Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Khẩn cấp triển khai phòng chống bão số 4

Đăng ngày: 28-08-2019 | Lượt xem: 1061
Trước những diễn biến phức tạp của bão số 4, chiều ngày 28/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, chỉ đạo những công việc khẩn cấp trước mắt cần thực hiện ngay nhằm ứng phó với bão. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cùng các ban, ngành chức năng dự họp.
anh 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Nhiều khả năng đổ bộ vào Thanh Hóa – Quảng Bình

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, bão số 4 đã tiến vào khu vực biển Đông từ sáng nay và có khả năng sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình vào khoảng chiều tối đến đêm ngày 30/8, sức gió đạt cấp 8 – 9, giật cấp 10 – 11. Tại khu vực ven biển các tỉnh này, độ cao mực nước dâng do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều có thể đạt mức 3,6 – 4,3m với cường độ bão cấp 10 đổ bộ và từ 3 – 3,7m, với cường độ bão cấp 8 đổ bộ. Khu vực Bắc Biển Đông có sóng cao 4 – 6m, vùng biển ngoài khơi vịnh Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ có sóng cao 3 – 5m, khu vực ven bờ sóng cao 2 – 3m.

Hoàn lưu bão rộng và có khả năng gây mưa sớm, tương tự cơn bão số 3. Mưa lớn sẽ tập trung ở Trung Bộ từ đêm mai 29/8 đến ngày 1/9. Ở Bắc Bộ, mưa lớn kéo dài đến ngày 2/9. Dự báo lượng mưa tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có thể đạt khoảng 250 – 400mm; các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ đạt 200 -300mm; khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thừa Thiên Huế khoảng 100 – 200mm; khu vực trung du, vùng núi Bắc Bộ , Đà Nẵng khoảng 50 – 120mmm.

Lũ cao nhất có khả năng lên báo động 2 – 3 ở thượng lưu sông mã, sông Cả. Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất ở Trung bộ và Bắc Bộ.

anh 2
ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết dự báo bão

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, bão xảy ra đúng dịp nghỉ lễ mùng 2/9. Khu vực chịu ảnh hưởng của bão là vùng dân cư đông đúc và có nhiều khách du lịch lưu trú nên ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương cần hết sức cảnh giác và chủ động trong công tác chuẩn bị phòng chống bão.

Thêm vào đó, hoàn lưu bão có khả năng gây mưa lớn diện rộng ở miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đây là những vùng có lớp thực bì và lớp đất bề mặt bị tổn thương trong thời gian qua, có nơi vừa chịu thiệt hại sau bão số 3 nên cần phải đặc biệt chú trọng lên phương án phòng chống lũ ống, lũ quét, di dời người dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

Hàng trăm tàu thuyền vẫn trong vùng nguy hiểm

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến 14 giờ chiều ngày 28/8, đơn vị đã thông báo cho 71.361 phương tiện/315.815 người từ khu vực Khánh Hòa trở ra về diễn biến, hướng di chuyển của bão số 4, đồng thời, phối hợp với các địa phương thông báo hướng dẫn cho các phương tiện chủ động thoát khỏi vùng nguy hiểm vào nơi tránh trú.

Theo đó, có 797 tàu/5.493 người còn đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm (có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên) ở phía Bắc vĩ tuyến 15 độ Vĩ Bắc; 51.993 tàu đã vào neo đậu tại các bến, còn lại là hoạt động ở các khu vực khác. Hiện còn 20 tàu với 146 thuyền viên của Quảng Trị đang hoạt động ở khu vực Vịnh Bắc Bộ là chưa liên lạc được.

Về tình hình sạt lở bờ biển, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, khu vực bờ biển từ Nghệ An đến Bình Thuận hiện có 24 điểm sạt lở/41,93km đang có diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách, nhất là tại Quỳnh Thọ - Nghệ An, Quảng Phú – Quảng Bình, Hải Dương – T.T.Huế, Vĩnh Mốc – Quảng Trị, Hội An – Quảng Nam, Cửa Đại – Quảng Ngãi, Phước Lộc – Bình Thuận.

anh 3
ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết còn nhiều tàu thuyền trong vùng nguy hiểm

Hệ thống đê điều khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 237 vị trí trọng điểm xung yếu; 86 công trình đang thi công dở dang, trong đó, cần chú ý đến 3 công trình đang thi công dở dang trên tuyến biển là công trình nâng cấp đê Bình Minh III tỉnh Ninh Bình và đê tả Nghèn, đê biển Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh.

Các hồ chứa thủy điện cắt lũ trên lưu vực sông Hồng ở mức thấp và đang tích nước trong thời kỳ tích lũ cuối vụ. Các hồ chứa thuộc lưu vực sông Mã, sông Cả thấp hơn mực nước cho phép trong thời kỳ mùa lũ. Còn các hồ hồ thủy lợi khu vực Bắc Bộ đang ở mức 65-75% dung tích thiết kế; khu vực Bắc Trung Bộ ở mức thấp khoảng 20-73%, khu vực Tây Nguyên khoảng 65-80%.

Không chủ quan, chủ động triển khai các phương án ứng phó

Để ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão và mưa lũ do bão theo phương châm "4 tại chỗ".

Đối với trên biển cần tập trung rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả đối với các tàu vận tải và du lịch); Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú an toàn, phối hợp với các cơ quan liên quan và các nước lân cận để đảm bảo trú tránh cho tàu thuyền.
Căn cứ diễn biến của bão, tình hình cụ thể tại địa phương quyết định thời điểm và tổ chức thực hiện việc cấm biển theo quy định và thông báo cho phép hoạt động trở lại đối với tàu thuyền và phương tiện hoạt động trên biển; Tổ chức, hướng dẫn di chuyển, gia cố bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản.

Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị, cần chủ động triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư tại chỗ và chỉ đạo tại chỗ nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản của nhân dân; Rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.

anh 4
Quang cảnh cuộc họp

Có phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao; bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê biển bị sự cố, công trình đang thi công; đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, bảo đảm thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Các địa phương chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là trên các tuyến đường ven biển; Triển khai phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng; bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê biển bị sự cố, công trình đang thi công; đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, bảo đảm thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Khu vực miền núi, trung du cần rà soát những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; Tổ chức kiểm tra các thiết bị có liên quan trong quá trình vận hành hồ đập, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công, sửa chữa và hồ thủy điện nhỏ; Triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ lớn; Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; Đảm bảo an toàn và trữ nước đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Ban Chỉ đạo TW về PCTT sẽ cử các đoàn công tác xuống địa phương để triển khai các hoạt động ứng phó với bão số 4.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: