Lai Châu: Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Đăng ngày: 16-05-2019 | Lượt xem: 1141
Lai Châu là một trong những tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như mưa lũ, sạt lở, hạn hán, rét đậm rét hại… Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai xảy ra, UBND tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó với thiên tai, thực hiện tốt phương châm: “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả”, trong đó lấy phòng tránh là chủ yếu.
•	Lai Châu thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.
Tỉnh Lai Châu thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Tỉnh Lai Châu với địa hình được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, có độ cao trung bình từ 1000 - 1500 m, phía Đông được chắn bởi dãy núi Hoàng Liên Sơn nên ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, khi bão tan kết hợp với rãnh thấp và gió hội tụ trên cao đã gây ra mưa to, rất to trên diện rộng.

Tỉnh Lai Châu có cấu trúc chủ yếu là núi đất xen kẽ các dãy núi đá vôi có dạng địa chất castơ tạo nên các hang động và sông suối ngầm. Khí hậu phân hai mùa rõ rệt, mùa khô hầu như không mưa, chịu các đợt rét hại, băng tuyết...; mùa mưa thường mưa nhiều (tập trung vào những tháng cao điểm 6, 7, 8), gây lũ quét, sạt lở đất, sụt lún ở nhiều nơi, làm thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và người dân, cản trở và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống...

Năm 2018, để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) và khắc phục hậu quả thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành 9 Công điện, Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đã ban hành 1 Công điện về chủ động ứng phó với tình hình mưa, lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan chủ động khắc phục thiệt hại theo phương châm “bốn tại chỗ”; nghiêm túc trực ban, theo dõi diễn biến mưa lũ, để ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Nhiều hộ dân tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở.
Nhiều hộ dân tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở.

Ông Vũ Xuân Tính, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và và Phòng chống lụt bão tỉnh Lai Châu cho biết: Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra 2 đợt mưa đá, dông lốc tập trung vào thời điểm giao mùa làm tốc mái, hư hỏng nhiều nhà cửa, công trình công cộng. Cùng với đó, xảy ra 2 đợt rét đậm gây thiệt hại và ảnh hưởng đến chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 đợt mưa lớn diện rộng và một số ngày xảy ra mưa lớn cục bộ, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Ước tổng giá trị thiệt hại gần 500 tỷ đồng.

Hậu quả khiến 25 người chết, 14 người mất tích, 24 người bị thương. Tổng số 1.844 nhà bị ảnh hưởng, trong đó: 134 nhà sập hoàn toàn; 523 nhà bị hư hỏng; 1.187 nhà nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai cao. 4 trại nuôi trồng cá nước lạnh tại xã Sơn Bình huyện Tam Đường; 69,9ha ao cá bị cuốn trôi, vùi lấp hoàn toàn; 1.023 con gia súc, hơn 11.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi (trong đó có 812 con gia súc chết rét); 1.119 ha lúa, 104 ha rau màu, 628 ha cây hàng năm, 135ha cây trồng lâu năm; 27,65 ha cây ăn quả bị thiệt hại; Diện tích rừng bị thiệt hại là 107ha, 27 chiếc xuồng, 8 máy cày bị lũ cuốn, 02 máy xúc bị rơi xuống vực.

Mưa lũ đã làm 234 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị hư hỏng, cuốn trôi. 144km cáp quang, 302 cột điện viễn thông bị hư hỏng, 162 trạm phát sóng di động bị ảnh hưởng. 24 cột điện bị đổ, 3km đường dây điện trung và cao thế bị đứt, gián đoạn. 24 điểm trường, 4 trạm y tế, 1 trụ sở cơ quan, 7 đồn biên phòng bị ảnh hưởng, hư hỏng. Tổng khối lượng đất, đá sạt lở trên các tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ, đường liên bản, liên xã gần 4,9 triệu m3.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương đã thành lập các đoàn công tác liên ngành trực tiếp xuống cơ sở phối kết hợp với chính quyền địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; thành lập tổ công tác để giúp đỡ người dân bị thiệt hại nhanh chóng ổn định đời sống sinh hoạt; thực hiện sơ tán khẩn cấp các hộ trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai đến nơi an toàn; tiến hành khắc phục các cầu tạm cho người dân đi lại; tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy, sửa chữa khắc phục những vị trí đứt gãy, hư hỏng đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất và oan toàn cho công trình; phân công cán bộ theo dõi xuống địa bàn các xã xảy ra thiên tai kiểm tra cụ thể, thống kê tổng hợp tình hình thiệt hại, báo cáo kịp thời với cấp trên…

•	Tỉnh Lai Châu chỉ đạo các địa phương chủ động khắc phục thiệt hại theo phương châm “4 tại chỗ”.
Tỉnh Lai Châu chỉ đạo các địa phương chủ động khắc phục thiệt hại theo phương châm “4 tại chỗ”.

Năm 2019, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, dự báo các loại hình thiên tai như dông, lốc, mưa đá, mưa cực đoan, rét hại... xảy ra bất thường, khó dự báo. Vì vậy mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 được tỉnh Lai Châu đề ra là cần tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả” trong đó lấy phòng tránh là chủ yếu.

Ông Vũ Xuân Tính cho biết thêm: Ngay từ đầu mùa mưa lũ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu đã quán triệt các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành về công tác phòng chống thiên tai. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố lập kế hoạch tổ chức diễn tập, tập huấn PCTT&TKCN; kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp, các ngành.

Bên cạnh đó, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ PCTT&TKCN; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các thông tin về dự báo thời tiết, các công điện, công văn về phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, chỉ đạo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống mưa lũ nhất là việc tham gia giao thông ở những nơi nguy hiểm khi có mưa lũ.

Đối với những điểm dân cư nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai phải di chuyển đến nơi an toàn, khi lập quy hoạch kế hoạch di chuyển cần xem xét lồng ghép các chương trình: Chương trình sắp xếp ổn định dân cư; Chương trình bố trí ổn định dân cư các xã biên giới; Chương trình nông thôn mới; Chương trình tái định cư để dân cư sau khi di chuyển nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lai Châu.

Cùng với đó, chỉ đạo các địa phương trong tỉnh khắc phục hậu quả, kiểm tra thực tế, thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai. Chủ trì, phối hợp với các cấp, ngành tổng hợp, đánh giá thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ của các đơn vị sau mỗi đợt thiên tai; tham mưu, đề xuất hỗ trợ kinh phí góp phần ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân vùng thiên tai.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: