tự cách làm trên, 10 xã thuộc vùng hữu sông Bùi của huyện Chương Mỹ đã vận động hơn 5.000 hộ dân, 98 doanh nghiệp trên địa bàn chia sẻ nơi ở cho khoảng 4.350 hộ dân sinh sống tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập lụt, xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến sơ tán.

Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nguyễn Thị Hương, người dân xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) nói: “Ngoài sẵn sàng sắp xếp 2 phòng để những người cùng thôn đến tránh lũ lụt, gia đình tôi cũng dự kiến mua thêm khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay để cùng nhau phòng dịch Covid-19”.

Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Hoàng Bá Phích cho biết thêm: “Để nơi đến sơ tán an toàn dịch bệnh, xã Nam Phương Tiến đã bố trí kinh phí, ký hợp đồng với doanh nghiệp y tế cung cấp dung dịch sát khuẩn tay nhanh, thuốc diệt trùng khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, xã sẽ hỗ trợ khẩu trang cho người đi sơ tán và các gia đình tiếp nhận người đến sơ tán”.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Chu Phú Mỹ, để trang bị thêm kỹ năng, kinh nghiệm cho người dân, lãnh đạo chính quyền cấp cơ sở, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tổ chức diễn tập phương án cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tháng 7 tới đây.

Như vậy, đến thời điểm này, các địa phương của Hà Nội đã chuẩn bị chu đáo các phương án sơ tán dân gắn với bảo đảm an toàn dịch Covid-19 trong mùa mưa bão. Quan trọng hơn, người dân, chính quyền cấp cơ sở cũng đang vào cuộc một cách chủ động, tích cực, sẵn sàng ứng phó trước nguy cơ kép, thiên tai và dịch bệnh.

Theo Hà Nội mới

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: