Phòng, chống lụt bão, sạt lở bờ sông ở huyện đầu nguồn An Phú

Đăng ngày: 29-07-2021 | Lượt xem: 2132
Thời gian qua, tình hình thiên tai trên địa bàn huyện An Phú (tỉnh An Giang) diễn biến phức tạp, như: sạt lở đất, giông lốc... cùng với đó, lũ đầu nguồn có thể gây thiệt hại đến sản xuất, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Huyện huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị để triển khai hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thiên tai nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.

Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sạt lở trên địa bàn huyện An Phú

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện An Phú xảy ra sạt lở 5 đoạn bờ sông, với chiều dài 178m, rộng 5 - 15m, diện tích thiệt hại 1.812m2, ảnh hưởng 9 căn nhà (di dời khẩn cấp 8 căn)… tổng thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Rạn nứt 1 đoạn dài 150m, rộng khoảng 5m, nguy cơ ảnh hưởng 3 căn nhà. Đồng thời, mưa lớn kèm giông lốc làm thiệt hại 7 căn nhà (5 nhà màng trồng dưa lưới và 2 nhà dân) ước tổng thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Hỏa hoạn xảy ra 2 vụ tại xã Phước Hưng và Vĩnh Hậu, thiệt hại 5 căn nhà (cháy hoàn toàn 3 căn, 1 căn cháy 50% và 1 căn cháy một phần) ước tổng thiệt hại 695 triệu đồng.

Điển hình, tại khu vực tổ 44 (ấp An Thạnh, thị trấn An Phú, huyện An Phú) đã xảy ra sạt lở cặp bờ sông Châu Đốc, dọc tuyến Tỉnh lộ 957 trong tháng 6 vừa qua. Do được cảnh báo trước nên vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, nhưng ảnh hưởng đến 6 căn nhà buộc phải di dời khẩn cấp. Vụ sạt lở còn ảnh hưởng đến tuyến giao thông huyết mạch từ huyện An Phú đi TP. Châu Đốc.

Trước đó, người dân phát hiện tại tổ 44 xuất hiện một số vết nứt rộng khoảng 5cm, dài khoảng 35m, có nguy cơ sạt lở rất cao. Lo ngại sạt lở đe dọa đến sự an toàn của 2 nhà dân gần đó, chính quyền địa phương và người dân đã kịp thời di dời người và tài sản đến nơi an toàn, tránh bị thiệt hại do sạt lở. Chính quyền địa phương cho rào chắn, cắm biển cảnh báo, hạn chế lưu thông ở khu vực này…

Tình trạng sạt lở trên địa bàn huyện An Phú diễn biến phức tạp trong những năm gần đây, đe dọa đến tính mạng, tài sản người dân. Sạt lở, răn nứt, sụp lún bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn huyện từ năm 2018 đến nay đã xảy ra khoảng 45 vụ, với tổng chiều dài 2.514m, ảnh hưởng 92 căn nhà cần di dời. Trong đó có 9 căn nhà bị sụp hoàn toàn, 7 căn nhà bị sụp một phần xuống sông, kênh, rạch và 75 căn bị ảnh hưởng cần di dời.

Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn huyện An Phú còn nhiều đoạn có nguy cơ sạt lở, như: xã Quốc Thái (2 đoạn sạt lở không liên tiếp nhau, với tổng chiều dài cảnh báo 4.000m); đoạn cảnh báo dài 1.400m từ Đồn Biên phòng Phú Hữu (kênh Năm Xã) về hạ nguồn; đoạn sạt lở tại cồn Cóc (xã Phước Hưng, với tổng chiều dài khoảng 1.200m) là khu vực chịu sạt lở mạnh và liên tục trong nhiều năm qua; đoạn cảnh báo sạt lở trên địa bàn xã Vĩnh Lộc, tổng chiều dài cảnh báo 1.800m; 3 đoạn cảnh báo sạt lở ở xã Vĩnh Trường không liên tiếp nhau, với tổng chiều dài cảnh báo 2.300m; đoạn cảnh báo sạt lở dài 500m thuộc ấp An Thạnh (thị trấn An Phú)…

Trước hình thái thời tiết diễn biến phức tạp do tác động của biến đổi khí hậu, cùng với sự gia tăng của giông lốc, mưa lớn trái mùa, sạt lở đất bờ sông… Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Mai Văn Bộ (Phó trưởng Ban Chỉ huy ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện An Phú) cho biết, Ban Chỉ huy ứng phó của huyện và 14 xã, thị trấn rà soát, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị kịp thời bảo vệ, gia cố đê bao. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, mực nước lũ ở thượng nguồn để kịp thời nắm thông tin thông báo đến cho người dân sản xuất, nhằm chủ động có biện pháp ứng phó hiệu quả, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân an toàn trong mùa mưa lũ. Từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng sản xuất, đồng thời gia cố đê bao né lũ tháng 8 đảm bảo sản xuất vụ hè thu tại 3 xã bờ đông sông Hậu. Phân công cán bộ bám sát địa bàn để báo cáo tình hình mưa, lũ có ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi và hỗ trợ các xã, thị trấn về công tác chuyên môn; thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn tại các điểm xung yếu trên địa bàn. Tổ chức tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ lương thực thực phẩm… thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”; bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai.

Cùng với đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội Chữ thập đỏ, UBND các xã, thị trấn tổ chức các điểm giữ trẻ mùa lũ, tổ chức các điểm chốt cứu hộ, cứu nạn. Ngành y tế đảm bảo an toàn về cơ sở vật chất, kỹ thuật và cơ số thuốc, tổ chức triển khai chăm sóc sức khỏe nhân dân trong mọi tình huống. Thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, giám sát dịch bệnh nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu kịp thời người bị nạn…

Theo Báo An Giang

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: