Phó Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 7

Đăng ngày: 14-10-2020 | Lượt xem: 1171
Đối với tuyến đất liền, chủ động sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực thấp trũng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Tàu thuyền neo đậu tránh, trú bão số 7 tại Âu tránh, trú bão Lạch Trường, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 13/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành Công điện số 25/CĐ-TWPCTT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương, Bắc Giang và Hà Nội; các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Ngoại giao; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 7.

Công điện nêu rõ: Bão số 7 với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11 đang tiếp tục di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta. Trưa và chiều 14/10, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Để chủ động ứng phó hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1393/CĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 2020, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể.

Đối với tuyến biển và ven bờ, các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh (vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới từ vĩ tuyến 16,5 đến 21,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông và được cập nhật theo các bản tin của cơ quan dự báo).

Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu; triển khai công tác đảm bảo an toàn về người và tài sản đối với các hoạt động du lịch, trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản ven biển và đất liền; không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh, tàu thuyền khi bão đổ bộ. Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, căn cứ tình hình cụ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc cấm biển.

Đối với tuyến đất liền, chủ động sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực thấp trũng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất. Chỉ đạo hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, gia cố bảo vệ công trình, chặt tỉa cành cây... để hạn chế thiệt hại do bão. 

Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng, khu công nghiệp ven biển, bến cảng, kho tàng, hầm lò, hệ thống điện, bãi thải khai thác khoáng sản, dự án đang thi công. Chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống úng ngập, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Tổ chức vận hành, bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn; bố trí lực lượng thường trực để kịp thời xử lý khi có tình huống. 

Triển khai công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường đưa tin về diễn biến của bão và công tác chỉ đạo ứng phó để các địa phương và nhân dân biết, chủ động ứng phó.

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các cơ quan có liên quan tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời tham mưu, chỉ đạo công tác ứng phó bão theo nhiệm vụ được giao.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: