Kịp thời cung cấp các bộ bản đồ phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai

Đăng ngày: 12-11-2020 | Lượt xem: 1328
Căn cứ vào các các bộ bản đồ phụ trợ như bản đồ địa hình, bản đồ thảm phủ, bản đồ sử dụng đất,... có thể tính toán chi tiết được các khu vực bị ngập lụt, tình trạng sạt lở, lũ quét...

Khắc phục điểm sạt lở tại địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. (Nguồn: TTXVN phát)

 

Để kịp thời đưa ra các thông tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, bão, lũ, sạt lở đất chi tiết và chính xác hơn, đặc biệt là trong bối cảnh thiên tai diễn biến phức tạp, Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Cục Viễn thám quốc gia, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) sẽ cung cấp cho Tổng cục Khí tượng Thủy văn các bộ bản đồ trên phạm vi toàn quốc.

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, thiên tai bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lũ quét, sạt lở đất liên tục xuất hiện trên hầu khắp các tỉnh thuộc phạm vi cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh khu vực ven biển miền Trung với “bão chồng bão, lũ chồng lũ” gây nhiều thiệt hại to lớn về người và tài sản.

Những ngày gần đây, tình hình mưa bão, lũ, ngập lụt ở khu vực Trung Bộ vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, nhiều khu vực bị ngập lụt sâu, diện rộng.

Trước bối cảnh trên, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã và đang tính toán, sử dụng các bản đồ ngập lụt, lũ quét, sạt lở phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, để có thể tính toán chi tiết cần phải các các bộ bản đồ phụ trợ như bản đồ địa hình, bản đồ thảm phủ, bản đồ sử dụng đất, bản đồ các lớp hành chính chi tiết tại những khu vực này.

Vì thế, theo đề nghị của Tổng cục Khí tượng thủy văn, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam sẽ cung cấp các bộ bản đồ mô hình số địa hình (dạng raster) kèm đầy đủ trường thông tin, các lớp dữ liệu thành phần; bản đồ các lớp hành chính giao thông, thủy hệ, hồ chứa... kèm đầy đủ trường thông tin dữ liệu.

Tương tự, Cục Viễn thám quốc gia cung cấp các bộ bản đồ thảm phủ thực vật dạng raster kèm đầy đủ trường thông tin, các lớp dữ liệu thành phần; bản đồ sử dụng đất dạng raster tỉ lệ 1:50.000, 1:10.000 kèm đầy đủ trường thông tin, các lớp dữ liệu thành phần; định dạng file số Arcgis hoặc Mapinfo.

Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cung cấp chi tiết dữ liệu bản đồ trong khuôn khổ Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” phục vụ cảnh báo thiên tai lũ quét, sạt lở đất bao gồm: các bản đồ số về phân vùng nguy cơ sạt lở đất của 15 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An).

Cùng với đó, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cũng sẽ cung cấp bản đồ số hiện trạng trượt lở đất đá của 17 tỉnh gồm: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình./.

Theo TTXVN/VIETNAM+

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: