Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai 13/10: Cảnh báo sớm và hành động sớm

Đăng ngày: 13-10-2022 | Lượt xem: 1885
Kể từ năm 2009, ngày 13-10 được Đại hội đồng Liên hợp quốc lựa chọn là Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai 13/10/2022 được Đại hội đồng Liên hợp quốc lấy chủ đề: Cảnh báo sớm và Hành động sớm cho mọi người.

Chủ đề chính của Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2022 sẽ tập trung vào mục tiêu G của Khung Sendai “Tăng cường tính bền vững và khả năng tiếp cận hệ thống cảnh báo sớm đa hiểm họa cũng như thông tin và đánh giá rủi ro thiên tai cho người dân đến năm 2030”.

Năm 2022, Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai diễn ra trong lúc các quốc gia đang tiến hành đánh giá giữa kỳ Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và sẽ được kết luận tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 5/2023 thông qua tuyên bố chung. Đây là dịp để nhìn lại quá trình thực hiện các hoạt động phòng ngừa và ứng phó thiên tai cũng như các mất mát về người, sinh kế, kinh tế, cơ sở hạ tầng cơ bản phù hợp với các hiệp định quốc tế về giảm nhẹ rủi ro và tổn thất do thiên tai trên toàn thế giới, được Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai thông qua vào tháng 3/2015.

Mục tiêu chính của Khung hành động Sendai là tránh tạo ra các rủi ro mới và giảm thiểu các rủi ro hiện có. Khi điều đó là không thể thì hệ thống cảnh báo sớm lấy con người là trung tâm và các hoạt động phòng ngừa để thực hiện các hành động sớm chính là cách để giảm thiểu thiệt hại về người và của cũng như sinh kế.

Hệ thống cảnh báo sớm có khi không thể tự động xác định các hiểm họa có thể xảy ra, do đó nó cần phải đảm bảo rằng người dân và các ngành liên quan nhận được thông tin cảnh báo, hiểu được thông tin và quan trọng hơn nữa là có hành động kịp thời. Hệ thống cảnh báo sớm cần kích hoạt các hành động sớm đã được chuẩn bị và diễn tập kỹ lưỡng trước đó. Trong trường hợp thiên tai khởi phát nhanh, cần phải nhanh chóng sơ tán và tìm nơi trú tránh an toàn. Hành động sớm cũng bao gồm xác định các vật dụng cứu trợ và các biện pháp để giảm thiểu tác động bất lợi của thiên tai.

Hệ thống cảnh báo sớm cần phải bao gồm: Đa hiểm họa (được thiết kế để phát hiện các hiểm họa khác nhau mà có thể xảy ra một mình, đồng thời hoặc liên tiếp nhau ); đến tận người dân (hệ thống bao trùm khu vực rộng lớn, từ phát hiện hiểm họa đến hành động, bao gồm, với các thông tin cảnh báo dễ hiểu và hỗ trợ việc thực hiện); lấy người dân làm trung tâm (có nghĩa là hệ thống được thiết kế đặt con người làm trung tâm, trao quyền và để người dân có thể hành động kịp thời để giảm thiểu tác động tiềm tàng của thiên tai tốt nhất…).

Việt Nam là một trong những quốc gia đứng trước rất nhiều thách thức của thiên nhiên, bởi theo đánh giá, Việt Nam là một trong 5 quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và thiên tai. Các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu được dự báo sẽ ngày càng gia tăng và chính trong bối cảnh đó, các nỗ lực phối hợp để quản lý rủi ro thiên tai và khí hậu là một trong các ưu tiên hành động của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, trong những năm gần đây, công tác phòng, chống thiên tai của nước ta chứng kiến những bước phát triển mang tính toàn diện, chuyển hướng mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Có được những thay đổi tích cực đó, bên cạnh sự quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống công trình, cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai; chúng ta đã đặc biệt chú trọng triển khai hiệu quả công tác nâng cao nhận thức cộng đồng, thông tin, truyền thông, nhằm huy động sự chủ động tham gia của toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, chúng ta luôn nhất quán và thực hiện giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng chính là nâng cao năng lực và cảnh báo sớm để hành động sớm. Việc cảnh báo báo sớm và hành động sớm đã góp phần giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tạp chí KTTV tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: